Phật Giáo Hòa Hảo Trung Ương Hải Ngoại

04. Chú Nghĩa Pháp-Môn Học Phật Tu Nhân

 

hptn

Nghĩa Pháp-Môn HỌC PHẬT TU NHÂN

A- Vài nét về Ông THANH-SĨ

B- Phần I: TU NHÂN

01- Đạo Làm Người
a) Tam-Cang và Ngũ-Thường
b) Tam-Tùng và Tứ-Đức

C- Phần II: HỌC PHẬT

D- Thay phần kết-luận: Đại-khái pháp tu thường ngày của một tín-đồ PGHH

Thanh-Si 2

CHÂN DUNG ÔNG THANH-SĨ
Một đệ-tử của Đức HUỲNH GIÁO-CHỦ
A- VÀI NÉT VỀ ÔNG THANH-SĨ

1. Thân-Thế:

         Ông Thanh Sĩ, tên thật là Trần Duy Nhứt, sanh năm Mậu Thìn (1928) tại Ấp Phú Thạnh, xã Phú Long, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc, Nam Phần Việt Nam.

         Thân phụ ông Thanh Sĩ là ông Chế Văn Hương và thân mẫu là bà Trần Thị Mười. Do điều bất hạnh xẩy ra trong gia đình, ông Thanh Sĩ phải mang họ mẹ và lớn lên bên cạnh mẹ cùng với người em ruột là Trần Duy Nhì trong một hoàn cảnh nghèo khó.

         Từ thuở nhỏ, ông có tính tình hiền hòa, khiêm cung, lễ độ với mọi người. Dáng ông cao ráo, mảnh khảnh, tiếng nói trong trẻo, thanh sảng.
Vì hoàn cảnh khốn khó, ông Thanh Sĩ phải thôi học lúc chưa hết lớp ba trường làng. Mặc dầu không có cơ hội tới trường lớp nhiều nhưng ông có kiến thức vượt hẳn lớp người cùng thời nhờ bẩm chất thông minh, có chí tìm hiểu kinh sách và năng trau dồi đạo đức.

2. Hành-Trạng và Quá-Trình Hoằng Pháp:

         Năm 1942 (Nhâm Ngọ), nhân đọc quyển Giác Mê Tâm Kệ của Đức Huỳnh Giáo Chủ, ông Thanh Sĩ thấy được con đường đạo. Vào ngày rằm tháng bảy năm đó, ông thượng ngôi Tam Bảo và tự làm lễ qui y tại nhà. Lúc đó ông vừa tròn 15 tuổi.

         Năm 1943, ông lâm bệnh nặng. Trong lúc mọi người tưởng ông không qua khỏi thì bỗng nhiên ông mượn bút mực viết bài “Khải tấu cáo hoàng thiên” rồi nhờ người đặt bàn hương án cầu nguyện, đọc và đốt dùm bài này. Sau đó, tự nhiên ông khỏi bệnh.

         Năm 1944 (Giáp Thân), ông Thanh Sĩ quyết chí đến diện kiến Đức Huỳnh Giáo Chủ đang ngụ tại Sài Gòn để xin qui y trực tiếp. Khi ông đến nơi thì từ trên lầu cao, Đức Huỳnh Giáo Chủ vẩy tay bảo ông hãy về vì Ngài đã hiểu ý.

         Năm 1945 (Ất Dậu), sau khi Nhựt đầu hàng quân đội Đồng Minh, Mặt Trận Việt Minh bắt đầu hoạt động mạnh, gây nên cuộc xung đột đẵm máu với các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và tạo ra biến cố Đốc Vàng (16-4-1947) khiến Đức Huỳnh Giáo Chủ phải đột ngột ra đi. Không sống được trong vùng Việt Minh, gia đình ông Thanh Sĩ phải xuống thuyền di cư về Thánh Địa Hòa Hảo vào tháng 2 nhuần năm Đinh Hợi (1947).

         Trong khoảng thời gian 1945-1947, ông Thanh Sĩ đã sáng tác nhiều thi thơ có nội dung xiển dương đạo pháp nhưng vì khói lửa chiến tranh nên bị thất lạc hết.

         Năm 1948 (Mậu Tý), em ông là Trần Duy Nhì bị bệnh chết. Ngày 16-4 âm lịch năm đó, lần đầu tiên ông đăng đàn thuyết pháp ứng khẩu mở màn cho thời kỳ châu thuyết (1948-1952) qua nhiều tỉnh hạt: Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sađec, Vĩnh Long, Phú Lâm (Sài Gòn), … tổng cộng trên 40 địa điểm trong một hoàn cảnh rất khó khăn của đất nước.

         Năm 1952 (Nhâm Thìn), sau khi chùa Tây An Cổ Tự (Xã Long Kiến, Tổng Định Hòa, Quận Chợ Mới, Tỉnh Long Xuyên) được trùng tu xong, ông Thanh Sĩ bắt đầu thời kỳ thuyết pháp ứng khẩu định kỳ vào các ngày sóc vọng (rằm, 30 mỗi tháng) tại đó. Ông lập ra Ban Hoằng Pháp – chính ông được bầu làm Giám đốc cùng 3 giảng viên: Thiện Duyên, Thiện Ngôn, Thiện Hạnh và thư ký là ông Bùi Xuân Cứ; ông cũng lập chương trình tổ chức 3 khóa huấn luyện đạo đức (mỗi khóa 4 tháng) để đào tạo các giảng viên:

         – Khóa I khai giảng vào ngày rằm tháng giêng năm Giáp Ngọ (1954) đào tạo được 22 giảng viên với danh hiệu là Khóa Hòa Hảo.

         – Khóa II khai giảng tiếp sau đó và đã đào tạo được 30 giảng viên với danh hiệu là Khóa Tây An.

         Trong khi Khóa III chuẩn bị tiếp tục khai giảng thì tình hình biến động nên ông đã vội xin xuất ngoại.

3. Thời-Kỳ Đông-Du:

         Đầu năm 1955 (đúng ngày rằm tháng giêng năm Ất Mùi), ông Thanh Sĩ lên Sài Gòn xin phép sang Nhựt với lý do du học và nghiên cứu Phật pháp.

         Trước khi rời Việt Nam, ông để lại hai câu thơ như sau:

                          “Loạn Nam cơ Bắc khổ ai bi,

                           Mượn cớ Đông Du đãi lịnh kỳ.”

         Cùng đi với ông có ông Thiện Hạnh (trong Ban Hoằng Pháp chùa Tây An Cổ Tự) giúp việc thông ngôn cho ông trong giai đoạn đầu. Một tháng sau, ông Thiện Hạnh về Việt Nam và ông Lâm Văn Lẹ sang thay.

         Sau khi đến Nhựt, ông Thanh Sĩ cùng ông Lâm Văn Lẹ xin vào học tại Đại Học Đường Waseda. Việc này gặp phải khó khăn vì cả hai ông không có bằng tú tài và ông Thanh Sĩ còn trở ngại tiếng Nhựt. Nhờ sự can thiệp của Tòa Đại Sứ Việt Nam lúc bấy giờ, Viện Đại Học Waseda đã mở cuộc trắc nghiệm đặc biệt và xác nhận hai ông có đủ trình độ nên cho nhập học.

         Khả năng ngoại ngữ của ông Thanh Sĩ phát triển phi thường; chỉ ba tháng sau, ông đã sử dụng được thông thạo tiếng Nhựt lẫn tiếng Anh. Sang năm thứ hai, ông Lâm Văn Lẹ phải về Việt Nam báo hiếu vì cha đau nặng. Sau 4 năm, ông Thanh Sĩ tốt nghiệp bằng Cử nhân tại Waseda và được mời ở lại trường làm giảng viên. Năm đầu, ông phụ trách giảng các môn Lịch Sử, Giáo lý Phật Giáo và Triết học; năm sau, do khả năng ông phát triển nhanh, ông phụ trách thêm nhiều môn học khác như: Xã Hội học, ngôn ngữ học. Ông cũng được mời diễn giảng tại các lớp tu nghiệp cho các giáo sư của trường.

         Trong suốt thời gian tại Nhựt, ngoài việc dạy học, ông Thanh Sĩ không ngừng sáng tác, thường xuyên tiếp xúc với Uûy Hội Phật Giáo Quốc Tế tại Nhựt cùng nhiều tôn giáo khác và thực hiện các công tác giáo sự quan trọng ở hải ngoại.

4. Sự-Nghiệp Giáo-Lý:

         Kể từ năm 1948 đến cuối cuộc đời, ông Thanh Sĩ đã để lại một sự nghiệp hoằng dương đạo pháp thật to tát:

         * Lúc còn ở Việt nam, mỗi buổi đăng đàn thuyết pháp ứng khẩu của ông thường kéo dài từ 2 đến 6 tiếng đồng hồ và qui tụ hằng ngàn hằng vạn người đến nghe. Sau phần thuyết giảng bằng tản văn, ông tiếp tục giảng bằng vận văn một cách siêu thoát trác tuyệt. Một số thi bài do anh em đồng đạo PGHH sưu tập hoặc tốc ký ghi được gồm trên 30 tác phẩm; trong đó, được in thành sách chia thành hai giai đoạn sau đây:

         – Giai đoạn 1948-1952: gồm có các quyển: Châu Thuyết, Đám Mưa Giông, Tiếng Chuông Cảnh Tỉnh, Lời Khuyên Tu Hiền, Tỉnh Thế, Bán Dạ Đông Thiên, Cảm Xuân, Thi Lục, …

         – Giai đoạn 1952-1954: gồm có các quyển; Thuyết Pháp Ứng Khẩu, Chú Nghĩa và nhiều bài đăng trong tập san Giác Tiến do Ban Hoằng Pháp chùa Tây An Cổ Tự ấn hành.

         * Trong thời gian tại Nhựt, dù rất đa đoan việc học hành, nghiên cứu và dạy học, ông Thanh Sĩ cũng không ngừng sáng tác nhắc nhở việc tu học cho các đồng đạo ở quê nhà. Từ 1957 đến 1967, ông viết xong 17 tác phẩm bằng văn vần sau đây: Lời Vàng Trong Mộng, Vạn Niên Huynh Đệ, Rằm Tháng Mười, Đâu Là Phàm Thánh, Tiếng Nói Trong Hoa Sen, Hỡi Quê Nhà, Đã Chết Mà Sống, Tôi Còn Đây Mà, Tôi Không Quên, Ánh Sáng Từ bi, Đường Giải Thoát, Thần Cơ Thật Luận, Con Thuyền Đại Đạo, Đời Mạt Pháp, Là Phật Tử, Tình Đạo Phật, Đến Liên Hoa. Các quyển này đã được in và đóng chung thành tập có tên là HIỂN ĐẠO, dầy trên 1300 trang. Ngoài ra, trên 630 lá thư được ông viết gởi về đồng bào và đồng đạo ở quê nhà để trả lời các nghi vấn về đạo pháp cũng đã được sưu tập và ấn hành thành hai quyển : Lá Thư Đông Kinh I và Lá Thư Đông Kinh II; một số băng nhựa cũng đã được ông đích thân xướng âm ghi vào và gởi về Việt Nam.

5. Lập Nguyện:

         Với tâm bồ tát độ đời, ông Thanh Sĩ đã từng lập nguyện rất lớn.

         Trong “Vạn Niên Huynh Đệ”, ông đã thệ nguyện luân lưu cứu thế:

                 “… Xác này còn cũng vẫn tiến lên,

                   Xác dầu mất cũng nguyền tái thế.

                  Đến chừng nào ngục môn đều phế,

                  Không còn người tồi tệ mới thôi.”

         Trong “Lời Vàng Trong Mộng”, ông xác quyết:

                 Nguyện đem cái xác mọn này,

                 Gánh đau sầu, cứu mê say cho đời.

                 Đến khi nào hết người khổ não,

                 Ta mới vui lòng đáo Tây phang.

                 Ngày nào còn kẻ khốn nàn,

                 Ta còn ở thế mở đàng Từ Bi.”

         Trong “Đâu Là Phàm Thánh”, ông cũng lập thệ:

                 Chừng nào được cứu an vạn vật,

                 Đây mới là chịu dứt chuyển thân.

                 Còn khổ đau một kẻ trên trần,

                 Đây còn phải lao thân khắp chốn.

                 Nguyện cứu thế dầu thân khốn đốn,

                 Cũng xem thường chẳng núng nao lòng.”

         Qua các lời thệ nguyện trên cũng như qua cuộc đời xả thân hoằng pháp của ông đủ để nói lên tâm bồ tát của ông dũng mãnh như thế nào rồi.

6. Những Ngày Cuối Đời:

         Cơ duyên ông Thanh Sĩ đến với người tín đồ PGHH và đồng bào Việt Nam thật là đậm đà gắn bó. Lòng mến đạo của ông sâu xa bao nhiêu thì lòng yêu nước của ông cũng nồng nàn bấy nhiêu.

         Như một cơ duyên đã mãn, một giai đoạn chuyển thân trợ đạo đã kết thúc, mùa xuân năm 1972, ông Thanh Sĩ lâm trọng bịnh trong lúc đang dạy học tại Đại Học Waseda Nhựt Bổn và phải vào bệnh viện tịnh dưỡng. Vào ngày 26/12 năm Nhâm Tý (nhằm 29-1-73), ngay sau khi Đài BBC loan tin Hiệp Định Ba Lê được ký kết, hứa hẹn cho một cuộc ngưng chiến tại Việt Nam, ông trút hơi thở cuối cùng, thọ 46 tuổi.

         Nhục thân của ông đã được những người bạn Nhựt làm lễ hỏa táng tại Tokyo vào ngày 31-1-73 và tro cốt được chuyển về Việt Nam sau đó. Hàng vạn tín đồ PGHH đã cung nghênh tro cốt của ông một cách trọng thể và đưa về an táng bên cạnh mộ phần của từ mẫu ông – bà Trần Thị Mười – tại Xã Long Kiến, Quận Chợ Mới, Tỉnh An Giang.

         Ông Thanh Sĩ mất đi để lại một sự thương tiếc cho hàng triệu tín đồ PGHH và một vĩ nghiệp đạo đức tồn tại mãi mãi về sau.

*  *  *

         Nhóm anh em tín đồ PGHH chúng tôi đang định cư tại Tiểu bang Massachusetts và một vài nơi khác tại Hoa Kỳ nhận thấy quyển CHÚ NGHĨA về Pháp Môn Học Phật Tu Nhân là một quyển sách rất ích lợi cho người cư sĩ tại gia trên đường hành đạo. Quyển sách này gồm các tài liệu do ông Thanh Sĩ thuyết giảng bằng văn xuôi, ông Vương Kim ghi chép và cho ấn hành tại Việt Nam trước đây. Sách chú giải tỉ mỉ về các nét đại cương của Pháp Môn Học Phật Tu Nhân – mà Đức Huỳnh Giáo Chủ từng nhắc nhở – một cách giản dị dễ hiểu, đáng được người cư sĩ học Phật tu Nhân dùng làm kinh nhựt tụng. Do đó, chúng tôi đã vượt khó khăn về thì giờ lẫn sự hạn hẹp về tài chánh cho tái ấn tống quyển sách này nhân dịp đón chào thiên niên kỷ mới.

         Chúng tôi nguyện đem công đức này hồi hướng đến khắp cả chúng sanh đều sớm viên thành Phật Đạo.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nam Mô A Di Đà Phật

Hoa Kỳ, đầu Xuân năm 2000 – P.L. 2544

Một Nhóm Tín-Đồ PGHH Định Cư tại Hoa-Kỳ

Thanh-Si 1

CHÂN DUNG ÔNG THANH-SĨ
Một đệ-tử của Đức HUỲNH GIÁO-CHỦ

Bài 1

ĐẠO LÀM NGƯỜI

         Tôn chỉ của Phật Giáo Hòa Hảo gồm có đạo Nhân và đạo Phật. Đạo Nhân là nấc thang đầu, đạo Phật là nấc thang chót, nghĩa là chúng ta trước phải thực hành đạo nhân rồi lần đến đạo Phật. Đức Thầy dạy chúng ta trước nhứt phải đem đạo nhân ra mà xử-sự với mọi người.

         Đây là bài đạo làm người:

                 “Khuyên trai gái học theo Khổng Mạnh,

                  Sách Thánh Hiền dạy đạo làm người”,

         Hai câu nầy Đức Thầy dạy chúng ta cần phải học theo Khổng Tử và Mạnh Tử, tức là học cái đạo làm Người, phải biết khắc kỷ.

          Khắc kỷ: Khắc có nghĩa là trị, Kỷ có nghĩa là mình, gồm nói là trị mình. Thời nay có những người không sửa trị mình, lại đi sửa trị người khác cho nên không khi nào kết quả. Và đó là hạng người không biết khắc kỷ.
Trước khi đối xử mọi người, thì mình phải trị sửa mình cho được ngay chánh, mới có thể sửa người và nói cho người nghe theo. Như Thánh nhơn có câu: “Chánh kỷ dĩ giáo nhơn giã thuận, thích kỷ dĩ giáo nhơn giã nghịch” nghĩa là mình giữ mình được lẽ chánh rồi đem ra dạy người là phải lẽ, mình còn tà vạy mà đem ra dạy người là trái lẽ.

         Bởi thế việc khắc kỷ không phải nói bóng nhoáng bề ngoài mà phải thật tâm tu trị mình cho đến khi không còn một lỗi nào mới quí, như:

       – Nam phải biết: Tam cang Ngũ thường.

       – Nữ phải biết: Tam tùng Tứ đức.

         Ngoài ra còn cần phải tập tành thêm những đức tánh tốt đẹp khác nữa. Trong xã hội ngày nay về mặt luân thường họ chỉ cho là một vấn đề cổ hủ, thành thử giữa cha con, giữa chồng vợ không còn trọng hiếu nghĩa để sắp đặt cho thành một gia đình có nề nếp gì cả.



a) TAM-CANG và NGŨ-THƯỜNG

         TAM CANG là quân thần cang, phụ tử cang và phu thê cang.

         1. Đạo quân thần: Theo đà tiến hóa của thời đại mà hiện giờ chữ quân thần phải đổi lại là chữ quốc dân. Muốn cho quốc dân được phú cường, chúng ta phải làm cho mặt kinh tế được dồi dào, chánh trị được khéo léo và mỗi công dân đều biết tự trọng lịch sử nước nhà.

         Với cái thiên chức làm dân biết giúp cho nước nhà phú cường và giữ vững nền độc lập mới xứng đáng là một tôi con của Tổ quốc và mới giữ mồ mả của ông cha. Song đứng ra cứu quốc không xem đó là điều nguy kịch đời mình, vẫn hy sinh cả sự nghiệp vật chất lẫn tinh thần để đổi sự thành công mới trọn nghĩa trung.

         2. Đạo cha con: Làm cha mẹ rất là khổ sở với con cái, từ sự nuôi nấng và dạy dỗ cho nên người gặp phải gia đình nghèo khó cha mẹ phải làm sao cho ra tiền đặng lo sắm y-phục cho con, đưa con đến trường để học tập, được trở nên người hữu dụng.

         Nếu kẻ làm con biết xét đến điều đó, thì phải hết lòng hiếu thảo cha mẹ, cung phụng cha mẹ từ miếng ăn, thức mặc hoặc thuốc thang khi đau ốm, để đáp trọng ân và biểu-dương một tinh-thần hiếu hạnh cao cả trong xã hội.

         Ông Mạnh Tử nói: “Nội tắc phụ tử, ngoại tắc quân thần, nhân chi đại luân dã”, nghĩa là bên trong thì đạo cha con, bên ngoài thì đạo vua tôi, đó là cái giềng mối lớn của đạo người vậy. Như thế chữ hiếu đâu phải là việc phụ thuộc mà kẻ làm con chẳng hết lòng báo bổ được ư?

         3. Đạo chồng vợ: Đã vui vẻ kết cấu với nhau lập thành một gia đình, thì kẻ làm chồng vợ phải cần tiêu biểu cách đối xử tốt đẹp cho gia đình người khác bắt chước, không nên vì lý do không chánh đáng mà sanh ra tình phai ý lợt. Nhiều khi vợ chồng bỏ nhau quá dễ dàng chỉ vì thú dục mạnh hơn tình nghĩa. Nếu loài người sống không biết tình nghĩa thì cái sống ấy không khác loài vật, chẳng chút nề-nếp gia-phong, tôn-ti trật tự. Như thế có thú vị gì đâu?

         NGŨ-THƯỜNG: Nói đến ngũ thường, không một đồng đạo nào lạ tai cả, vì điều nầy hẳn mỗi người đã được cha mẹ hoặc ông già bà cả thường hay nói đến và dạy cho con cháu trong nhà học theo. Nhưng cách chỉ bảo ấy chỉ lấy đại khái, nên lắm người hiểu còn mờ mịt. Hôm nay cần hiểu rành hơn để cư xử đúng đạo làm người.

         Ngũ thường gồm có: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

         NHÂN : Nhân là keo là hồ để hàn gắn lại bao vết thương lòng của nhơn loại. Người có lòng nhân hay tha thứ kẻ lầm lỗi, giúp đỡ người khác từ miếng vải, bát cơm và không chủ-trương sát sanh hại mạng. Hơn nữa, đối với cha mẹ họ còn đầy lòng hiếu hạnh.

         Sách có câu: “Trắc ẩn chi tâm, nhân chi đoan giả”, nghĩa là lòng thương yêu mọi người là mối đầu của lòng nhân. Thế nên, lòng nhân là nguồn sống của mọi loài, và người có được lòng nhân tức là ân nhân của tất cả nhân loại:

         – Lẽ thứ nhất của lòng nhân là thường ra tay giúp đỡ kẻ thiếu hụt và thương yêu người nguy nan mà tế trợ mọi công ăn việc làm có lợi ích.

         – Lẽ thứ hai của lòng nhân là họ đối với người lở phạm tội lỗi đến họ, thì họ luôn luôn tha thứ, nếu người biết ăn năn. Lại họ còn dạy dỗ những điều chơn chánh và đạo lý khiến người ấy trở nên người nhân từ như họ.

         – Lẽ thứ ba của lòng nhân là không khi nào vì sự lợi riêng cho mình mà làm cho kẻ khác bị đau khổ, hay vì món lợi chung mà giết hại người khác một cách vô cớ.

         – Lẽ thứ tư của lòng nhân là lúc nào họ cũng giữ sự ăn uống có chừng mực, không hề đụng đâu ăn đó, hay ăn quá độ, để vô tình tự sát đời họ quá vô nghĩa và họ không khi nào vì cuộc vui thích không có ý nhị mà sát hại sanh vật cho được thỏa mãn khẩu dục.

         – Lẽ thứ năm của lòng nhân là họ rất hiếu hạnh với cha mẹ, nuôi dưỡng cha mẹ từ miếng ăn, thức uống, chỗ ở, cho đến lời nói hoặc việc làm gì cũng đều làm vui lòng cha mẹ và giữ danh giá của cha mẹ không để người khác rẽ khinh hay để cha mẹ có một điều gì khổ sở.

         NGHĨA : Mỗi người đều hiểu việc nghĩa là điều tốt đẹp nhứt, dù ai cũng phải có nó trong lòng mỗi ngày và cần thực hành đúng cách.

         a) – Đối với trong nhà từ trên ông bà cha mẹ đến anh em lúc nào cũng phải đầy lòng thương mến và giúp đỡ. Có thể chia sớt cho nhau điều vui, gánh đỡ cho nhau việc khổ, nghĩa là bất tất việc gì luôn luôn nghĩ đến lẽ phải đối với thân quyến. Có được thế mới làm cho thân quyến bền chặt.

         b) – Ngoài việc đối xử gia đình, chúng ta còn đem việc nghĩa đối với xã hội, từ vua quan đến dân dã bạn bè, lúc nào cũng phải đem hết tâm tư trí lực của mình và việc làm lợi ích cho nhau, nghĩa là phải biết cùng sống còn, cùng vinh hạnh trên lẽ phải và phải biết cứu nhau trong chỗ nguy biến. Nói tóm lại là từ trên đến dưới có thể giúp nhau nhiều việc công nghĩa.

         c) – Là trong khoảng sống, chúng ta không tránh khỏi gặp phải lúc bất trắc của mình hay kẻ khác, nếu gặp việc bất trắc của kẻ khác mình hãy tận tâm ứng phó để cứu giúp họ không hề sụt sè lánh né.

         d) – Đến như gặp phải trường hợp nghèo khó cho đến cơm không đủ no, áo không đủ mặc nhưng với lòng của kẻ biết việc nghĩa không hề chủ trương những việc bất lương và luôn luôn giữ tiết tháo trong việc chơn chánh, dầu cạp đất ăn rau, không hề thâu đoạt của người vô cớ. Còn được giàu sang dư giã thì đem giúp đỡ kẻ thiếu hụt, không có tư lợi ích kỷ hay vị danh.

         LỄ : Mỗi người đều phải biết lễ, vì nó tiêu biểu lòng kính mến. Nếu hiểu biết được ý nghĩa của việc lễ thì:

         a) – Đối với gia đình từ ông bà cha mẹ anh chị trong nhà luôn luôn giữ sự chào hỏi lễ phép và nói năng bặt thiệp. Sự chào hỏi ấy với lòng thành thật cung kính chớ không có hoa dạng bề ngoài, khi nghe tiếng gọi của cha mẹ, anh chị hoặc người lớn tuổi thì liền dạ, gặp người quen lớn hay xa lạ cũng vậy phải hai tay nắm lại để ngay ngực cúi đầu chào hỏi một cách nghiêm cẩn. Và có điều cần nhớ là dù gặp khách quen hay lạ mình cũng vẫn đối đãi tử tế như nhau, nếu vì người quen mà ta chỉ chào hỏi qua loa khiến người ấy chẳng vui lòng, chẳng thế còn làm cho kẻ trong nhà bắt chước cử chỉ ấy không tốt.

         (Cách lễ Phật chấp tay xá gọi là “hiệp chưởng”. Đối với người thủ lễ nắm tay lại gọi là “củng thủ”).

         b) – Ngoài việc chào hỏi trong gia đình, chúng ta còn đối với bên ngoài như hàng vua quan, các bậc tôn trưởng luôn luôn giữ lấy lời lễ độ chào hỏi. Chẳng những được nhân cách lịch sự mà còn gây được cảm tình với người nữa.

         c) – Khi đến các ngôi chùa, miếu, lăng, tẩm luôn luôn giữ vẻ cung kính. (Trước khi vào bái đường phải lột giày, guốc, khăn, nón để ngoài rồi sẽ từ từ tiến vào một cách nghiêm chỉnh, không được chấp tay sau lưng. Khi lễ bái, ngoài dung nghi chỉnh tề, còn giữ trọn lòng cung kính và tin tưởng Đức Phật).

         d) – Nam cũng như nữ mỗi khi hầu chuyện với nhau đều phải giữ lời lẽ lễ độ, cử chỉ đoan trang không nên nói diễu cợt tục tằn và không để cho lòng nghĩ quấy.

         e) – Việc chồng vợ mặc dầu đã ăn ở lâu ngày, chẳng vì thế mà nói lờn lả, trái lại phải đem lòng cung kính nhau luôn: khi nói năng phải thưa dạ, lúc đi, đứng, nằm, ngồi phải biết nhường nhịn cho lễ phép, không được xem thường nhau mà sanh lòng lờn lã.

         TRÍ :  Con người hơn loài vật nhờ có cái trí, như:

         a) – Lấy trí xét nghĩ chất rượu thường làm cho con người tâm trí cuồng táo không còn phong độ tốt lành, không còn biết suy xét việc phải trái, làm nhiều tội lỗi: chửi vợ mắng con, gây ó xóm riềng, tựu tập bạn bè bày tiệc độ, sanh việc cướp bóc, gây lắm sầu khổ, nên không hề uống.

         Đức Phật cho rượu là thứ thuốc độc. Ngài thường răn các môn nhơn của Ngài phải cử rượu. Song muốn cử rượu thì lúc nào cũng nhận nó là tai hại, không nên nếm thử. Chỉ trừ khi nào có bịnh mà lương y bảo phải dùng với thuốc mới được uống, song mạnh rồi thôi.

         Xưa có một người qui y Tam bảo, một hôm khát nước y gặp bình rượu liền uống cho đỡ khát, bỗng con gà chạy đến y bắt làm thịt uống với rượu, người con gái mất gà đến kiếm, y lại bắt hãm hiếp, bà già cô gái ấy kiện y ra tòa thì y chối rằng không có bắt gà và hiếp dâm. Thế thì từ cái tội rượu dẫn đến tội ăn trộm gà, tà dâm vọng ngữ một cách dễ dàng chẳng là đáng sợ lắm sao?

         b) – Lúc nào cũng lấy trí xét thấy việc cờ bạc là thứ phá hoại tài sản, nó thường làm cho người tiêu tan sự nghiệp, hết bạc tiền; như thua thì bán vòng vàng, quần áo, đất cát, cửa nhà; đến khi không còn món gì bán được nữa thì sinh ra trộm cướp. Trai sa vào cờ bạc thì sanh ra đàng điếm; gái sa vào cờ bạc thì sanh ra đĩ thỏa, họ không còn nghĩ đến danh giá của họ hay phong hóa nước nhà là gì. Xét cờ bạc có tai hại như thế; người có trí luôn luôn xa lánh không nên mó vào.

         c) – Lấy trí xét nghĩ sắc đẹp là món hại như nọc ong, nọc rắn, nếu người chạm đến là nguy hại, nên ngăn ngừa không hề say đắm:

         – Vua lụy vì sắc thành lũy tan hoang.

         – Quan lụy vì sắc bại trận mất chức.

         – Dân lụy vì sắc bị tù đày khổ sở.

         Ngoài ra sắc đẹp còn làm cho người mờ ám trí tuệ, vì nhốt tư lự trong chẳng rời và cũng xô người vào cảnh nghèo nàn tù tội không kể xiết.

         Đã thấy nạn đắm mê sắc lịch tai hại to lớn, người có trí chẳng lúc nào mà không tìm cách ngăn ngừa nó.

         d) – Việc hút xách thường làm mòn mỏi xác thân, tiêu hao tiền của quá vô ích, còn làm cho người coi rẻ tuổi tên, lấy trí xét rõ chỗ hại của nó tự gắng gổ giữ và chừa bỏ nó, nếu mình lỡ ghiền.

         e) – Mỗi khi thấy những việc phi nghĩa bất lương, chẳng luận có tai hại cho mình hay kẻ khác, dầu có đem lại món lợi to bao lớn ta vẫn cự tuyệt cho đến hũy kiếp; và luôn luôn tìm cách tránh cho kẻ khác không thể lâm vào. Tại sao? Vì việc làm ấy chỉ có lợi vật chất ngắn ngủi mà gây khổ báo lâu dài cho đời mình vậy.

         TÍN : “Nhơn vô tín bất lập” nào ai chẳng biết? Chữ tín giúp cho người quên mỏi mệt để theo sát nguyện vọng. Để hiểu nó như thế nào, chúng ta:

         a) – Lúc nào cũng tự tin nơi lòng dè dặt và cố gắng của mình thì sớm muộn gì cũng đạt mục đích, nghĩa là đến chỗ mình muốn, nên gặp những khó khăn không hề nản lòng bỏ dở.

         b) – Tự tin rằng: nếu chúng ta không đem lời dối gạt người, cố nhiên người không dối gạt lại và chúng ta đối với ai cũng lựa câu ứng đáp chắc thật, việc làm chơn-chánh thì họ sẽ tin vào việc làm và lời nói của ta, khiến cho việc làm ấy mau được thành-công viên-mãn.

         c) – Chúng ta tự tin rằng: việc nào của mình làm thì sớm muộn gì nó cũng trả lại cho mình không sai chạy một mảy, như câu: “tự tác huờn tự thọ” Nói theo luật nhân quả: hễ gieo thứ giống nào thì lên trái nấy, và mình càng gieo thì nó càng lên, do đó chúng ta luôn luôn ngăn ngừa chừa bỏ những điều mà chúng ta đoán biết rằng ngày kia nó sẽ đem lại một kết quả không hay cho chúng ta.

         d) – Khi thấy người khác có những việc làm chơn chánh, đối xử thành thật, nhứt là có đức hạnh nghiêm cẩn, thì chúng ta nên giao phó cho họ việc làm hệ trọng. Vì con người ấy sẽ gây sự kính mến và được tin cậy của nhiều người. Trái lại, khi thấy rõ người có tâm đức tốt lành ngay thật mà mình không mạnh dạn trao cho họ những công việc xứng đáng, thì không thế nào mình làm việc lớn trong xã hội được.

         e) – Khi thấy người khác có lòng tin cậy chúng ta, thì chúng ta chỉ nên làm cho họ tin cậy thêm, bằng cách nêu rõ việc làm chơn chánh, lời lẽ thành thật. Ngược lại chúng ta không nên vô tình hay cố ý để lòng tin cậy ấy bị mất.

         g) – Mỗi khi lòng còn nghi ngờ điều chi, chúng ta nên đến hỏi người của ta nghi hay người hiểu biết hơn để nhờ họ giải bày rõ rệt việc ấy, nếu là việc hợp lý thì mình cứ tin ngay, không còn nghi nữa. Được thế thì bắt đầu từ đó việc làm của chúng ta được tiến xa hơn. Nhược bằng nghe người giải bày tường tận mà lòng mình còn nghi thì sự hiểu biết cũng như việc làm phải ngưng trệ và thất bại.



b)TAM-TÙNG và TỨ-ĐỨC

      Đặc tánh của đạo Tam Tùng Tứ Đức dành cho hàng phụ nữ. Thánh hiền dạy phụ nữ phải biết tam tùng tứ đức, nó là căn bản của khách thuyền quyên thục nữ, thiếu nó thì danh giá phải hư hỏng. Chính nó là phương thuốc chữa bịnh hư hèn của đám phụ nữ thời nầy để trở nên con người có hạnh đức thuần mỹ.

         TAM TÙNG: Đạo tam tùng gồm có tùng phụ, tùng phu, tùng tử.

         a) – Tùng Phụ: Phận gái trong lúc chưa xuất giá, là lúc có thể làm thay cha mẹ mọi việc trong nhà, nào lo chăm nom cơm nước cho cha mẹ và lúc nào cũng siêng năng trong công việc làm. Nếu cơ hội ấy (tức lúc chưa chồng) mà không để ý đền ơn cha mẹ, bằng những việc làm lợi ích cho cha mẹ, để qua rồi khó kiếm lại được.

         Bất tất việc chi cũng cần đãi lịnh cha mẹ, chỉ trừ việc thường thức của phận gái thì khỏi hỏi. Ngoài ra những việc bất thường, nhứt là việc có quan hệ đến gia tộc thì luôn luôn thưa lại cha mẹ. Khi cha mẹ cho phép rồi sẽ thi hành, cũng không quyền quyết định lấy. Lại nữa người con lúc nào cũng phải biết bảo trọng thân danh của cha mẹ và phẩm hạnh của mình, cần tập sửa nết na đằm thắm, không học theo phường ong bướm làm những việc tủi nhục tông môn.

         Kỳ dư đối với các việc làm, dù việc nhỏ cũng phải khéo léo, gọn gàng nhưng không hấp tấp; và phải nhớ ăn ở cần mẫn tiết kiệm. Lúc nào cũng lấy lòng trinh bạch làm quí, nếu vì sự vui thú nhứt thời để thất thân thì dễ bị thói quen tánh liều, hèn hạ suốt đời lại còn gieo sự tủi nhục Tổ tiên cha mẹ. Cần nhất bỏ tánh tham ăn, mê ngủ, nên thức khuya dậy sớm lo làm phận sự chu đáo. Đó là tùng phụ.

         b) – Tùng Phu: Sau khi có chồng mọi việc chi đều do chồng dạy bảo, Điều khéo léo của người phụ nữ biết thờ chồng là xem cái nào chồng ưa để tuân theo, cái nào chồng không ưa để chừa lánh, chồng ưa lẽ chánh nên nung-đúc, còn ưa việc tà thì tìm cách khuyên-lơn ngăn-cản cho chồng hối cải. Người vợ biết khuyên chồng chừa việc sái quấy, nung-đúc chồng làm điều chánh-chơn cũng có thể đem lại nhiều vinh-diệu.

         Thuở xưa có người đánh xe cho Án-Tử nước Tề, anh tỏ vẻ mặt vênh-váo hách-dịch, vợ của anh thấy vậy mới khuyên rằng: Án-Tử vóc-vạc bé nhỏ mà làm quan Đại phu và ông không có vẻ gì tự đắc, còn chàng có hình tướng vậm-vỡ chỉ đi đánh xe cho người mà không biết thẹn lại còn ra vẻ dương dương đắc ý được ư?

         Nghe vợ chỉ trích thế, bữa sau anh không còn tánh ấy nữa, ông Án-Tử thấy lạ liền hỏi tại sao hôm nay anh không có cử chỉ như bữa trước? Anh liền kể chuyện của vợ anh nói cho Án-Tử nghe, ông liền cất nhắc anh làm quan, từ đó rất vinh-hiển. Đó là một trong số người vợ khéo khuyên chồng lập nên địa-vị.

         Mỗi việc chi nếu có tánh cách hệ-trọng cần cho chồng biết không nên giấu-giếm, giấu-giếm chồng là còn ý riêng không tốt.

         Cả mọi việc trong nhà thuộc phần người vợ đảm nhiệm việc ở ngoài do người chồng cáng-đáng, những việc thường thức như đường kim mối chỉ, nồi cơm trách mắm nhứt nhứt phải chu-đáo không làm phiền đến chồng những việc nhỏ mọn, trong nhà luôn luôn xếp đặt có ngăn nắp, vén-khéo và sạch-sẽ. Cũng đừng vì chồng quá yêu mà ra tuồng ỏng-ảnh khinh-lờn.

         Lúc chồng đi vắng gặp bạn của chồng đến thăm phải lễ-độ nghiêm-chính chào hỏi tử-tế, nhưng cẩn-thận giữ từ cử-chỉ nói năng, nằm ngồi đều phân biệt ngôi chủ khách rõ-rệt, không được nói cười lả-lơi khiến người khác trông vào sanh nghi mà mang tiếng thất tiết. Đó là tùng phu.

         c) – Tùng Tử: Sau khi chồng qua đời, muốn trọn tiết với chồng thì nên ở vậy nuôi dưỡng con cái lớn khôn, nếu không được cũng phải đợi mãn kỳ tang khó rồi sẽ tái giá.

         Trong thời gian góa bụa thường gặp sự thử-thách trêu bẹo ở xung-quanh, người quả phụ phải đủ lòng can-đảm lướt qua. Khi con lớn lên cho nó học tập không nên ấp-ủ để nó dốt nát. Tạo cho con nghề nghiệp chánh đáng để bảo thân. Khi muốn cưới vợ gả chồng cho con chẳng nên cò-kè kén chọn chỗ giàu có, hãy lựa nơi cha lành con thảo có đạo-lý đức hạnh để gây lấy sự tốt đẹp về sau cho chúng nó.

         Bổn phận làm mẹ lúc nào cũng treo gương tốt lành cho con học theo, nghĩa là việc làm phải chánh đáng lời nói cho chơn-thật, để con bắt chước lối ấy mà làm theo. Cứ thế cho đến ngày mình nhắm mắt theo chồng thì không có cái đẹp nào bằng.

         Trái lại người chồng thác chưa lạnh mồ vì lòng dục vọng vội-vã cải tiết thì:

         – Lẽ thứ nhứt lỗi việc hương khói Tổ-Tiên

         – Lẽ thứ hai lỗi tiết với chồng.

         Lẽ thứ ba làm cho con bắt chước thói hư-hèn sẽ làm khổ cho chúng nó sau nầy. Như thế chẳng đáng người làm vợ và làm mẹ có gương mẫu trong giới nữ lưu.

         TỨ ĐỨC – Gồm có công, dung, ngôn, hạnh là việc làm hằng ngày của giới phụ nữ.

         Công: tức là công việc làm thường ngày của phụ nữ không ngoài việc nấu nướng vá may. Tuy các việc ấy không lớn lao, song phải khéo léo lẹ làng. Đến việc làm lụng cũng vậy, không được làm dối mị thùa tháo.

         Dung: tức là dung mạo. Dung mạo phải đoan nghiêm, mỗi bước đi, đứng khoan thai chậm rãi; không được chưa đi mà chạy; ngồi đứng phải chỗ, nằm phải nơi, nghĩa là dòm ngó trước sau cẩn thận rồi sẽ ngồi hay nằm cho lễ phép và kín đáo. Không nên nằm chỗ trống trải quá hay nằm trước người tuổi tác. Lúc ngồi đứng cũng vậy, tránh đừng ẹo lưng, dựa ngửa.

         Ngôn: tức là ngôn ngữ. Lời nói phải được dịu dàng êm ái, muốn trình bày với ai nhứt là người lớn hơn mình thì phải thưa, khi người gọi đến phải dạ, trong câu chuyện của mình muốn nói, phải nói cho rõ ràng. Người đời thường cho phụ nữ hay nói thêm bớt nên cần nói lời chín chắn, không được chửi rủa tục tằn, bày lời điêu xảo.

         Hạnh: tức là hạnh nết. Về hạnh nết cần phải hiền hậu chơn chất, hay giúp đỡ kẻ hoạn nạn, cung cấp người thiếu hụt, chốn khuê phòng thường treo cao tấm gương trinh bạch, không nên học thói ong bướm lả lơi, nhứt là không xem sách tiểu thuyết hoa nguyệt để tránh sự mơ mộng xấu xa có hại trí não. Còn việc giao thiệp với chị em bạn gái cần phải lựa người tốt lành trinh chánh, có thể học hỏi thêm những cái hay tránh những cái dở. Nếu gần gủi kẻ lả lơi trây trúa khiến cho người khác cho mình cũng là một phồn với kẻ xấu xa ấy mà chịu sự chê bai khinh miệt.

         Cư xử với ông bà, cha mẹ, anh em, xóm riềng phải luôn luôn giữ lễ độ khiêm cung, không nên ỷ mình lanh lợi khéo léo mà hống hách điêu ngoa. Nếu người phụ nữ giữ được bốn đức nầy, thì không thẹn với người thượng cổ, lại còn xứng đáng người tín đồ Phật Giáo.

binh3