|
142.- Cho Thầy đội Giàu
CHO THẦY ĐỘI GIÀU (1)
Chúc thầy trong năm mới,
Đạo tâm càng phấn khởi.
Mở rộng cửa từ-bi,
Giúp người đang mong đợi.
Mong đợi được tu-hành,
Thầy nên giảng việc lành.
Cho người mê giác-ngộ,
Là phổ-tế chúng-sanh.
Chúng-sanh đang thảm-đạm,
Bởi tội ác gây ra.
Bần-tăng thường khẩn-nguyện,
Mong trăm họ thái hòa.
Bạc-liêu, Tết năm Nhâm-Ngũ (1942)
_______________________________________________
Thầy đội Giàu là nhân-viên sở Mật-Thám Bạc-Liêu và thuộc phái Tịnh-Độ Cư-Sĩ.
|
|
|
143.- Cho ông Trần-Quang-Hạnh
Cho ông TRẦN-QUANG-HẠNH
TRẦN tâm rứt sạch cuộc mê-si,
QUAN-sát Đạo mầu nẻo ẩn vi.
HẠNH đức vun bồi thêm rạng tỏ,
Thoát phàm theo dõi gót Từ-Bi.
Bạc-liêu, Tết Nguyên-Đán năm Nhâm-Ngũ (1942)
|
|
|
144.- Thức tỉnh một nữ tín-đồ ở Bạc-Liêu
Thức Tỉnh Một Nữ Tín-Đồ ở BẠC-LIÊU
Trót đã qui-y giữa Phật-đài,
Nguyện rằng đệ-tử dứt trần ai.
Mong nhờ đuốc huệ soi đường tối,
Chớ nhiễm nghiệp phiền chớ đắm say.
Đắm say một phút cội lành xa,
Sớm tỉnh trì tâm chống quỉ tà.
Dõi gót theo Thầy nương Phật cảnh,
Vui vầy xem hội, hội Long-Hoa.
Long-Hoa Tiên-Phật đáo ta-bà,
Lừa lọc con lành diệt quỉ ma.
Nếu mải mê-man mùi tục lụy,
Linh hồn chìm đắm chốn nê-hà.
Lòng Thầy chua xót ruột Thầy đau,
Nghe được lời khuyên tỉnh với nào !
Kiếm huệ dứt xong rồi quả báo,
Lo gì cửa Phật chẳng chen vào.
Cuộc trần, ôi quá khổ !
Trường đỏ đen là chổ nhuốc-nhơ.
Biết bao người vì nó phải bơ-vơ,
Sự nghiệp hết gia-đình tan nát.
Sớm tỉnh ngộ lên đường giải-thoát,
Lánh xa trường đổ bác chớ chen chân.
Nếu lỡ cơ mua tảo bán tần,
Thân-trí cực, nợ lần-khân chẳng dứt.
Chi cho bằng:
Qui y thì khá làm y,
Giữ lòng thanh-tịnh từ-bi giúp đời.
Bạc-liêu, 6-3 Nhâm-Ngũ (20-4-42)
|
|
|
145.- Cho ông Cò tàu Hảo (Sài-Gòn)
Cho ông Cò tàu HẢO (Sài-Gòn)
Nam-Mô Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật,
Cung kính Phật, cung kính Pháp, cung kính Tăng.
Tam-qui ngũ-giái lòng hằng gìn theo.
Chúc ông thoàn nhã vững lèo,
Qua bờ giác-ngạn sớm treo gương mầu.
Nơi cõi tạm sông sầu bể khổ,
Làng ngựa xe cám-dỗ tao-nhân.
Gây ra lắm nợ phong-trần,
Luân-hồi sáu nẻo khôn lần bước ra.
Rày tỉnh-ngộ ái-hà quyết dứt,
Đèn đạo tâm sáng rực soi đường.
Cầu tu cho đạt ngũ-hương,
Huơi gươm trí-huệ Ma-vương hãi-hùng.
Làm cho chúng phục-tùng chơn-lý,
Trong sắc-thân giám-thị lục-căn.
Đừng cho chúng tính lăng-quằng,
Ngoài thì chấp thủ mà ngăn lục-trần.
Phá ngũ-uẩn rứt lần tham ái,
Cội sân si cũng phải tảo-trừ.
Đem về giác-tánh chơn-như,
Kim-thân thị hiện dứt trừ tử sanh.
Đem tâm hồi hướng gốc lành,
Làm tôi Phật-Tổ chí thành chí chơn.
Dầu mắc phải mưa đơn gió kép,
Cũng chuyên trì mà dẹp gai chông.
Ngày nào đắc được lục-thông,
Vớt hồn cha mẹ, Tổ-Tông bảy đời.
Về Cực-Lạc thảnh-thơi an-dưỡng,
Ấy là ngày ban thưởng công tu.
Chúc cho đó vẹt mây mù,
Vững-vàng bất thối công-phu vuông tròn.
Đến ngày biển cạn non mòn,
Tứ-ân đã trả chẳng còn tội căn.
Nay ông nhập tự làm tăng,
Trước sau tuy khác thiện-căn vẫn đồng.
Lắng tai nghe được tin hồng,
Tờ hoa ít chữ gọi lòng chia vui.
Bạc-Liêu, ngày 25-4 Nhâm-Ngũ (8-6-42).
|
|
|
146.- Cảm tác
CẢM TÁC
(Đức Thầy cảm tác viết bài nầy vì ông Nguyễn-văn-Ngọ ở Bạc-liêu nghi Ngài cản-trở việc ông ta muốn kết nghĩa thông-gia với ông ký Giỏi ở Bạc-liêu)
Ngồi mà ngẫm nghĩ chuyện xưa,
Thánh-Hiền chẳng biết sao vừa lòng dân.
Đem thân mà rứt nợ trần,
Nợ trần đau khéo chần ngần chun ra.
Nhìn đời lụy muốn ứa sa,
Thế-gian đui tối nửa ma nửa người.
Muốn reo vang một tiếng cười,
Nhưng lòng chẳng nỡ khi người mê-si.
Đâu thông pháp-luật từ-bi,
Gán cho Tăng-Sĩ làm chi sự đời.
Con thuyền bát-nhã xa khơi,
Dầu cho sóng gió rã-rời cũng cam.
Thường nhơn là tánh tục phàm,
Biết đâu tội phước luận-đàm tương lai.
Tình trường đầy dẫy thi hài,
Lạ gì chẳng biết những bài học xưa.
Thánh-nhơn còn hỡi răn chừa,
Huống chi Phật-đạo tam thừa qui mô.
Sa-môn chí những tín-đồ,
Mai-dong cản mối tựa hồ gớm-ghê.
Một là gây nghiệp trần-mê,
Hai là tan-nát phu-thê một đời.
Lòng ta trong sạch người ơi,
Người sao chẳng xét luận lời phi ngôn.
Cờ nguy ngựa chốt đánh dồn,
Trước sau cũng chữ vong-tồn an nguy.
Tỏ lời tâm huyết lâm ly,
Mong ai ngộ nhận quyết-nghi duyên trần.
Trách lầm mang nghiệp vào thân,
Chỉn e vai-vác Thánh Thần chép biên.
Phận ta nối gót Phật Tiên,
Ngợi khen cũng mặc điêu huyền cũng hay.
Thương đời phải chịu đắng cay,
Thân danh chẳng quản, chông-gai chi sờn.
Ít ai nghe rõ giọng đờn,
Của người rứt bỏ oán ơn cõi phàm.
Ngày hằng giái ngũ qui tam,
Sắc không, không sắc tánh phàm đổi thay.
Chẳng qua tai-ách những ngày,
Nên phần xác-thịt đọa đày trần-gian.
Lìa quê tách bước xa ngàn,
Gia-đình chẳng đoái còn màng chi ai.
Dốc tâm nguyện đến Phật-đài,
Hiệp cùng chư Phật độ rày chúng-sinh.
Nện vang một tiếng chuông linh,
Cho người trong mộng biện minh lẽ nào.
Gẫm cuộc thế chẳng qua tuồng mộng-ảo,
Cuộc truy-hoan thường giết khách tài-hoa.
Nghe chuông linh sớm dứt bể ái-hà,
Kẻo vật-dục cuốn lôi vào bể-khổ.
Ví dầu lập chữ công-danh,
Đến khi rốt cuộc cũng đành thả trôi.
Lá úa vàng nó rụng người ôi!
Muôn năm mới có một thời,
Tới kỳ hiệp (1) hội Phật Trời định phân.
Con lành đều đủ nghĩa-nhân,
Cha là Phật, Thánh, Tiên, Thần phước dư.
Có đâu như thể bây chừ,
Loạn-luân cang-kỷ bất từ, bất lương.
Thân ta dầu lắm đoạn trường,
Cũng làm cho vẹn chữ thương nhơn-loài.
Ngày kia thỏa chí làm trai,
Tiếng lành như thể hương bay nực-nồng.
Bây giờ bờ bến chưa xong,
Dở-dang thời vận mà lòng chẳng nao.
Ngàn xưa mấy bực anh hào,
Nằm gai nếm mật dạ nào trách than.
Trượng-phu chí cả dọc-ngang,
Dạo trong bốn biển mới trang Thánh-Hiền.
Làm cho kẻ bạo ngửa-nghiêng.
Đạo lành mở cửa nơi miền Nam-bang.
Tiếng đờn hò líu cống xang,
Đêm khuya khuyên nhủ khắp tràng chúng-sanh.
Thu còn gặp lúc trăng thanh,
Vang lời thỏ-thẻ như cành ghẹo chim.
Thấy trong người ấy thanh-liêm,
Tỏ bày tâm sự rán tìm cho ra.
Bồi-hồi chợt tỉnh Nam-kha,
Đường danh nẻo lợi xem ra ích gì.
Trời thu ảm đạm ai-bi,
Nạn tai vương-vấn bời vì Trời riêng.
Thảm thương lê-thứ ưu phiền,
Chớ lòng đâu có lo riêng nỗi mình.
Mờ mờ tỏ tỏ xinh xinh,
Đêm nay bóng nguyệt như rình xem ta.
Miệng cười ta bảo Hằng Nga,
Làm ơn rọi chữ “San-Hà” nơi đâu,
Gẫm trong cõi tạm nhiệm mầu,
Ngặt mang xác thịt khó hầu cao bay.
Chữ tài thường gặp chữ tai,
Trớ-trêu tạo-hóa ông bày trò chua.
Ta nào có muốn tranh đua,
Vun trồng cội phúc chờ mùa trổ bông.
Bay mùi thơm cả Tây-Đông,
Bắc, Nam nhơn-vật Lạc-Hồng thảnh-thơi.
Tâm hồn hoài cảm nơi nơi,
Gẫm người hữu chí đôi lời cám ơn.
Bạc-liêu, ngày 29 tháng 6 Nhâm-Ngũ (1942)
____________________________________________
(1) Có chỗ chép: Tới kỳ lập hội…
|
|
|
147.- Buồn
BUỒN
Buồn thay chư Phật ẩn non đoài,
Buồn biết bao giờ trở gót hài.
Buồn thấy chúng-sanh đa xót cảm,
Buồn lo trăm họ nghiệp gây hoài.
Buồn đời lưu-lạc trong u tối,
Buồn thế gian-nan suốt cả ngày.
Buồn buổi cạnh tranh e hoãn đạo,
Buồn dân ngu-muội ghét người ngay.
|
|
|
148.- Tủi
TỦI
Tủi sầu Phật giáo ở non Tần,
Tủi phận môn-đồ quá tối-tân.
Tủi cuộc hôn-nhơn bày trước Phật,
Tủi cơ-nghiệp báu phế nguồn ân.
Tủi thay ai tạo trò vô lý,
Tủi bấy lấp nguồn đạo hữu chân.
Tủi hổ trông nhìn người dối thế,
Tủi duyên ác-cảm đắm hồng trần.
Bạc-liêu, ngày 29 tháng 6 Nhâm-Ngũ (1942)
|
|
|
149.- Gởi Bác-sĩ Cao-Triều-Lợi ở Bạc-Liêu
Gởi Bác-Sĩ CAO TRIỀU-LỢI ở Bạc-Liêu
(để cảm tạ ông nầy chữa bịnh cho Đức Thầy mà không lấy tiền thuốc)
Gởi ít hàng thăm ông bác-sĩ,
Cầu chúc ông phước chỉ được lai tăng.
Cuộc thế trần nhiều đoạn khó-khăn,
Nên lôi kéo bần-tăng vào cảnh ngộ.
Xuống Bạc-liêu chưa bao nhiêu độ.
Bỗng ruột tằm quằn-quặn rứt đau.
Phần thương dân phổi héo gan xào,
Ngồi, đi, đứng, nằm lăn-lóc mãi.
Cũng nhận được trần-hoàn là khổ hải,
Dốc tầm đường phóng giải cho thân tâm.
Dìu nhơn-sanh khỏi chốn mê lầm,
Bờ giác ngạn kiên tâm lần bước tới.
Hoàn-cảnh chẳng gặp hồi lai thới,
Ẩn-nhẫn hoài chờ đợi vận hanh thông.
Để đem phô trí óc với gan lòng,
Đền-đáp lại cuộc chờ trông ngoài ngõ.
Cũng rất thẹn bịnh đau vò-võ,
Tuy thuốc dùng chẳng tuyệt được cơn đau.
Chớ ơn ông đâu dễ quên nào,
Muốn đáp lại lấy chi mà đền đáp?
Nếu ông có vui lòng dung-nạp,
Tỏ vài hàng gọi đáp ân nhau.
Phần phước duyên nguyện để về sau,
Khi thong-thả sẽ đến trao lời cảm tạ.
Cám ơn ông tặng thuốc Tây-phương,
Khâu giúp bần tăng khúc đoạn trường.
Nhưng bịnh trầm-ưu nên chẳng mạnh.
Nợ cùng bách tính hỡi còn vương.
Vương-vấn trong vòng cương tỏa ấy,
Lòng nào mà chẳng xót thương chung.
Bao giờ đạo pháp ta thông đạt,
Quyết cứu sanh-linh cảnh não-nùng.
Thôi cũng an lòng nơi số phận,
Đợi chờ vận tới sẽ tuông mây.
Về trên thượng-giới đền Kim-khuyết,
Tâu lại trần-gian cớ sự nầy.
Bạc-liêu, ngày 18-7-42 (Nhâm-Ngũ)
|
|
|
150.- Cho thằng Tân
Cho thằng TÂN
(Tân là cháu ngoại ông Võ-văn-Giỏi ở Bạc-liêu)
Nghe lời ông dạy hỡi con Tân!
Học tập muốn nên phải rán cần.
Chớ có biếng lười theo lũ trẻ,
Ắt đòn bể đít hỡi con Tân!
Con Tân có tật đái dầm,
Bởi vì biếng nhác mê tâm quen đời.
Quen đời tuổi đã hai tư,
Mà còn chẳng bỏ thói hư thói hèn,
Muốn cho cha mẹ ngợi-khen,
Từ rày nên rán tập rèn cho siêng.
Ông bà có sẳn của tiền,
Lại thường làm ruộng phước-duyên để dành.
Lớn lên ăn ở cao-thanh,
Biết yêu, biết quí, điều lành nghe con!
Bạc-liêu, ngày 3-7 Nhâm-Ngũ (14-8-42)
|
|
|
151.- Hoài cổ
HOÀI CỔ
Bình tâm cất bút tỏ lời,
Xét xem hai chữ vận thời còn xa.
Liếc nhìn thế-giới can qua,
Ngàn muôn binh tướng xua ra chiến trường.
Dốc lòng tranh bá đồ vương,
Đeo câu danh-lợi lấp đường nghĩa-nhân.
Gieo điều tàn-khốc cho dân,
Khiến lòng Tăng-Sĩ bâng-khuâng lo lường.
Tiếc thay đạo-nghĩa luân-thường,
Thánh-nhơn đã vạch sẵn đường từ xưa.
Để cho quân-tử lọc-lừa,
Ở ăn hợp lẽ rán chừa tiểu nhân.
Trên vua minh chánh cầm cân,
Dưới quan liêm-tiết xử phân công-bình.
Quyền cha quản xuất gia-đình,
Dạy con phải phép vẹn gìn hiếu trung.
Từ ngày cách mặt cửu-trùng,
Thay đời đổi cách bất tùng Thánh-Tiên.
Bút lông dẹp với diã nghiên,
Thế vào bút sắt cùng viên mực tròn.
Lần lần thế đạo suy mòn,
Nền xưa nếp cũ, hỡi còn mấy ai.
Nên ta thở vắn than dài,
Cúi đầu lạy Phật niệm hoài mấy câu.
Dứt trần mang bộ sồng nâu,
Trông ngày chư quốc chư hầu tỉnh tâm.
Đừng gây chinh-chiến ù ầm.
Để gây hạnh-phúc mà tầm Phật Tiên.
Ta-bà thật cảnh ưu phiền,
Duyên trần cấu kết oan khiên báo đền.
Thiều-quang thấm-thoát dường tên,
Mắc vòng sanh-tử có bền được đâu.
Chi bằng theo học Đạo mầu,
Sớm qua khổ hải theo hầu Phật Tiên.
Tham chi giả tạm của tiền,
Như chim vào lưới xích-xiềng trói thân.
Tính xong món nợ lần-khân,
Thoát vòng cương tỏa pháp-thân nhẹ-nhàng.
Tiêu diêu đạo đức luận bàn,
Vân du võ-trụ thanh-nhàn biết bao.
Bạc-liêu, năm Nhâm-Ngũ (1942)
|
|
|
152.- Dụng kinh quyền
DỤNG KINH-QUYỀN
Hỡi ôi! Trời đất mấy muôn trùng,
Muốn dụng kinh-quyền đạt hiếu trung.
Ngặt nỗi thân phàm vương-vấn nạn,
Trường thi chưa mở trống chưa thùng.
Trống chưa thùng sĩ-tử vẫn chờ trông,
Mong ngóng mau mau thấy mặt rồng.
Bảng-hổ danh đề tên chí-sĩ,
Đem tài thao-lược giúp non sông.
Giúp non-sông trong lúc chịu gian-truân,
Thảm-lệ tràn tuôn mãi chẳng ngừng.
Mịt mịt mờ mờ mưa gió đạn,
Phong-trần đày-đọa mấy mươi xuân.
Mấy mươi xuân vắng chúa, trông hoài,
Thân gởi nơi người nợ chẳng vay.
Trời đất lẽ nào không xét đến,
Để cho dân Việt khổ lâu dài.
Khổ lâu dài nay sắp mãn hay chưa,
Cầu nguyện Phật trời gội móc mưa.
Kíp mở Long-Hoa xây máy tạo,
Cho dân Hồng-Lạc thọ ân thừa.
Thọ ân thừa mà được cảnh nhàn an,
Trăm họ đầu đê trước Thánh-Hoàng.
Nguyện giữ cang-thường gìn Phật-đạo,
Giao-hòa mãi mãi với lân-bang.
Với lân bang sẽ dứt mối thâm thù,
Trên dưới một lòng chí nguyện tu.
Chẳng dám trễ-bê đường đạo-đức,
Đặng mong chẳng vướng cảnh ao-tù.
Cảnh ao-tù giờ vẫn phải còn mang,
Nặng trịu trên đầu héo ruột gan.
Chí dốc thoái-ly vòng xích tỏa,
Cầu trên Thánh-chúa vững ngai vàng.
Chúa vững ngai vàng sãi mới yên,
Rời ngay cảnh tục trở về tiên.
Chẳng còn tham-luyến nơi trần-thế,
Vì cả thế-gian hết não phiền.
Bạc-liêu, năm Nhâm-Ngũ (1942)
|
|
|
153.- Rứt cái ngu đần
RỨT CÁI NGU ĐẦN
Vướng nghiệp trần-hoàn bởi quả nhân,
Gây ra kiếp số chịu phong-trần.
Nay nhờ đuốc huệ soi đường tối,
Đặng rứt cái ngu lẫn cái đần.
Muốn bán cái ngu lẫn cái đần,
Ngu đần cả nước lẫn cùng dân.
Sớm lo lòn cúi chiều ăn ngủ,
Nào biết liệu toan gỡ nợ-nần.
Nợ-nần tiên-tổ tạo gây nên,
Con cháu ngày nay phải báo đền,
Đành thế, nhưng vừa lời với vốn,
Lẽ gì chịu dại trả ngông-nghênh?
Bạc-liêu, năm Nhâm-Ngũ (1942)
|
|
|
154.- Thập nhị nhơn-duyên
THẬP NHỊ NHƠN-DUYÊN
Nhơn duyên thứ nhứt phát khởi từ màn vô-minh mà che lấp bản ngã (linh-hồn) nên làm cho người phải tăm tối mê say, gây tạo ác nghiệp, chịu nẻo luân hồi thống khổ. Đây là 12 duyên sanh: Vô-minh sanh hành, hành sanh thức, thức sanh danh-sắc, danh-sắc sanh lục-nhập, lục-nhập sanh xúc-động, xúc-động sanh thọ-cảm, thọ-cảm sanh ái, ái sanh bảo-thủ, bảo-thủ sanh hữu, hữu sanh sanh, sanh sanh lão-tử.
Đó là 12 duyên-sanh, nó dắt đi từ kiếp nầy đến kiếp kia không có dứt; cái vô-minh nghĩa là tối tăm mê dốt, từ hồi vô-thỉ. Có mê dốt ta mới hành-động rồi hành-động ấy sanh ra muôn pháp, nên mới có cái thức (biết), ví như loài cây cỏ, sắt đá (vô tình) không biết chi cả, đâu có danh-sắc, còn ta là loài hữu-tình cái biết ấy nên có xác-thịt và linh-hồn, danh-sắc. Xác thịt và linh-hồn có thì phải có 6 căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý nhiễm với 6 trần là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp nên gọi là lục-nhập. Có lục-nhập mới có tiếp-xúc với mọi người và vạn vật, nên gọi là xúc-động, rồi từ chỗ tiếp-xúc mới thọ hưởng của tiền-trần nên gọi là thọ-cảm. Có thọ-cảm, thọ hưởng của tiền-trần rồi mới có cái ưa thích, quyến luyến, thâm tình nên gọi là ái.
Muôn việc chi ở đời, nếu ta yêu thích cái điều đó, thì ta phải gắng công giữ-gìn chặt-chịa nên gọi la bảo-thủ; mà gìn-giữ chặt chịa thì mới có sống, nếu không, làm sao mà ta sống, nên gọi là hữu. Rồi cái sống ấy, mến tiếc ấy mới đầu thai trời lại cõi trần đặng hưởng dụng nên gọi là sanh. Muôn loài vạn vật hễ sanh ra thì lớn, hễ lớn thì sẽ già bị trong tứ đại (đất, nước, gió, lửa) làm nên nào là tứ thời, cảm-mạo bất hòa, hễ già thì yếu đau, nếu đau tất là phải chết nên gọi là lão, tử. Ấy vậy cái nghiệp-nhơn của già chết, ấy là tại cái vô-minh mà ra tất cả.
|
|
|
155.- Môn hoàn diệt
MÔN HOÀN DIỆT
Nếu ta tìm con đường bát chánh đạo của Phật mà đi, giữ tâm thanh tịnh, làm việc nhơn từ, không lòng hờn-giận, chẳng dạ ghét-ganh, chuyên tâm niệm Phật, giúp thế độ đời, đừng chứa điều phiền-não và để bụng tham-lam ích-kỷ, gây mối thiện-duyên, lần lần trí-huệ mở-mang, cõi lòng sáng-suốt, thì màn vô-minh sẽ bị diệt mất.
Vô-minh bị diệt thì hành diệt; hành bị diệt thì thức diệt; thức bị diệt thì danh-sắc diệt; danh-sắc diệt thì lục-nhập diệt; lục nhập diệt thì xúc-động diệt; xúc-động diệt thì thọ cảm diệt; thọ cảm bị diệt thì ái diệt; ái bị diệt thì bảo-thủ diệt; bảo-thủ bị diệt thì hữu diệt; hữu bị diệt thì sanh diệt; sanh bị diệt thì lão, tử diệt. Ấy là giải-thoát vậy.
Bạc-liêu, năm Nhâm-Ngũ (1942)
|
|
|
156.- Đức Phật đối với chúng-sanh
ĐỨC PHẬT ĐỐI VỚI CHÚNG-SANH
Một ông cha ở trong gia-đình vẫn có lòng thương xót hết các con, dù lớn nhỏ, khôn dại gì cũng vậy. Tại sao? Vì xét ra lớn nhỏ là tại đứa sanh ra trước, đứa sanh ra sau; khôn dại là tại đứa chăm học cùng biếng trễ, chớ cũng đồng là con đều do huyết nhục sanh ra. Vậy bổn-phận ông cha thì hết lòng lo dạy-dỗ các con, lo-lắng cho có gia-cư, nghiệp-nghệ, tài-sản để cho con, ruộng đất để cho con. Vậy thì tình thương vẫn đồng, mà cái chỗ âu-yếm ban thưởng nhiều khi có khác, ấy là phải tùy theo mỗi đứa. Tại sao vậy? Vì đứa nào hiếu thuận từ-hòa, dễ dạy, dễ hiểu, thì ông cha âu yếm hơn đứa ngỗ-nghịch, bạo tàn. Với đứa khó dạy thì ông chỉ biết than-thở mà thôi, chớ không thể âu-yếm đặng. Còn đứa nào cần-kiệm, lo giữ-gìn gia-sản của cha nó, chẳng cho hư-hoại, cẩn thận từ ly, dầu lời nói hay việc làm để bảo tồn danh-giá của cha nó, thì cha nó hằng ngày ban thưởng cho nó luôn, chớ không thể ban thưởng cho những đứa hoang chơi, tàn phá sự-nghiệp, làm những điều điếm-nhục gia môn! Những đứa ấy, ông cha có thể nén lòng mà rước lấy sự chế-nhạo, trách-cứ là nhiều lắm rồi, chớ làm sao mà ban thưởng đặng.
Cũng mường tượng như trên, hỡi các người! Đức Phật đối với chúng-sanh và môn-đồ như người cha đối với các hạng con trên đây vậy. Phật cũng yêu hết chúng sanh, dầu kẻ ngu người trí, yêu tất cả môn-đồ (dầu kẻ biếng-nhác với kẻ siêng-năng). Bởi tại duyên-nghiệp mỗi chúng-sanh chẳng đồng nhau, tu cao thấp khác nhau, nhưng mỗi chúng-sanh đều có Phật tánh. Vậy lòng từ-bi của Phật là vì thương xót chúng-sanh, lo dạy-dỗ chúng-sanh, nhưng mà sự gần gũi và ban phước-huệ vẫn có khác, vì phải tùy theo mỗi kẻ tín-đồ. Người tín-đồ nào hằng ngày vâng lời Phật dạy, rán lo học hỏi, tìm kiếm đạo mầu, quí trọng chuyện lành thì Phật thường gần-gũi hơn đứa đã dạy nhiều lần mà chẳng chịu nghe theo, và thường ban thưởng cho kẻ tín-đồ nào quí trọng kinh luật của Phật, chăm lòng giữ theo giới-luật, cẩn thận từ lời nói việc làm, đừng để cho người ta nhạo-báng Phật hay chê-bai Thầy của mình. Còn những kẻ tín-đồ dối tu, chẳng vâng lời dạy, chẳng giữ giới-luật thì trên là Đức Phật và dưới là ông Thầy của kẻ ấy chỉ lấy lòng từ-bi mà nhận sự trách-cứ của kẻ ngoại đạo, chớ không thế nào gần-gũi và ban phước-huệ cho kẻ chẳng thành-tín kia đặng.
Bạc-liêu, ngày 24-8 Nhâm-Ngũ (1942)
|
|
|
157.- Lời khuyên bổn-đạo
LỜI KHUYÊN BỒN-ĐẠO
Trong khi các trò còn ở trong biển mê sông khổ, thường bị những chướng-nghiệp nhiều đời mà làm cho linh-hồn chìm đắm trong ba cõi sáu đường, xuống xuống lên lên, luân-hồi chuyển kiếp, ấy cũng tại sự mê lầm của lục căn mà say đắm lục trần; ý-thức lầm-lạc ấy khiến các trò nhận lấy cái thân ô-trược nầy là thật, cái cảnh phú-quí cùng cuộc tình duyên tồn tại vui say. Nào hay thân vô thường tạm mượn do tứ đại hiệp thành. Cuộc phú-quí tựa đám phù vân, cái sắc nước hương trời ấy của các trò có khác chi cành hoa sớm nở chiều tàn, không chi bền chắc, còn tội-chướng thì linh-hồn phải chịu luân chuyển báo đền.
Ngày nay đã tỉnh ngộ qui y cùng Phật-pháp. Như vậy cửa trường-sanh bất diệt các trò đã gặp nẻo, nương đèn trí-huệ, ly xuất phàm-trần, chán cảnh phồn hoa tìm nơi tịch tịnh. Nhưng các trò tuy lòng mộ Đạo, chớ chưa hiểu rành nẻo bước đường đi. Hãy tạm xét chữ qui y cho thấu đáo: Qui là về, mà về đâu? Về cửa Phật. Y có nghĩa là vâng lời theo khuôn-mẫu.
Vậy qui y đầu Phật là nương nhờ cửa Phật và làm y theo lời Phật dạy, Phật từ-thiện cách nào ta phải từ-thiện theo cách nấy, Phật tu cách nào đắc Đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo cách nấy. Thầy cảnh tỉnh giác-ngộ điều gì chánh đáng thì khá vâng lời. Cần nhứt ở chỗ giữ giới-luật hằng ngày. Còn sự lễ bái là điều phụ thuộc, là món trợ đạo để nhắc-nhở các trò nhớ phận sự mà làm. Thầy xét trong tam nghiệp, các trò còn mang nặng lắm. Trong đường tu, nương theo tam nghiệp thì khổ não lắm. Chúng-sanh tịnh được tam nghiệp mới mong về cõi Phật. Tam nghiệp là: Thân nghiệp, Khẩu nghiệp, Ý nghiệp (đọc lại trong cuốn Khuyến-Thiện).
Nhưng Thầy xét lại khẩu nghiệp của các trò nặng-nề hơn hết. Hãy lấy gươm trí-huệ mà dọn sạch ma lòng, hãy lấy lòng khoan-dung mà đối-đãi lẫn nhau, hãy lấy lòng bác-ái nhân-đạo mà cư-xử với mọi người. Cần hiểu cái lý vô ngã của nhà Phật. Hãy rán sức thi hành sẽ có Thầy ủng-hộ,
KỆ RẰNG:
Đạo-pháp thường hay dung với hòa,
Xét người cho tột xét thân ta.
Nếu người rõ phận vui lòng thứ,
Ta thứ được người, người thứ ta.
Bạc-liêu, năm Nhâm-Ngũ
|
|
|
158.- Phật là gì ?
PHẬT LÀ GÌ?
Phật giả là Giác giả, Giác giả là Tỉnh giả.
Khi Đức Thích-Ca thành Phật thì Ngài nói pháp tứ-đế mà độ đời trước hơn các pháp, và chỉ con đường Trung-Đạo cho người hành theo.
ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO CỦA PHẬT:
1.- Không trưởng-dưỡng xác thịt quá ư sung-sướng như: ăn nhiều, ngủ nhiều, chẳng lo làm công chuyện, chẳng học hỏi, vì sung-sướng thái quá thì sanh nhiều dục-vọng mê đắm, làm cho trí-đạo tối tăm, không thể đạt huệ được.
2.- Không nên hành xác hay ép xác-thịt thái quá như: phơi nắng dầm sương, bỏ ăn, bỏ ngủ, làm lụng quá sức lực của mình, vì ép xác quá độ thì hay sanh bịnh-hoạn nhiều, người mà đa mang bịnh tật rồi, tinh-thần kém-cõi, mệt-nhọc, trí-hóa lu lờ, không đủ sức mà học Đạo đặng.
Nên người biết Đạo chẳng ép xác thái quá mà cũng chẳng để nó sung-sướng quá độ, chỉ ăn ngủ có chừng mực, làm việc vừa với sức mình, gìn-giữ sức khỏe mới mong học được đạo-pháp.
Vậy Phật chẳng buộc ai phải ăn ở khổ hạnh và cũng chẳng biểu ai ăn ở sung-sướng, chẳng ép ai ăn chay, chẳng xúi ai ăn mặn, tùy theo trình-độ và lòng nhơn của mình.
Điều cần yếu là phải:
– Làm hết các việc từ-thiện,
– Tránh tất cả điều độc-ác,
– Quyết rửa tấm lòng cho trong sạch.
Bạc-liêu, năm Nhâm-Ngũ
|
|
|
159.- Chư Phật có bốn đại-đức
CHƯ PHẬT CÓ BỐN ĐẠI-ĐỨC
Chư Phật có bốn đại-đức. Vậy ta niệm danh-hiệu Phật để nhớ Phật và rán sức làm theo bốn đại-đức của Phật đặng ngày sau chứng quả như Ngài. Bốn đức ấy là:
1.-Đức Từ: Phật đối với chúng-sanh như mẹ với con, lúc nào cũng lo-lắng đến, hết lòng dìu-dắt, dạy-dỗ, không nỡ để chúng-sanh sa vào đường tội lỗi mà chịu khổ não;
2.-Đức Bi: Nếu chúng-sanh nào dạy-dỗ chẵng nghe, làm điều độc-ác để phải tội thì Phật chẳng vì thế mà ghét bỏ, lại thương xót không cùng;
3.-Đức Hỉ: Thường thường an vui mà làm những việc lành. Dầu gặp hoàn-cảnh trái-nghịch cũng chẳng vì thế mà sanh lòng buồn-bã;
4.-Đức Xả: Ngài chẳng chấp một pháp nào trong thế-gian, sẵn lòng lìa xa các nghiệp tiền-trần, tha-thứ hết thảy những ai tối-tăm lầm-lỗi, chẳng còn vướng-víu chi với cuộc lợi-danh, tài-sắc, nhìn cõi đời chẳng bao giờ sanh lòng luyến ái.
Vậy ta niệm Phật, phải biết đại đức của chư Phật và làm sao cho ta có thể đắc được bốn đức ấy.
Ta cũng nên bố-thí, nhẫn-nhục, trì-giới (để độ tham, sân, si).
Còn phương-pháp niệm Phật là để trừ cái vọng- niệm của chúng-sanh, vì trong tâm của chúng-sanh niệm niệm mệ-lầm chẳng dứt; vì cái vọng-niệm về việc thế-trần ấy mà không cho cõi lòng an-lạc, phiền não ngăn che, chơn tâm mờ ám. Nên nay, hễ thành tâm niệm Phật thì nếu được một niệm Phật ắt lìa được một niệm chúng-sanh, mà niệm niệm Phật thì lìa tất cả niệm chúng-sanh. Cho đến khi nhứt tâm bất loạn, chừng ấy vọng niệm chúng-sanh đã dứt thì lòng ham muốn và các tình-dục còn đâu mà nảy sanh ra được?
Nên niệm Phật là niệm cái bản-lai thanh-tịnh của Phật cho lòng của mình nương theo đó mà được thanh-tịnh và chẳng còn trược nhiễm trần-ai.
Cần tu thập thiện thì sự niệm mới có hiệu quả. Tu thập thiện, dứt được thập ác (cũng gọi là tịnh tam nghiệp).
Bạc-liêu, năm Nhâm-Ngũ
|
|
|
160.- Sơ giải về tứ-diệu-đề
SƠ GIẢI VỀ TỨ DIỆU-ĐỀ
1/- Khổ đề: Gồm các sự khổ trong đời.
2/- Tập đề: Gồm có các tập-nhơn sanh ra quả-khổ.
3/- Đạo đề: Gồm có tám đường chánh.
4/- Diệt đề: Phương-pháp diệt khổ, hưởng quả Niết-Bàn.
SƠ GIẢI:
A) Khổ đề: Đức Phật nói rằng tất cả chúng-sanh trong cõi trần nầy chịu muôn ngàn đều khổ não, kể chẳng xiết, nhưng có thể tóm tắt lại làm tám điều, vì trong tám điều khổ ấy nó có thể nảy ra muôn ngàn sự khổ-não kia.
1/- Sự sanh khổ – Vì linh-hồn chưa được hoàn-toàn tròn đạo hạnh mà đắc quả vị nên còn phải đầu thai làm con người thế-gian. Khi nhập vào thai trong bụng người đàn-bà thì phải chịu sự tối-tăm tồi-túng, chẳng thấy trời trăng. Bị bao-bọc ràng-rịt, thai nhi bị sự nuôi dưỡng bằng tinh-huyết của mẹ, lúc mẹ đau ốm thì thai nhi yếu-ớt; lúc mẹ làm-lụng mệt-nhọc, thai-nhi chẳng yên; lúc mẹ đói cơm, thai nhi dường như cái túi bị treo chẳng vững; lúc mẹ ăn uống no bụng, thai nhi bị sự lấn-ép của bao-tử và ruột rất nhọc-nhằn. Khi đúng ngày giờ phải chun ra cửa sản-môn ô-uế như hai viên đá ép mình, khi ra khỏi mình mẹ, cảm thấy hơi gió cắt da, đau nhức khó chịu nên cất lên tiếng khóc để tỏ ý chẳng bằng lòng với cảnh cực nhọc.
Xét như vậy nên Phật mới cho sanh là khổ; mà chúng ta là người học đạo, xét cho chí lý đều cũng phải công-nhận sự nhận xét của Phật rất đúng vậy.
2/- Sự già khổ – Hễ sanh ra thì lớn, lớn rồi tất phải già; xét nghĩ trong lúc tuổi thanh xuân, đời sống cứng cỏi, hoạt động hăng hái, đi đứng lẹ làng, nói năng bặt thiệp, xác thịt mạnh mẽ, học hỏi dễ dàng tỏ tai sáng mắt, thấy biết nhiều điều. Ô hô! Mà nay sao lại răng rụng mắt lờ, ù tai, choáng óc, da nhăn má cóp, gối mỏi, lưng khòm, nằm ngồi chậm chạp, đi đứng xéo xiên, uống ăn đổ tháo, bọn trẻ dể khinh, già đành nhờ cậy, đi tay nương gậy, phế việc dân quan, tinh thần hao kém; khí lực hầu tàn, thoạt nhớ thoạt quên, nhiều khi lầm lẫn, tóc bạc da mồi, lắm điều lao nhọc.
Vậy nên Phật mới cho sự già là khổ, mà chúng ta cũng không thể nào không công nhận.
3/- Sự đau khổ – Nghĩ vì thân thể con người sanh ra cõi trần, có lớn già thì tất nhiên yếu đuối; nếu đã yếu đuối ắt ăn ngủ chẳng được điều-hòa, thêm ngoài thì bốn mùa thay đổi tám tiết xây vần, do nơi thân già yếu đuối, cảm những tà khí mà sanh ra bịnh tật. Ôi! Hễ thân huyễn giả nầy mang lấy bịnh tật rồi, nào là cơn tỉnh, cơn mê, tay chơn nhức-nhối gan ruột quặn đau, phổi héo tim khô, da teo huyết cạn, kẻ mang lao mang tổn, phương đàm ho suyễn, người thì đui cùi lở-lói, bại xuội sưng tê, thang-thuốc chẳng an, khẩn-nguyền chẳng giảm, cầu sống chẳng đặng, cầu chết chẳng xong.
Vậy thử hỏi khách trần-gian ai mà không muốn xa muốn tránh, mà nào ai được khỏi? Muốn tránh, tránh chẳng được, lại đa mang; như còn khổ não về bịnh tật, bút nào mà tỏ ra cho hết.
4/- Sự chết khổ – Vật chi mà sanh trong cõi trần-gian theo các công-lệ tự-nhiên, hễ có sanh ra thì phải có ngày tiêu-diệt. Còn cái thân con người của ta đã do nơi tứ đại (đất, nước, gió, lửa) mà hiệp thành, có bền chắc chi đâu mà tránh khỏi ngày tan rã?
Tại sao mà gọi thân tứ hiệp thành? Xét rằng tuy là ta thấy có sự cấu tạo của cha mẹ mà thành thân của ta, nhưng mà cái thân nầy suy gẫm cho kỹ lại: thịt và xương cốt là chất đặc nên thuộc đất; máu huyết chất lỏng nên thuộc nước; hơi thở của ta thuộc về gió; sự ấm áp của ta thuộc về lửa.
Nhờ 4 món ấy chung hợp lại mới thành cái xác thịt của ta. Nếu hễ đến ngày tàn hạ rồi thì xương thịt rã ra huờn lại đất, máu huyết chảy ra huờn lại nước, hơi thở dứt đi thì trở lại với gió, sự ấm áp dứt đi thì nó trở lại cái nóng của mặt trời. Như vậy tại làm sao gọi rằng khổ? Vì lúc sống linh hồn nhờ xác thịt mà học hỏi, kinh-nghiệm việc đời, xử sự tiếp vật, đeo-đắm theo lợi lợi, danh danh, tài tài, sắc sắc, không có chịu tra cứu phân biệt cho rõ giã chơn, ý-thức sai lầm, nhận không rằng có, nhận có rằng không, thấy tà nói chánh, gặp chánh tưởng tà, rồi cũng do sự sai lầm ấy mà nhận huyễn thân nầy làm thiệt thân của mình, mãi lo o-bế sửa-sang, dồi mài cạo gọt, cưng nó dưỡng nó như: tích trữ cơm tiền, dành cho nó ăn, dành để thuốc-thang cho nó uống, kiếm tìm thanh sắc để cho nó vui, xây-dựng cửa nhà cho nó ở (vẫn biết rằng ở trong đời ai cũng phải lo thân, nhưng mà người hiểu Đạo, biết rõ cái thân của mình tạm mượn trong thời-gian để học-hỏi nên lo vừa chừng, chẳng có ích-kỷ mà lo cho mình vừa giúp-ích cho đời, chừng bỏ xác thì có cái khác, còn người không hiểu Đạo thì bo-bo giữ nó bằng lối ích-kỷ mê lầm) ấy là muốn cho nó được trường-tồn; kịp đến khi tử-thần gõ cửa, số vô-thường đã tới, sanh ra muôn ngàn kinh-hãi, thần-trí hôn-mê rất tríu mến cõi đời, cửa nhà con vợ, mà không làm sao sống được nữa, nên lúc ấy kẻ phùn mang, trợn mắt, người chắt lưỡi, nghiến răng, lăn lộn giật mình kêu than thảm-thiết. Xét coi lúc ấy khổ sở là dường nào.
5/- Mưu cầu bất đắc…
6/- Biệt ly…
7/- Oan tắng hội…
8/- Lo ngại…
Bạc-liêu, năm Nhâm-Ngũ
|
|
|
161.- Trong việc tu thân xử kỷ
“TRONG VIỆC TU THÂN XỬ KỶ”
Sự lễ bái không đủ cho ta tỏ ra một tín-đồ chân thành của đạo Phật được. Tai sao vậy?
Vì Đức Phật chẳng bao giờ ngỏ ý rằng “các người hãy lạy thờ ta cho nhiều rồi ta sẽ độ giúp các người” mà trái lại, Ngài dạy rằng: “Các người nên hiểu biết phận-sự con người phải làm gì trong kiếp sống và tìm kiếm chân tánh của mình”. Thiệt-hành theo giáo-lý của Ngài thì Ngài sẽ hướng-dẫn và ủng-hộ vậy.
Ta hãy đem đức-tin trong sạch mà thờ kỉnh Phật và hãy đem lòng lành mà hành-động y theo lời phán dạy của Phật.
Nếu ta cứ đem đức-tin thờ-phượng tôn-giáo bằng cách sai-lầm thì rất có hại cho đời mạng của ta. Như vậy chỉ tỏ ra một người rất mê-tín (mặc dầu Đạo của ta thờ là một Đạo rất chánh đáng).
Vậy đồng thời với Đức Tin là Lòng Lành phải để cho nó đi cặp luôn luôn.
Có Đức Tin (Tin về thần quyền) mà thiếu Lòng Lành thì rất dễ bị tà-thần cám dỗ, bọn tăng-đồ lợi-dưỡng gạt-lường. Bởi những kẻ ấy thường bày ra cúng-kiếng để chuộc tội hoặc bắt-buộc ta thờ-kính một cách phiền-phức làm cho lòng u-tối của ta càng ngày càng u-tối thêm.
Còn có lòng lành mà thiếu đức tin vào công việc từ-thiện của mình thì lòng lành ấy thường hay thối chuyển vậy.
Vậy đồng thời với đức tin là lòng trí lành phải đi cặp luôn luôn.
Có đức tin và lòng lành rồi thì dùng trí-huệ mà bình-đoán cái đạo của ta đang học hay sẽ học một cách xác-thực, tìm hiểu cho rõ-ràng cái mục-đích ấy, như thế mới mong thoát khỏi tà kiến gạt-gẫm ta đem đức tin, lòng lành cống hiến vào chỗ thấp hèn hay một ông thầy mê dốt.
Người học Đạo muốn mở-mang trí-huệ cần phải tìm phương-pháp diệt cái vô-minh (tối-tăm ngu-muội).
Muốn diệt cái vô-minh trước phải điêu-luyện khối tinh-thần cho mạnh-mẽ đặng tự lập con đường rõ-ràng, duy nhất của mối Đạo mình đang học để lấy đó làm cương-mục mà bài trừ những thành-kiến, cố chấp, thói quen, sự chần chờ, lòng ham muốn, tánh kiêu-ngạo, tật-đố, gièm-siểm, dua-nịnh, ích-kỷ tư tâm, sự gây gổ, mê đắm trong bể dục-tình và sự phiền-não nó làm cho náo loạn cõi lòng. Nên bài trừ được nó rồi trí huệ tất mở-mang vậy.
Người có tâm nếu không tập suy-gẫm cho mở trí thì hay dễ bị lường gạt.
Người có trí mà vô tâm thì hay xảo trá. Nên trí và tâm người học Đạo cần tìm cách làm cho nó được phát-triển cả hai để lấy tâm làm chủ trì mọi việc, lấy trí mà phán xét mọi việc trước khi ta sắp đưa cho tâm chủ trì. Được như thế chắc-chắn ta học Đạo mau thành công đắc quả.
Đừng thấy ai theo mối Đạo nào đông-đảo rồi ta cũng vội vàng theo Đạo ấy mà lúc đó ta chưa hiểu giáo-lý ấy như thế nào.
Cũng đừng thấy người ta thờ Phật rồi vội-vã lập bàn thờ Phật, mà chưa hiểu ông Phật thể nào và tại sao phải thờ kính Đức Phật. Nếu tu như thế, thờ Phật như thế, thì càng tu càng thờ bao nhiêu càng tỏ ra cho thiên-hạ thấy rõ ta mê tín bấy nhiêu. Đó cũng là cái đích để cho người vô Đạo nhắm đó mà bài-bác, nhạo chê hủy-báng và cũng rất uổng cho cái công-trình thành-kính lễ-bái của ta vậy.
Cho được tránh những điều ấy, trước khi thờ, học Đạo nào, hay theo ông thầy nào, ta hãy suy-gẫm phán-đoán kỹ-càng; chừng hiểu biết rõ-ràng ta sẽ hành theo Đạo ấy, Thầy ấy. Chẳng được như vậy, dầu mình theo Đạo rất chánh đáng, ông Thầy rất thông minh cũng chẳng có ích chi cho mình cả.
Sự đầu tiên của người hành Đạo là cốt sửa những tư-tưởng, tìm cách đánh đổ tư-tưởng xấu-xa, đem thay vào những tư-tưởng ôn-hòa, đạo-đức.
Bạc-liêu, năm Nhâm-Ngũ
|
|
|
162.- Những câu chú thường niệm
NHỮNG CÂU CHÚ THƯỜNG NIỆM
Thấy trong quyển “Tăng đồ nhà Phật” có chép những câu chú mà xưa kia các vị “tỳ kheo” và “tỳ kheo ni” thường đọc trong những công chuyện thường ngày, Đức Thầy lúc còn ở Bạc-Liêu, bèn dịch mấy câu chú nầy bằng lối thơ vần.
Dưới đây là những câu chú bằng Hán văn và Phạn văn, kế đó là những bài của Đức Thầy dịch lại:
Thùy miên thỉ ngộ,
Đương nguyện chúng-sanh.
Nhứt thiết trí giác,
Châu cố thập phương.
Như tôi tỉnh giấc lúc bình minh,
Chí nguyện cầu cho cả chúng-sinh.
Tâm trí khai thông cùng tỉnh táo,
Mười phương đều rõ máy anh linh.
Đại tiểu tiện thời,
Đương nguyện chúng-sanh.
Khí tham, sân si,
Quyên trừ tội pháp.
(Án ngận lỗ đà da tá ha!)
Cũng như tôi tiểu tiện ra,
Nguyện cầu sanh-chúng tống ra khỏi mình:
Tham-lam, gây-gổ, si tình,
Khỏi điều tội-lỗi nhẹ mình cao bay.
Sự ngật tựu thủy,
Đương nguyện chúng-sanh.
Xuất thế Pháp trung,
Tốc tật nhi vãng.
Việc xong rồi đến tôi dùng nước,
Cũng như tôi lấy nước nầy ra.
Nguyện chúng-sanh xuất khỏi ta-bà,
Nhờ đạo-pháp lướt qua mau chóng.
Tẩy dịch hình uế,
Đương nguyện chúng-sanh.
Thanh tịnh điều nhu,
Tất kiến vô tất.
Như tôi rửa sạch khỏi dơ mình,
Chí nguyện cầu cho cả chúng-sinh.
Đắc được thân tâm, thanh tịch lạc,
Điều hòa chẳng nhiễm nghiệp mê-linh.
Dĩ thủy quán chưởng,
Đương nguyện chúng-sanh.
Đắc thanh tịnh thủ,
Thọ trì Phật-pháp.
(Án chủ ca ra da tá ha!)
Lấy nước tôi rửa sạch tay,
Nguyện cầu sanh-chúng được tay thơm lành.
Ngõ hầu nắm pháp vô sanh,
Giữ-gìn lời Phật ban hành từ xưa.
Dĩ thủy tẩy diện,
Đương nguyện chúng-sanh.
Đắc tịnh pháp-môn,
Vĩnh vô cấu nhiễm.
(Án lam tá ha!)
Lấy nước rửa sạch mặt mày,
Tôi nguyền sanh-chúng đắc rày pháp-môn.
Lặng yên trong cõi trường tồn,
Chẳng hề tiêm nhiễm tục hồn bợn nhơ.
Thấu khẩn liên tâm tịnh,
Dẫn thủy bá hoa hương.
Tam nghiệp hằng thanh tịnh,
Đồng Phật vãng Tây-Phương.
(Án hám án hản tá ha!)
Súc miệng tôi cũng lóng lòng,
Ngậm nước như ngậm trăm bông đủ mùi.
Cầu tịnh ba nghiệp xong xuôi,
Tây-Phương quyết đến chung vui Phật-đài.
Thủ chấp xát nha,
Đương nguyện chúng-sanh.
Giai đắc diệu pháp,
Cứu cánh thanh-tịnh.
Tay tôi cầm lấy xát nha,
Nguyện cầu sanh-chúng gặp khoa diệu-mầu.
Thảy đều thấy lý cao sâu,
Đến nơi yên tỉnh tột sâu vô ngần
Trước hạ quần thời,
Đương nguyện chúng-sanh.
Phục chư thiện căn,
Cụ túc tàm hủy!
Cũng như tôi mặc quần đây,
Đặng cho phần dưới khỏi thây lõa-lồ.
Nguyện chúng-sanh điểm-tô điều thiện,
Lấy việc lành che chuyện xấu-xa.
Nhược trước thượng y,
Đương nguyện chúng-sanh.
Hoạch thắng thiện căn,
Chí pháp bỉ-ngạn.
Như tôi mặc áo trên vào,
Nguyện cầu sanh-chúng trùm bao gốc lành.
Trổi bước tìm cuộc vô sanh,
Đến nơi sáng-suốt tịnh-thanh Niết-Bàn.
Chỉnh y thúc đái,
Đương nguyện chúng-sanh.
Kiểm thúc thiện căn,
Bất linh tán thất.
Như tôi gài áo buộc ràng dây,
Cầu nguyện chúng-sanh khắp cõi nầy.
Buộc chặt căn lành vào thể-phách,
Chẳng lo thất lạc đổi cùng thay.
Nhược đắc kiến Phật,
Đương nguyện chúng-sanh.
Đắc vô ngại nhãn,
Kiến nhứt thiết Phật.
Như tôi được thấy Phật đây,
Nguyện cầu chúng-sanh đắc rày nhãn-quan.
Mắt thông dòm suốt khắp ngàn,
Nhìn thấy chư Phật thập phang đại đồng.
Pháp-vương vô thượng tôn,
Tam giái vô luân thất;
Thiên nhơn chi đạo sư,
Tứ sanh chi từ phụ.
Ngã kim tạm qui y,
Năng diệt tam kỳ nghiệp.
Xưng dương nhược tán thán,
Ức kiếp mạc năng tân.
Ngài là vua Pháp tột cao,
Khắp trong ba cõi chẳng sao sánh tày.
Tiên, người đồng kính đạo Thầy,
Cha lành hết cả bốn loài chúng-sanh.
Nay tôi qui mạng thiệt hành,
Ngõ mong trừ dứt nghiệp sanh ba đời.
Tỏ ra khen ngợi những lời,
Dầu cho ức kiếp chẳng nơi nào cùng.
Thiên thượng thiên hạ vô như Phật,
Thập phương thế giái diệc vô tỷ.
Thế-gian sở hữu ngã tân kiến,
Nhứt thiết vô hữu như Phật giả.
Trên dưới trời chẳng ai bằng Phật,
Khắp mười phương hẳn thật khó so.
Dòm trong cõi thế rộng to,
Một người khó kiếm sánh so cùng Ngài.
Năng lễ, sở lễ, tánh không tịch,
Cảm ứng đạo giao nan tư nghị.
Ngã thử đạo tràng như đế châu,
Thập phương chư Phật ảnh hiện trung.
Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền,
Đầu diện tiếp túc qui mạng lễ.
Sự lạy Phật vốn không yên tĩnh,
Đạo cảm-giao khó tính khôn bàn.
Nay tôi ở trong đạo tràng,
Cũng như kết chặt vào đoàn ngọc-châu.
Mười phương Phật hiện bầu hình ảnh,
Có bóng tôi cũng sánh các Ngài.
Từ chơn cho chí mặt mày,
Cúi đầu làm lễ nguyện rày qui y.
Phật quan nhứt bát thủy,
Bát vạn tứ thiên trùng.
Nhược bất trì thủ chú,
Như thực chúng-sanh nhục.
(Án phạ tất ba ra ma ni tá ha!)
Phật thấy chén nước có trùng.
Bốn ngàn tám vạn muốn dùng cho tinh.
Nếu không trì chú niệm kinh,
Khác nào ăn thịt chúng-sanh hằng-hà.
Nhược kiến không bát,
Đương nguyện chúng-sanh.
Cứu cánh thanh-tịnh,
Không-vô phiền-não.
Như tôi thấy chén không,
Cầu nguyện chúng-sanh đông.
Đến tận bờ thanh-tịnh,
Phiền não vẫn không không.
Nhược kiến mãn bát,
Đương nguyện chúng-sanh.
Cụ túc thạnh mãn,
Nhứt thiết thiện pháp.
Bằng như tôi thấy bát đầy đây,
Cầu nguyện chúng-sanh khắp cõi nầy.
Chứa được đủ no thêm vẹn-vẽ,
Pháp lành các món cũng về đây.
Thiện tai giải-thoát phục,
Vô thượng phước điền y.
Ngã kim đảnh đái thọ,
Thế thế bất xã ly!
(Án tất đà da tá ha!)
Lành thay y phục thoát trần,
Khác nào thửa ruộng tột phần tốt tươi.
Cúi đầu đội nó trên người,
Thề nguyền kiếp kiếp đời đời chẳng phai.
Thiện tai giải-thoát phục,
Vô thượng phước điền y.
Ngã kim đảnh đái thọ,
Thế thế thường đắc phi.
(Án độ ba độ ba tá ha!)
Lành thay y-phục thoát trần,
Khác nào thửa ruộng tột phần tốt tươi.
Cúi đầu đội nó trên người,
Thề nguyền duđợc mặc đời đời chẳng phai.
Thiện tai giải-thoát phục,
Vô thượng phước điền y.
Phụng trì Như-Lai mạng,
Quảng độ chư chúng-sanh.
(Án ma ha ca bà, ba tra tất đế ta ha!)
Lành thay y-phục thoát trần,
Khác nào thửa ruộng tột phần tốt thay.
Nguyện theo mạng lịnh Như-Lai,
Mở lòng rộng-rãi độ rày chúng-sanh.
Nguyện thử chung thinh siêu pháp-giái,
Thiết vi u-ám tất giai văn.
Văn trần thanh-tịnh chứng viên thông,
Nhứt thiết chúng-sanh thành chánh-giác!
Nguyện tiếng chuông lành thông các cõi,
Thiết vi địa-ngục cũng nghe rành.
Nghe rồi thân tịnh tâm tròn sáng,
Tất cả chúng-sanh Phật đạo thành!
Văn chung thinh phiền-não khinh,
Trí-huệ chưởng bồ-đề sanh.
Ly địa-ngục xuất hỏa khanh,
Nguyện thành Phật độ chúng-sanh.
(Án đà ra đế dạ ta bà ha!)
Nghe chuông phiền não tiêu tan,
Bồ-đề tâm mở trí toan huệ mầu.
Lìa xa địa-ngục thảm sầu,
Khỏi nơi hầm lửa đặng cầu chơn tâm.
Nguyện tu thành Phật chẳng lầm,
Độ trong sanh-chúng hết lâm tai nàn!
Thủ chấp tịnh bình,
Đương nguyện chúng-sanh.
Nội ngoại vô cấu,
Tất linh quang khiết!
(Án thế dà rô ca sất ta ha,
Án phạ tất ra thí dà lò sất mạng sất tà ha!)
Tay tôi cầm lấy tịnh bình,
Nguyện cầu thân thể chúng-sinh trong ngoài.
Đều không nhiễm trược trần ai,
Sạch tinh sáng láng tắc lai diệu huyền!
Bạc-liêu, tháng 7 năm Nhâm-Ngũ
|
|
|
163.- Cho cô hai Gương (Cần-thơ)
CHO CÔ HAI GƯƠNG (CẦN-THƠ)
Thầy thương đệ-tử ngẩn-ngơ sầu,
Vẫn biết công-phu con dãi-dầu.
Nhưng nỗi tiền-khiên gây lắm nợ,
Đời nầy trả dứt mới mong cầu.
Mong cầu gặp Phật hội Long-Hoa,
Con rán trì tâm niệm Phật-Đà.
Xét lại xác Thầy xưa cũng hoại,
Thân phàm bỏ lại thế-gian mà!
Đến hội trăm quan còn hiện được,
Thì ra xác thịt có cần đâu?
Khuyên con nghĩ cạn đừng ưu-lự,
Mượn chước huyền-cơ giải mạch sầu.
Ví Thầy xác thể phải còn đau,
Hà huống chi con tránh được nào?
Quả dữ trả rồi nhân thiện đến,
Nếu Thầy đắc Đạo bỏ con sao?
Đường xá xa xuôi Thầy nguyện cầu,
Phật Thần ban rải huệ linh mầu.
Cho con yên-ổn thân đôi chút,
Chớ dễ nào Thầy quên trẻ đâu!
Bạc-liêu, 24-8 Nhâm-Ngũ (3-10-42)
|
|
|
164.- Cho cô năm Võ-thị-Hợi ở Bạc-Liêu
CHO CÔ NĂM VÕ-THỊ-HỢI Ở BẠC-LIÊU
Hãy rán tu tâm dưỡng tánh lành,
Đừng cho ma nghiệp vọng tâm-sanh.
Quay về cội phúc đường chân đạo,
Phật-pháp thiền-na dốc thực hành.
Chớ nhiễm trần-hoàn đượm phấn son,
Chiêm-bao cuộc thế chẳng thường còn.
Chi bằng nhớ lại câu hồng thệ,
Tỉnh ngộ nghe Thầy dạy hỡi con!
Hỡi con! Đời tục rất hôi tanh,
Trí-huệ trau-giồi kiếm nẻo thanh.
Mãn kiếp hồng-trần sanh Lạc-quốc
Hưởng công niệm Phật rất yên lành.
Thầy thấy con nay đắm cõi trần,
Đường tu lơ-lảng chẳng ân-cần.
Thương thay công quả tu từ trước,
Lại muốn bỏ đành gốc thiện nhân!
Chẳng sớm về nhà lo sám-hối,
Cầu trên Phật-Tổ giải mê-căn.
Ắt là hồn trẻ còn chi nữa, (1)
Địa-ngục trầm-luân cách thượng tằng.
Sàigòn, ngày 23-12-42 (16-11 Nhâm-Ngũ)
_______________________________________________
Quả thật cô này sau chết tại nhà thương Biên hòa năm 1945.
|
|