|
212.- Anh Phiệt xướng – Đức Thầy họa
ANH PHIỆT xướng: (1)
Non nước ngửa nghiêng vẫn ngủ ỳ ?
Ai ôi tỉnh dậy, dậy rồi đi.
Đi lo sự nghiệp trai thời loạn,
Khỏi thẹn người xưa lúc gặp thì.
ĐỨC THẦY họa:
Lặng-lẽ tính toan đâu ngủ ỳ !
Chỉnh-tu binh mã để rồi đi.
Khi đi muông sói đều tan-vỡ,
Rõ mặt hùng-anh tạo thế thì …
Miền Đông, mùa xuân năm 1947
___________________________________________
(1)- Bài nầy của anh mười Phiệt, thuộc nhóm Bình-Xuyên (làm đã từ lâu) đọc có ý kích thích Đức Thầy trong khi Ngài đang nằm nghỉ trưa. Đức Thầy liền ứng khẩu đáp họa liền làm cho anh em Bình-Xuyên vổ tay nhiệt liệt.
|
|
|
213.- Tặng chiến-sĩ Bình-Xuyên
TẶNG CHIẾN-SĨ BÌNH-XUYÊN
Trước khét tiếng trong làng dao búa,
Lúc quân thù thống-trị nước non Nam.
Khách giang-hồ tụ ngũ tùng tam,
Quyết khuất nước chọc trời cho thỏa chí.
Dân-chúng trách đám người không biết nghĩ,
Cứ quanh năm suốt tháng phá hương-thôn.
Vì an ninh giặc Pháp cử binh rồn,
Khi sa lưới phải lao tù nơi hải đảo.
Rồi vượt biển bao nài cơn gió bão,
Về quê nhà tánh cũ cứ nghinh-ngang.
Lúc hoàn-cầu tiếng súng nổ vang,
Bừng tỉnh giấc bàng-hoàng suy nghĩ lại.
Từ thuở bé bao phen tang hải,
Khí kiêu-hùng đem lại những chi đâu ?
Nhìn non sông đượm vẻ âu sầu,
Lòng yêu nước bắt đầu tim sóng dậy.
Cờ độc-lập Bắc, Nam, Trung phe phảy,
Trước gió chiều hãnh-diện với lân bang.
Bỗng phương Âu vô số bọn tham tàn,
Tàu, bôm, súng đem sang non nước Việt.
Ách nô-lệ dân ta đà chán biết,
Nên quyết lòng nổi dậy chống xâm-lăng.
Chỉ quân Tây thề một tiếng rằng:
Thà cam chết, không làm dân bị trị.
Bọn cách-mạng giả danh đang rối trí,
Khu Bình-Xuyên tiếng súng nổ vang tai.
Đoàn dũng binh tiếng đếm một hai …
Nhắm hướng có quân thù xông lướt đến.
Đạp thành lũy cứu giống nòi yêu mến,
Làm rơi đầu, đổ máu biết bao ngàn.
Tiếng anh-hùng nổi dậy khắp giang-san.
Thay những tiếng bạo-tàn cơn thất chí.
Xông trận địa nêu gương trang dũng-sĩ,
Tự hào rằng Nam-Việt kém chi ai.
Ngàn muôn năm ghi nhớ khách anh-tài,
Trong sách sử tiếng Bình-Xuyên luôn chói rạng.
Miền Đông, ngày 10-1-1947
|
|
|
214.- Tết ở chiến-khu
TẾT Ở CHIẾN-KHU
Tặng bạn ngày xuân chén rượu nồng,
Uống rồi vùng-vẫy khắp Tây-Đông.
Đem nguồn sống mới cho nhơn loại,
Để tiến, tiến lên cõi đại-đồng.
Rượu xuân càng nhắp càng say,
Gió xuân càng thổi thì tài càng tăng.
Ngày tết năm nay ở chiến-khu,
Bưng-biền gió lốc tiếng vi-vu.
Xa xa súng nổ thay trừ-tịch,
Dân Việt còn mang nặng mối thù.
Mối thù nô-lệ trả chưa xong,
Pháp-tặc còn trêu giống Lạc-Hồng.
Dùng thói dã-man mưu thống-trị,
Thì ta quyết chiến dễ nào không!
Dễ nào không dám gắng hy-sinh,
Giữ vững non sông đất nước mình.
Tự lập nghìn xưa gương chói rạng,
Anh-hùng khởi xuất chốn dân-binh.
Dân-binh Nam-Việt mấy ai bì?
Không súng tầm-vông cũng vác đi.
Xông lướt trận tiền ngăn giặc mạnh,
Liều thân cứu nước lúc lâm nguy.
Nước lúc lâm nguy há đứng nhìn,
Lòng mang Đại-Nghĩa dễ thân khinh.
Máu đào xương trắng phơi đầy nội,
Quyết đổi tự-do mới thoả tình.
Thỏa tình được sống dưới trời Đông,
Tổ phụ ngày xưa rất đẹp lòng.
Nhìn thấy cháu con không thẹn mặt,
Từ đây non nước thoát nguy vong.
Bình-Hòa (Chợlớn) ngày 2-1 Đinh-Hợi (1947)
|
|
|
215.- Kỷ-niệm rừng Chà-là
KỶ-NIỆM RỪNG CHÀ-LÀ
Rừng Chà-Là, rừng Chà-Là vạn tuế …!
Thành lũy ấy chông gai bao xiết kể,
Muôn quân thù đâu dám dẫm chơn vô.
Đây là nơi tướng Việt thiết mưu-mô,
Chờ cơ-hội quét tan loài xâm-lược.
Tranh độc-lập để bảo-tồn non nước,
Biết bao lần chúng giặc phải cuồng-điên.
Vì đem quân cả phá Bình-Xuyên,
Chạm trán với chiến binh hùng-dũng.
Một năm qua bền gan không nao-núng,
Dù thảo-lương thiếu túng chịu gian-nan.
Nơi rừng xanh chịu lắm cảnh cơ-hàn,
Mưa nắng táp gió sương dầu-dãi.
Nước Nam-Việt ở ven bờ Nam-Hải,
Ngàn xưa từng chống lại họa xâm-lăng.
Bạch-Đằng Giang công nghiệp ấy ai bằng,
Quân Việt it đánh tan Mộng-Cổ mạnh.
Nay giặc Pháp buông lung kiêu-hãnh,
Ỷ lại vào tàu-chiến với phi-cơ.
Nơi sa-trường chúng gặp cảnh bất ngờ,
Sức kháng-chiến ngàn xưa nay sống dậy.
Nơi Hành-dinh gió vàng phe phảy,
Khách viễn-phương mượn lấy tờ hoa.
Vài câu văn thô kịch gọi là,
Để kỷ-niệm chốn “Bình-Xuyên” anh-dũng.
Hòa-Hảo tặng chiến-sĩ Liên-khu Bình-Xuyên (2-47).
|
|
|
216.- Ông Trần-văn-Soái và ông Nguyễn-giác-Ngộ
Ông TRẦN-VĂN-SOÁI
và Ông NGUYỄN-GIÁC-NGỘ
Tôi vừa hội hiệp với ông Bửu-Vinh bỗng có sự biến-cố xảy ra, tôi và ông Vinh suýt chết, chưa rõ nguyên-nhân còn điều-tra; trong mấy anh em phòng-vệ không biết chết hay chạy đi, nếu có ai chạy về báo-cáo rằng tôi bị bắt hay mưu sát thì các ông đừng náo động.
Cấm chỉ đồn đãi, cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu, hãy đóng quân y tại chỗ.
Sáng ngày tôi sẽ cùng ông Bửu-Vinh điều-tra kỹ-lưỡng rồi về sau.
Phải triệt-để tuân lịnh.
Ngày 16-4-47: 9 giờ 15 đêm
Ký tên: S.
|
|
|
217.- Lo nước
LO NƯỚC
Nước Việt trẻ già mãi ngóng trông,
Ngày nào hưng phục cõi trời Đông.
Lẽ đâu Tạo-hóa riêng cay độc,
Đày khắc mãi chi giống Lạc-Hồng.
|
|
|
218.- Nợ nước
NỢ NƯỚC
Một phen nợ nước lâm đền,
Đạo làm thần-tử cho bền chí trai.
Thừa cơ xoay trở gót hài,
Vung gươm Thần-Thánh dẹp loài cẩu phiên.
|
|
|
219.- Không không
KHÔNG KHÔNG
Đại đạo giáo dân, dân bất trí,
Khai năng bạch phát đãi hà thi.
Công-danh phú-quí chung huờn mộng,
Kỳ-cá miên qui thố nhứt kỳ.
|
|
|
220.- Tỉnh giấc mơ
TỈNH GIẤC MƠ
Một giấc mơ-màng, một giấc say,
Tỉnh hồn mới biết cuộc trần-ai.
Trần-ai rày đã xa phiền lụy,
Rán bước qua truông kẻo nữa hoài.
Nợ thế âu toan tròn nợ thế,
Đường tu sớm liệu vẹn đường tu.
|
|
|
221.- Sầu bá tánh
SẦU BÁ TÁNH
Cúi lạy Tây-phương chốn Phật-đàng,
Vưng lời truyền dạy các chư bang.
Âu-sầu bá tánh gieo tình ác,
Bị lũ con buôn quá tráo hàng.
|
|
|
222.- Gìn tục cổ
GÌN TỤC CỔ
Cũng dòng dân Việt cũng màu da,
Sao lại chê bai thói tục nhà.
Phong-hóa lễ-nghi trề nhún bỏ,
Gia nghiêm nghĩa tiết choán Nam-gia!
|
|
|
223.- Lố vừng hồng
LỐ VỪNG HỒNG
Khói tỏa mây ung sương mịt mù,
Vừng hồng vừa lố cảnh trời thu.
Ruộng sâu đã cấy chờ bông trái,
Thì sẽ ấm no thoát ngục tù.
Ngục tù giam hãm mấy mươi năm,
Nhớ lại quặn đau khúc ruột tằm.
Rày gặp mưa nhuần ân Thánh-đế,
Tưới cho trăm họ bớt mê lầm.
|
|
|
224.- Xé-xâu nhau
XÉ-XÂU NHAU
Gẫm thấy cuộc đời xô-xát mãi,
Dắt tay nhau đến bãi tha-ma.
Gió Á mưa Âu bùng sấm dậy,
Hãi-hùng tranh chiến xé xâu nhau.
Hồng-trần trở lại màn u-ám,
Khắp cả chúng sanh nhưộm máu đào.
|
|
|
225.- Chuyển pháp-luân
CHUYỂN PHÁP-LUÂN
Lòng thương lê-thứ đáo ta-bà,
Thừa chuyển pháp-luân dụng khuyến-ca.
Cảnh tỉnh người mê về cõi ngộ,
Dạy răn kẻ tục vượt nê-hà.
|
|
|
226.- Lúc ta tỉnh
LÚC TA TỈNH
Tỉnh giấc mơ màng cảnh mộng hoa,
Tỉnh lòng lê-thứ chữ nhơn-hòa.
Tỉnh thân tầm đạo xa trần-tục,
Tỉnh chuyện gần xa tiếng thiết-tha.
Tỉnh biết đời nay lỗi đạo hằng,
Tỉnh tâm già trẻ bớt làm nhăng.
Tỉnh câu phụ tử tình thâm ấy,
Tỉnh hết vạn dân biết thượng tằng.
|
|
|
227.- Cho một vị sơ tâm
CHO MỘT VỊ SƠ TÂM
Duyên lành mới gặp cảm tình ông,
Rõ việc mở mang giống Lạc-Hồng.
Bí hiểm cơ-huyền nơi diệu lý,
Nhiệm mầu Phật pháp chốn thần thông.
Trau tria nhục thể về nơi cũ,
Chùi rửa tim gan một tấc lòng.
Cố tưởng ước mơ đời thạnh trị,
Ngặt vì vận bĩ bắt cuồng ngông.
|
|
|
228.- Chí thanh cao
CHÍ THANH CAO
Một thân quyết chí phá lâm tòng,
Dắt chúng đời nầy liễu diệu thông.
Nhắc nhở con hiền noi tục cổ,
Kêu chừng trẻ thảo góc trời đông.
Ngày thanh mong tưởng cho mau tới,
Đêm vắng ước mơ lộ vẻ hồng.
Sẽ được hiệp hòa non phụng gáy,
Trung thần thỏa dạ hết chờ trông.
|
|
|
229.-Báo hiếu đạo nhà
BÁO HIẾU ĐẠO NHÀ
Quảy đơm cúng tế lệ xưa nay,
Sát vật trâu heo đứa mị bày.
Kẻ mất cho ăn suy khó hiểu,
Người còn bạc đãi lạ lùng thay.
Cháu con báo hiếu theo nhà Phật,
Cha mẹ qua đời thủ lễ chay.
Trong sạch nghĩa nhân vầy mới đáng,
Hồn linh siêu thoát nhẹ cao bay.
|
|