LƯỢC SỬ ĐỨC GIÁO CHỦ PHẬT GIÁO HÒA HẢO
I. THÂN THẾ :
Đức Giáo Chủ PGHH tộc danh là Huỳnh Phú Sổ. Ngài sanh vào giờ Tý, ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi (nhằm ngày 15-1-1920) tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc – một tỉnh thuộc miền Tây, Nam phần Việt Nam, giáp biên giới Việt-Miên, nơi ruộng đất phì nhiêu, dân cư trù phú.
Ngài sanh trong một gia đình lễ giáo, con trưởng nam của Đức ông Huỳnh Công Bộ, vị Hương cả trong làng được nhiều người kính nể. Thân mẫu là Đức bà Lê Thị Nhậm, một bậc hiền mẫu nhân từ.
Lúc thiếu thời, Ngài có những đức tánh vượt hẳn người thường: ít nói cười, không thích tiêu khiển đờn ca xướng hát, hoặc các trò vui như người cùng lứa tuổi. Ngài rất giàu lòng nhân ái đối với người và sanh vật. Có ai đề cập đến việc gia thất thì Ngài cực lực phản đối, thường tìm nơi thanh tịnh để mặc tưởng trầm tư. Như bao nhiêu ấu niên khác, Ngài được thân phụ cho vào trường học Việt ngữ ở xã nhà rồi chuyển lên Tân Châu, nhưng vì lý do sức khoẻ, Ngài phải dừng ngay sự học tập ở bậc tiểu học.
Trong thời tráng niên của Ngài, cả một chuỗi dài thời gian, thân xác phải chịu vày vò bởi nhiều chứng bệnh trầm kha, với thân hình gầy yếu, da mặt xanh xao, nhiều danh y diệu dược không trị nổi cơn đau của Ngài.
Tình trạng ấy tự nhiên biến mất khi Ngài đến tuổi trưởng thành. Sau khi dẫn thân phụ viếng núi Thất Sơn và Tà Lơn về, Ngài hoát nhiên đại ngộ giáo pháp Phật đà. Ngài nhận thấy cần phải ra tay tế độ đồng bào đang quằn quại dưới sự nghèo đói, bệnh tật, mê muội và nhứt là dưới ách thống trị của thực dân Pháp.
Lòng Ngài hằng hoài bão:
“Lòng yêu sanh chúng luân chuyển kiếp
Dạ ái dương trần đổi xác (sắc) thân”.
Thời cơ đã đến, Ngài tự nguyện: “Quyết cứu đời dùng Đạo phổ thông”. Cho nên, ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939) Đức Giáo Chủ khai sáng đạo PGHH, mở đầu kỷ nguyên “ giáo dân hướng thiện “.
II. PHƯƠNG TIỆN ĐỘ ĐỜI :
Trong công cuộc cứu thế độ dân, Đức Giáo Chủ dùng ba phương tiện chính yếu được gọi là “tam độ nhất như”:
1.- Trị bịnh độ đời: Bởi chúng sanh thời Mạt Pháp đa số là hạ căn thiểu trí, phước mỏng nghiệp dày nên Đức Giáo Chủ tạm dùng “Huyền diệu của tiên gia độ bịnh để cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ bi của chư vị với trăm quan”. Ngài khéo léo đưa họ từ chỗ hết bịnh đến quy y Tam Bảo.
2.- Thuyết pháp độ đời: Sau ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939), tức là ngày “Ta chịu lịnh Tây phương thọ ký”, Đức Giáo Chủ nói chuyện nhiều hơn trước, gặp ai cũng nói và khuyên mọi nguời nên làm lành lánh dữ, niệm Phật, xem Kinh. Ngoài ra, Ngài còn thuyết pháp hằng trăm, hằng ngàn lần trước đa số thính giả. Ngài biện minh Chánh Pháp Vô Vi và con đường tội phước để cho mọi người nhận thức được chân lý mà phát tâm hành thiện. Như trong bài Sứ Mạng, Ngài đã nói: “Phương pháp của ta tùy trình độ cơ cảm của tín nữ, thiện nam, trên thì nói Phật pháp cho kẻ có lòng mộ đạo qui căn, gây gốc thiện duyên cùng Thầy Tổ,…”
3.- Sáng tác Sấm Giảng độ đời: Ngoài sự trị bịnh và thuyết pháp, Đức Giáo Chủ còn sáng tác rất nhiều thi thơ, Sấm giảng để tiện bề truyền bá giáo lý khắp bàng nhân bá tánh, như Ngài đã nói:“ Đến trung tuần tháng Tám, Ta cùng Đức Thầy mới tá hiệu Khùng Điên, mượn bút mực tiết lộ lấy Thiên Cơ, truyền cho kẻ xa gần đều rõ biết hầu ăn năn cải quá làm lành, còn kẻ chẳng tỉnh tâm, sau đền tội cũng chẳng trách Phật Tiên không chỉ bảo”. Trong quyển Giác Mê Tâm Kệ, Ngài cũng nói:
“Dạy bổn đạo lấy lời đích xác,
Mà chẳng tu là bởi không ưa.
Chớ nước sâu mà bị gàu thưa,
Dân đông đảo lời truyền chẳng xiết.
Nên phải tạm mượn cây ngòi viết,
Đem đạo mầu như hạn cho mưa.
Đặng tố trần tâm ý người xưa,
Chữ thậm thâm trong kinh Phật giáo”.
Và:
Ngọn bút sắt chỉ đường người tối,
Gậy kim cang đưa chúng lên đàng.
Kíp nương theo trực chỉ Tây phang,
Đến Cực Lạc tìm nơi an dưỡng”.
III. BƯỚC TRUÂN CHUYÊN TRUYỀN ĐẠO:
Khởi nguyên từ ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939), Đức Giáo Chủ khai truyền Chánh pháp tại Tổ Đình (Thánh Địa Hoà Hảo). Qua bốn lượt, Ngài hướng dẫn Đức ông (thân sinh của Ngài) và một số tín đồ đi viếng khắp vùng Thất Sơn ( tỉnh Châu Đốc ) và Tà Lơn ( Cao Miên ). Đến ngày 12 tháng 4 năm Canh Thìn (1940) nhà đương cuộc Pháp dời Ngài qua Châu Đốc, độ 2 giờ sau họ đưa luôn Ngài tới Sa Đéc. Sau cuộc xét hỏi ba hôm, nhà cầm quyền ở đây cho biết là Ngài không được phép truyền Đạo ở các tỉnh: Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, nhưng họ cũng để Ngài được chọn nơi nào tùy ý. Thế là vào ngày 18 tháng 4 năm Canh Thìn (1940), Ngài đến cư ngụ tại nhà ông hương bộ Võ Mậu Thạnh, tại rạch So Đũa (Cần Thơ).
Ở đây trên hai tháng, nhà cầm quyền Cần Thơ đòi Ngài đến trình diện rồi đưa luôn vào nhà thương khám bệnh, hôm ấy nhằm ngày 29 tháng 6 năm Canh Thìn (1940), với dụng ý là họ muốn quản thúc Ngài. Đến hôm mùng 4 tháng 7 năm Canh Thìn (1940), họ đưa Đức Giáo Chủ vào nhà thương tâm thần Chợ Quán (Sài Gòn).
Ở đây ngót 10 tháng 7 ngày, vào ngày 11 tháng 3 năm Tân Tỵ (1941) nhà cầm quyền đưa Ngài qua sở Công An Pháp (bót Catina) để điều tra, thời gian 8 ngày. Đến ngày 19 tháng 5 họ mới cho Ngài về Bạc Liêu cư ngụ tại nhà ông Ký Giỏi, nhưng họ buộc Ngài mỗi tuần vào sáng thứ hai, phải đến trình diện với Sở Cảnh Sát tại đây:
“Việc chi mà phải đi trình báo,
Mỗi tháng bốn kỳ nhọc cẳng ông.
Đợi máy huyền cơ xây đến mức,
Tính xong cuộc thế lại Non Bồng”.
Đó là một trong ba bài thi Ngài đã diễn tả lại hoàn cảnh trong lúc ấy.
Lúc bấy giờ, quân đội Nhật có mặt khắp Đông Dương, thế lực người Pháp yếu dần. Số người đến thọ giáo với Đức Giáo Chủ càng lúc càng đông nên người Pháp quyết định đày Ngài sang Lào, nhưng họ chưa kịp thi hành quỉ kế. Bỗng đêm mùng 2 tháng 9 năm Nhâm Ngọ (1942), Sở Hiến binh Nhật cho viên thượng sĩ Kishi đem xe xuống Bạc Liêu chở Đức Thầy về Sài Gòn để Ngài ở tại Sở Hiến binh Nhật. Cư ngụ tại đây 2 tháng, Ngài bèn dời về căn lầu 168 đường Lefèbre rồi sang qua căn nhà số 150 kế đó.
Sau ngày quân đội Nhật lật đổ chánh quyền Pháp vào ngày 9-3-1945 (nhằm đêm 24 rạng 25 tháng Giêng năm Ất Dậu), Đức Giáo Chủ về thăm Tổ Đình (làng Hoà Hảo) và các tỉnh miền Tây, rồi Ngài cũng trở lại Sài Gòn lo hoạt động cứu nước.
Vào khoảng đầu tháng 5 đến hết tháng 6 năm Ất Dậu, Đức Giáo Chủ đi thuyết pháp khắp nơi, gồm 107 vị trí. Cuộc đi này mệnh danh là “Khuyến Nông” vì trận đệ nhị thế chiến tạo ra sự đói khổ khắp nước Trung Hoa, lan dần qua Bắc Việt, khiến đồng bào ta phải chết đói hằng triệu.
Vì đường lối cứu quốc chánh nghĩa của Đức Giáo Chủ không khỏi làm trở ngại chánh sách độc tài đảng trị của Trần Văn Giàu ( Chủ tịch Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ bấy giờ ) nên họ vu cáo rằng Đức Thầy cùng tín đồ sắp tạo phản và cướp chính quyền. Do đó, vào đêm mùng 4 tháng 8 năm Ất Dậu (11-9-1945), họ cho lệnh bao vây căn phòng số 8 góc đường Sohier-Miche để bắt cho kỳ được Đức Giáo Chủ. Nhưng Ngài vẫn thoát ra một cách dễ dàng, rồi di chuyển từ Gia Định đến Biên Hòa, Long Thành, vào tá túc tại khu vườn trà quế, sau rốt Ngài phải xuống tận Bà Rịa.
Trong tình cảnh ấy, Đức Thầy có viết 7 bài thi tứ cú, mang tựa đề là “Tiếng Súng Bên Lầu”:
Nước non tan vỡ bởi vì đâu ?
Riêng một ta mang nặng khối sầu.
Lòng những hiến thân mưu độc lập,
Nào hay tai họa áp bên lầu.
Bên lầu tiếng súng nổ vang tai,
Trời đất phụ chi kẻ trí tài.
Mưu quốc hóa ra người phản quốc,
Ngàn thu mối hận dễ nào phai.
Từ ấy lao mình vượt khổn nguy,
Băng rừng lội suối giả man di.
Ngày mong ải Bắc oan nầy giải,
Đem sức ra nâng lá quốc kỳ.
Nhưng khổ càng mong càng vắng bặt,
Trời Nam tràn ngập lũ Tây-di.
Biết bao đồng chí phơi xương máu,
Thức giả nhìn nhau hỏi tội gì ?
Vì tội không đành phụ nước non,
Phô bày tiết tháo tấm lòng son.
Ngăn phuờng sâu mọt lừa dân chúng,
Chẳng nệ thân danh nỗi mất còn.
Nếu mất thôi đành xong món nợ,
Nay còn há dễ ngó lơ sao ?
Dọc ngang chí cả dù lao-khổ,
Thất bại đâu làm dạ núng nao.
Thất bại đâu làm dạ núng nao,
Non sông bao phủ khí anh hào.
Phen nầy cũng quyết đền ơn nước,
Máu giặc nguyện đem nhuộm chiến bào.
(Miền Đông, năm 1946.)
Khoảng cuối năm Ất Dậu, quân Pháp chiếm đóng Việt Nam trở lại. Trần Văn Giàu tìm đường đào tẩu, Đức Giáo Chủ liền trở về Chợ Lớn, bắt đầu liên lạc với tín đồ và các chánh đảng để mưu cuộc cứu quốc. Mãi đến tháng 10 năm Bính Tuất (1946) Ngài nhận tham gia vào Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ với chức vụ “Ủy Viên Đặc Biệt”, nhưng chỉ được một thời gian rồi vì xảy ra cuộc xô xát giữa cán bộ Việt Minh và Đảng Viên Dân Xã nên Ngài phải rời miền Đông trở về miền Tây dàn xếp.
Thế là sáng ngày 6 tháng 4 năm 1947, Đức Giáo Chủ khởi hành vượt qua Đồng Tháp Mười, Cái Bèo; lúc 5 giờ chiều Ngài đến vàm Kinh Xáng Phong Mỹ, rồi thẳng đến văn phòng tại xã Phú Thành, thuộc tỉnh Long Xuyên (Kiến Phong ngày nay). Qua ngày 24 tháng 2 nhuần năm Đinh Hợi (15-4-1947) Đức Giáo Chủ đến diễn thuyết tại chợ Ba Răng (xã An Phong). Ngài kêu gọi mọi người hãy xóa bỏ tỵ hiềm, thiệt thi tinh hần đoàn kết dân tộc.
Sáng ngày 25 tháng 2 nhuần năm Đinh Hợi (16-4-1947), Ngài tiếp tục dàn xếp giữa đôi bên. Trưa lại Ngài được thư của Bửu Vinh mời hội nghị tại văn phòng của y, đặt nơi nhà ông Sư Huê trong ngọn Đốc Vàng hạ, xã Tân Phú, quận Thanh Bình ngày nay.
Trước khi đi, Đức Giáo Chủ có thốt rằng:“Ngày nay là ngày đồng bào đau khổ nhứt ! Ôi ! Sao mà khổ quá như vầy ? Nhịn thì đồng bào chết ít, bằng không nhịn phải chết nhiều”. Thế rồi, Ngài quyết định đi họp, mặc dù khi ấy có nhiều tín đồ đề nghị Ngài không nên đi ! (Ghe đi gồm có 9 người: Đức Thầy, thư ký Giữ, 4 phòng vệ và 3 người chèo).
Hai giờ chiều hôm đó, cuộc họp hòa giải suốt hai tiếng đồng hồ cũng không ổn, Ngài xuống ghe nghỉ đến 5 giờ chiều mới về. Khi ghe chèo ra tới vàm kinh Thầy Cai Cần, đường tắt về Phú Thành (Ba Răng), anh Huỳnh Hữu Thiện (tức Ký Giữ) chỉ tay bảo 3 người chèo về đường tắt cho gần, nhưng Đức Thầy không cho và nói:“Mình đi đại lộ thì về đại lộ, người ta có ý gì không tốt, để sau này lịch sử phê phán”.
Ghe đi một đoạn đường nữa, Đức Thầy kêu mọi người dưới ghe hỏi:“Bây giờ nếu thả các anh tại đây, có anh nào biết đường về Phú Thành không ?”
Anh Mười Tỷ, một trong bốn phòng vệ, đáp:
-Bạch Thầy ! Con biết.
Đức Thầy nói tiếp:“Có gì khó, cứ nhắm hướng sao Cày chạy riết thì tới chớ gì !”Nghe nói, ai cũng lo ngại và ghi nhớ lời dặn dò ấy.
Khoảng 7 giờ 30 tối, trời tối mịt, ghe chèo tới bến sông nhà ông Mười Đủ thì có lính gác rọi đèn kêu ghé lại, thư ký Huỳnh Hữu Thiện đứng lên trả lời:
-Ghe của Ủy Viên Đặc Biệt Hành Chánh Nam Bộ, đi họp với Ban Quân sự Tỉnh Long Xuyên về.
Trên bờ có tiếng đáp lại:
-Ghe của ai cũng phải ghé trình tờ giấy rồi mới được đi !
Anh Thiện lấy giấy bước lên bờ thì Bửu Vinh ra mặt hỏi:
-Có ông Ủy viên Đặc biệt dưới ghe không ?
-Có, anh Thiện trả lời.
-Vậy xin mời ông lên đây tiếp tục họp nữa.
Đức Thầy bước ra và đi thẳng lên bờ, anh Ký Thiện (Giữ) đi theo, Ngài không cho, bảo:“Để bốn phòng vệ theo thôi!”( Đoạn nầy theo lời anh Thiện, tức ký Giữ, thuật lại).
Tại đây (nhà ông Mười Đủ), Bửu Vinh đã bố trí: y đặt cây súng máy (FM) ngoài sân kiểng ghim họng ngay chỗ Đức Thầy ngồi. Ngài bước vào, bốn phòng vệ bước theo đứng bốn góc. Bửu Vinh mời Ngài ngồi ghế giữa ngó ra, y ngồi một bên, liền đó 8 người lính của y bước vào, cứ 2 người đứng cặp kè một phòng vệ.
Trong lúc luận cãi, Bửu Vinh dằn mạnh ly nước xuống bàn rồi ngã ngửa ra, tức thì loạt súng máy nổ ngay Đức Thầy. Ngài lẹ tay quạt tắt cây đèn, nhờ đó anh Mười Tỷ hụp xuống, 2 người lính của Vinh đâm lầm nhau, ba phòng vệ kia đều bị đâm chết hết. Anh Tỷ thoát ra chạy nhào xuống rạch, rủi quai súng mắc vào nọc cầu, trên bờ súng bắn vãi theo, anh Tỷ núp dưới cầu, quay họng súng lại bóp cò nổ hết băng đạn (mi-trây-dết) rồi lội qua rạch chạy về. Còn anh ký Giữ và ba người chèo (1. Ông Phùng văn Khả, 2. Ông Quắn và 3. Ông Dùng. Ông Khả hiện giờ 64 tuổi thuật rõ điều nầy) nghe tiếng súng nổ, biết việc không yên, đã lội qua rạch và y theo lời Đức Thầy dặn, tất cả đều nhắm hướng sao Cày chạy về Phú Thành trước.
Sau mấy phút, tiếng súng vừa dứt, Bửu Vinh kêu chủ nhà đốt dùm cây đèn khác đem ra. Anh Khâm (con ông Mười Đủ) bưng cây đèn ra, thấy Đức Thầy xách cái ghế Ngài ngồi lúc nãy đang nằm cạnh bàn thờ Cửu Huyền, đem đặt lại chỗ cũ rồi Ngài ngồi xuống. (Cha con ông Mười Đủ là chủ nhà, đã thấy đích xác việc xảy ra và kể lại).
Lúc ấy Bửu Vinh đinh ninh Đức Thầy đã chết theo loạt súng máy, không ngờ cái bàn và vách nhà thì lủng mà Ngài vẫn tự nhiên, Vinh cuống quít tìm lời chối cãi âm mưu thâm độc của mình nên nói lớn:
-Người ta ám sát cả tôi và ông, nhưng may quá, chúng ta không sao hết.
Kế đó, một toán lính xông vào vác 4 xác chết đem ra. Đoạn rồi Bửu Vinh mời Đức Thầy trở vào văn phòng của y (nhà ông Sư Huê, cách đó khoảng 4 cây số), có lính theo bảo vệ chung quanh.
Sau cuộc biến cố, tiếng mõ và tù-và nổi lên báo động khắp làng xóm, lính Bảo An Dân Xã và Tín Đồ kéo theo Đức Thầy rất đông. Đi một lát, Ngài quay lại nói lớn:“Bà con về đi, đi !” Đi ít phút, Ngài cũng quay lại và nói câu đó, luôn ba lần như vậy.
Lúc ấy có ông Năm Tạo, là Hội Trưởng đương nhiệm của Đạo trong xã Tân Phú và một số Tín Đồ hiểu ý Ngài, liền trở lại dọn đồ xuống ghe chèo về Hòa Hảo nên được sống; còn số nào ở trễ lại vài ngày sau đều bị Việt Minh bắt giết. (Đoạn nầy theo lời ông Tạo, Hội Trưởng Xã lúc đó).
Khi vào văn phòng, Đức Thầy bảo Bửu Vinh:“Kêu giùm tôi ít người đảng viên Dân Xã”. Vinh kêu luôn ba lần thì có 3 anh: Lăng, Thôi và Mùi bước vô. Đức Thầy hỏi:“Ba người là ai ?”
Ba người xưng tên và nói:“Chúng tôi là tín đồ của Ngài”.
Đức Thầy liền bảo:“Hãy nhìn Thầy cho kỹ ! Không ai giết Thầy được hết nhen ! Giờ đây tôi nhờ 2
anh: Lăng và Thôi, hãy mang cái thơ nầy về Phú Thành, trao cho ông Trần văn Soái và ông Nguyễn Giác Ngộ”.
Hai anh lãnh thơ bước ra đường suy nghĩ “nếu mình đi theo đường mòn, chắc bị họ theo giết, vậy phải đi tắt mới xong”. Hai anh ra mé vườn định thần nhìn về hướng Phú Thành, thấy có ngôi sao sáng tỏ chớp chớp gần đọt cây, rồi nhắm đó làm chuẩn mà chạy tắt trên đất cày. (Đoạn nầy theo lời anh Lăng kể lại cho anh sáu Trọng nghe, anh Trọng kể lại với tôi. Tháng 10 năm ấy anh Lăng bị cảm gió rồi mất).
Bởi Đức Giáo Chủ quá thương xót đồng bào nhân loại, lúc nào cũng muốn đôi bên thôi xô xát lẫn nhau, nên sau khi hòa giải không được, Ngài mới chọn cách vắng mặt trong sào huyệt của đối phương và còn ra lệnh “án binh bất động”, để vừa làm cho tín đồ ít chết và vừa khiến cho đối phương yên tâm, bớt gây nghiệp sát hại người tu.
Đây là nguyên văn bức thơ của Ngài viết:
“Ông TRẦN-VĂN-SOÁI
và Ông NGUYỄN-GIÁC-NGỘ !
“Tôi vừa hội hiệp với ông Bửu Vinh bỗng có sự biến cố xảy ra, tôi và ông Vinh suýt chết, chưa rõ nguyên nhân còn điều tra ; trong mấy anh em phòng vệ không biết chết hay chạy đi, nếu có ai chạy về báo cáo rằng tôi bị bắt hay mưu sát thì các ông đừng tin và đừng náođộng.“Cấm chỉ đồn đãi, cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu, hãy đóng quân y tại chỗ.
“Sáng ngày tôi sẽ cùng ông Bửu Vinh điều tra kỹ lưỡng rồi về sau.
“Phải triệt để tuân lịnh !.
Ngày 16-4-47 : 9 giờ 15 đêm
Ký tên : S.
Đức Giáo Chủ ở tại vị trí này một đêm, 5 giờ sáng Bửu Vinh đưa Ngài ra rạch Cái Nga rồi họ đem Ngài luôn xuống xã Phong Mỹ, Quận Cao Lãnh, Tỉnh Sa Đéc, cách Tân Phú bảy tám cây số. Đến đây, họ để Ngài ở trong nhà lầu của ông Cưu, sát lộ mới, phía dưới cầu rạch Cái Bí. (Đoạn nầy thuật theo lời thân tộc ông Cưu, là do chính ông Cưu kể lại) Sau đó hai hôm (27-28), bỗng nhiên Đức Thầy đâu mất. Theo chủ nhà và đồng bào ở đây kể lại: Hôm ấy đội lính chận hết ghe xuồng lại, họ dỡ ván từng khoang ghe, xem xét và lục soát các nhà lân cận, tìm kiếm tở mở.
Có người hỏi các anh lính:“Chuyện gì vậy?” Họ trả lời:“Việc quan trọng lắm! Mấy ông không nên hỏi!”
Chính từ giờ phút ấy, Đức Giáo Chủ PGHH vắng mặt và ẩn dạng cho đến ngày hôm nay.
IV.-SỰ NGHIỆP TÔN GIÁO VÀ GIÁO LÝ :
Vì nặng một hoài bão lớn lao nhằm dẫn dắt nhân sanh đi tầm Chơn Lý, cho nên dù Đức Giáo Chủ khai Đạo trong thời gian bị sự kềm kẹp gắt gao của thực dân Pháp nhưng Ngài vẫn không sờn lòng trước bao nghịch cảnh đầy gió hãi mưa kinh. Như Ngài đã thốt:
“Dù gian lao dạ sắt chẳng sờn,
Miễn sanh chúng thông đường giải thoát.
Cơn giông tố mịt mù bụi cát,
Chẳng nao lòng của đấng Từ Bi”.
(Bài Sa Đéc)
Ngài thuyết pháp khuyên tu không ngừng nghỉ và cho in những Sấm Kinh của Ngài đã sáng tác, hoặc các tín đồ chép tay ra để truyền bá khắp nơi, nhứt là Ngài tổ chức Ban Trị sự PGHH trên toàn quốc. Từ xã, quận đến trung ương, hoàn thành vào khoảng tháng 5 năm Ất Dậu (1945) chính Ngài giữ trách nhiệm Chánh Hội Trưởng trung ương. Ngoài ra, Ngài còn nhận xét chung về đạo Phật nước nhà đang lâm vào tình trạng “Riêng Pháp bảo riêng chùa riêng Phật” nên Ngài đứng ra thành lập Việt Nam Phật Giáo Liên Hiệp Hội. Ngài kêu gọi các tông phái Đạo Phật, các nhà sư, các Phật tử, tín đồ và các nhà trí thức có xu hướng về đạo Phật hãy đoàn kết lẫn nhau trong tinh thần hòa ái, để:
– Tìm cách nâng cao tinh thần Đạo Phật.
– Tìm những phương tiện cứu giúp kẻ nguy nàn do thời cuộc gây ra.
– Giúp đỡ lẫn nhau trong việc quan, hôn, tang, tế.
– Bênh vực lẫn nhau trong sự tín ngưỡng tự do.
Trong chương trình tổ chức hệ thống, Ngài còn ấn định:“Khi Ban Trị Sự cử xong, phải khẩn cấp lập thêm ba ban:
I.- Ban Nghiên Cứu Đạo Phật.
II.- Ban Huấn Luyện và Truyền Bá Đạo Phật.
III.- Ban Chẩn tế, lo tìm phương giúp đỡ kẻ khốn cùng”.
Đặc biệt là sự cứu đói miền Bắc năm 1945, một đóng góp lớn lao của PGHH, thể hiện đức vị tha bác ái.
Về giáo lý thì tất cả Sấm Kinh của Đức Giáo Chủ sáng tác đều được tín đồ sưu tập trong bộ SẤM GIẢNG THI VĂN mà Ngài thường khuyến dạy tín đồ:
“Từ Sấm Kinhcho đến thi thơ,
Trong chốn ấy nhiều nơi trọng yếu”.
(Giác Mê Tâm Kệ)
Và: “Ta yêu chúng viết ra giảng kệ,
Khuyên tăng đồ cùng các tín đồ.
Nghe cạn lời chớ có mờ hồ,
Tìm hiểu nghĩa làm theo đắc đạo”.
(Giác Mê Tâm Kệ)
Hoặc là:
“Giảng kinh đọc tụng chiều mai,
Làm theo lời chỉ ngày rày gặp ta”.
(Bài Dặn Dò Bổn Đạo)
Ngài luôn dặn dò hầu hết tín đồ:
“Lòng trẻ thảo biết đoàn biết kết,
Phí xác phàm mê mệt đâu nài.
Băng rừng dẹp phá gốc gai,
Đưa người lương thiện đến ngay Niết Bàn”.
(Bài Thu Đã Cuối)
Ngoài ra, còn phần thuyết pháp ứng khẩu của Ngài suốt thời gian 8 năm truyền Đạo, thì có vô số đề tài và lời lẽ, nhưng rất tiếc là không ai ghi chép được đầy đủ, mỗi người chỉ nhớ một ít rồi kể lại cho người khác nghe. Trong các lời lẽ ấy, chuyện nào có chứng cứ xác thực trong các tín đồ sưu tầm lại được viết thành hai bộ sách “CHUYỆN BÊN THẦY và LUẬN NGỮ PGHH”.
V.- SỰ NGHIỆP CỨU QUỐC :
Đức Giáo Chủ không thể lặng nhìn trước cảnh quốc phá gia vong:
Yêu nước bao đành trơ mắt ngó,
Thương đời chưa vội ẩn non cao”.
(Bài Yêu Nước)
Và Ngài cũng quan niệm rằng:“Hễ nước mất thì cơ sở của Đạo phải bị lấp vùi; nước còn thì nền Đạo phát khai rực rỡ…” và:“Có chấn chỉnh Quốc gia, có làm cho nước nhà được cường thịnh thì Đạo Phật mới được khuếch trương tự do hầu gieo rắc tư tưởng thiện hòa và tinh thần từ bi bác ái khắp bàng nhân bá tánh”(bài Hiệu Triệu).
Cho nên Ngài quả quyết lên đường cứu quốc:
“Rứt áo cà sa khoác chiến bào”
(Quyết Rứt Cà Sa)
Hoặc là:
“Tăng sĩ quyết chùa am bế cửa,
Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha”.
(Tặng Thi Sĩ Việt Châu)
Song, sự cứu quốc của Ngài khác hơn nguời thường là khi lấy lại được nền độc lập tự do cho nước nhà, thì Ngài trở về vị trí của một nhà tu, chớ không bám vào lợi danh huyền ảo:
“Đền xong nợ nước thù nhà,
Thiền môn trở gót Phật Đà Nam Mô”.
(Tặng Thi Sĩ Việt Châu)
Sau cuộc đảo chánh Pháp (9-3-1945), những nhà lãnh tụ các đảng phái ở Sài Gòn vô cùng lạc quan, hô hào nước nhà đã được thống nhất và độc lập. Nhưng riêng Đức Huỳnh Giáo Chủ đã đoán biết không thể nào độc lập một cách dễ dàng như thế được nên Ngài thành lập ngay Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội.
Trong bài Hiệu Triệu, Ngài kêu gọi đồng bào các giới hãy tích cực đoàn kết để chung lo cứu nguy dân nước. Quả nhiên, thời cuộc đi đúng lời tiên đoán của Ngài, lúc bấy giờ ai cũng nể phục.
Kế tiếp là Ngài thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất (14-8-1945), rồi Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp. Chính Ngài lãnh trách nhiệm Chủ Tịch Mặt Trận nầy và dùng biệt danh là Hoàng Anh, nhưng tình thế cứ mãi xáo trộn bởi một số người không thật tâm cứu quốc gây ra.
Đến ngày 21-9-1946, Ngài thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng. Ngài vạch rõ chương trình, đường lối nhằm mục đích xây dựng đất nước và nhân loại được sống trong một xã hội công bằng đạo đức, tự do dân chủ và tiến đến nhân loại đại đồng:
“Đem nguồn sống mới cho nhân loại,
“ Để tiến tiến lên cõi Đại Đồng”.
Và: “Dựng cuộc hòa minh khắp Đại Đồng”.
Đảng nầy ngoài số Tín Đồ PGHH còn có rất nhiều nhà Cách Mạng chân chánh hưởng ứng.
Sau rốt, Ngài muốn nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc và thống nhất lãnh thổ quốc gia, nên vào khoảng tháng 10 năm 1946, Ngài nhận tham gia vào Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ với chức vụ Ủy viên Đặc Biệt.
Lúc đó Ngài có lời tuyên bố trước báo chí như sau:
“…Hôm nay, nhận rõ cuộc đấu tranh cho Tổ Quốc còn dài và cần nhiều nỗ lực, hưởng ứng với tiếng gọi đại đoàn kết của Chánh phủ Trung Ương, tôi quyết định tham gia hành chánh với những mục đích nầy:
1- Để tỏ cho quốc dân và chánh phủ thấy rằng chúng tôi chủ trương thống nhất lãnh thổ và độc lập quốc gia.
2- Để biểu dương tinh thần đoàn kết của dân tộc hầu mau đem thắng lợi cuối cùng.
3- Để tỏ cho các đảng phái thấy rằng chúng tôi không khi nào có những tham vọng cao sang vương bá hay vì hiềm riêng mà hờ hững với phận sự cứu quốc.
Biểu lộ tấm lòng thành thật ấy, tôi chỉ nhận một nhiệm vụ cần thiết, hạp với hoàn cảnh và năng lực mình, cố gắng giàn xếp về hành chánh và quân sự để củng cố và tăng cường lực lượng của quốc gia.
Đối với toàn thể tín đồ PGHH, tôi vẫn không quên rằng tôi là một đệ tử trung thành của Đức Phật Thích Ca, tôi tin chắc rằng giáo lý giải thoát chúng sanh chẳng những được truyền bá ở thiền lâm mà còn phải thực hiện trên trường chánh trị.
Đối với các đồng chí hiện đang cùng tôi đeo đuổi một chương trình “Dân Chủ Xã Hội”, tôi tuyên bố luôn luôn sát cánh với họ để chung lo gầy dựng một nước Việt Nam công bình và nhơn đạo, một nước Việt Nam tương xứng với các nước dân chủ tiền tiến trên hoàn cầu”.
Ngài đảm trách vai trò đó cho đến cuộc biến cố tại Đốc Vàng, tức đêm 25 tháng 2 nhuần năm Đinh Hợi (16-4-1947).
Tóm lại, trong thời gian 8 năm, từ ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939) đến ngày 25 tháng 2 nhuần Năm Đinh Hợi (16-4-1947) bước lưu hành của Đức Giáo Chủ PGHH đến đâu và ở đâu Ngài cũng:
“Quyết cứu đời dùng Đạo phổ thông”.
Và:
“Dìu nhân sanh khỏi chốn mê lầm,
Bờ giác ngạn kiên tâm lần bước tới”.
Cho nên:
“Dù cho phải chịu ngàn cay đắng,
Cũng nguyện Đạo mầu sẽ chấn hưng”.
|