LUẬN VỀ TAM NGHIỆP
CHÁNH VĂN
Sanh ra ở đời, con người dầu muốn hay không, cũng phải chịu sự chi phối của định-luật thiên-nhiên. Định-luật ấy gồm vào một chữ Đạo. Đạo của con người kêu bằng “Đạo Nhân”, và nó là một con đường, đi trúng thì sống, bước trật tất chết.
Muốn làm tròn Nhân Đạo, phải giữ vẹn Tứ Ân. Nhưng trước hết hãy tránh Tam Nghiệp và chừa Thập Ác, cũng như muốn làm giàu phải tránh đừng thiếu nợ.
Mỗi người đều có ba nghiệp chướng sau đây:
– Thân-nghiệp:( tội lỗi do xác thân gây nên);
– Khẩu-nghiệp: (tội lỗi do miệng lưỡi gây nên);
– Ý-nghiệp: (tội lỗi do ý tưởng gây nên).
Ba nghiệp chướng ấy khiến con người phạm mười điều ác kể ra dưới đây:
– Thân-nghiệp sanh 3 điều ác :
1) Sát-sanh,
2) Đạo-tặc,
3) Tà-dâm.
– Khẩu-nghiệp sanh 4 điều ác:
1) Lưỡng-thiệt,
2) Ỷ-ngôn,
3) Ác-khẩu,
4) Vọng-ngữ.
– Ý-nghiệp sanh 3 điều ác:
1) Tham-lam,
2) Sân-nộ,
3) Mê-si.
(SGTVTB 2004, tr. 186)
LƯỢC GIẢI :
Mỗi chúng sanh trong trần, ai ai cũng phải đi theo định nghiệp của Nhân và Quả. Định nghiệp ấy cũng gọi là Đạo, tức là do thân tâm của mình tự tạo rồi hưởng lấy. Cho nên cũng gọi nó là con đường, nếu làm lành, tức đi trúng thì sống, bằng tạo hung dữ, tức là đi trật ắt chết.
Vậy ai muốn cho mình được trọn lành để sống thì đồng thời với đáp tứ ân, cần phải trừ ba nghiệp chướng và tránh 10 điều ác.
CHÚ THÍCH :
CHI PHỐI: Cầm giữ sai khiến, chỉ huy, điều khiển.
ĐỊNH LUẬT: Luật lệ đã định sẵn không sai chạy. Đây chỉ cho định luật nhân quả.
THIÊN NHIÊN: Tự nhiên, phải như vậy. Cũng chỉ cho luật tạo hóa hay luật nhân quả.
ĐẠO: Chữ Đạo có ba nghĩa.
1/-Đạo là con đường của tâm hồn: Có nghĩa ai tạo nghiệp nào, khi thác sanh về cảnh giới ấy. Đức Thầy bảo:
“Địa ngục cũng tại tâm làm quấy,
Về thiên đàng tâm ấy tạo ra.
Cái chữ tâm mà quỉ hay ma,
Tiên hay Phật cũng là tại nó”.
2/-Đạo là bổn phận: Có nghĩa: người ở vào địa vị nào thì sử dụng đúng theo phận sự nấy, như: Đạo vua tôi, thầy trò, cha con, chồng vợ, huynh đệ và bè bạn. Đó là về phần “tu Nhân” xử thế. Còn phần nội tâm “tu Phật” Đức Thầy có dạy:“Cái Đạo của mình đối với nhân loại, của mình đối với trời Phật, của mình đối với mình.”
3/-Đạo là bản thể tuyệt đối: Tức là cái chơn tâm diệu minh của mỗi người, tạm chia làm 3 phần: TƯỚNG, DỤNG và THỂ:
-Với cặp mắt thường nhân ta nhìn vào cái Đạo thấy có vị trí chùa am, kinh văn giáo điển; nhưng thật thể của nó là chẳng có hình tướng, sắc màu hay ngữ ngôn đối đãi, nên gọi có mà không là TƯỚNG của ĐẠO.
-ĐẠO vốn không có hình tướng sắc màu hay văn từ ngôn ngữ, nhưng vì có nhiệm vụ cứu độ chúng sanh nên phải vào đời áp dụng mọi phương tiện tổ chức và Kinh pháp để giáo hóa nhân sanh; nên gọi không mà có là DỤNG của ĐẠO.
-ĐẠO tuy không có hình tướng sắc màu hay văn từ ngôn ngữ và cũng chẳng có tên chi gọi được:(Đạo khả Đạo phi thường Đạo, Danh khả Danh phi thường Danh). Nhưng trong cái không nầy nó hàm chứa cái mầu nhiệm sáng suốt vô cùng tận, chẳng thể nghĩ lường được, cho nên gọi Không mà chẳng Không là THỂ cuả ĐẠO.
Do đó, hễ nói tới Đạo tức nói tới tâm.“Đạo không rời bản tâm”.
“Đạo tại tâm, tâm Đạo tích tùng,
Tùng tâm Đạo mới là Phật Đạo”.
(Giảng Xưa)
ĐẠO NHÂN: Cũng gọi là Nhân Đạo. Có nghĩa Đạo làm người, bổn phận làm người. Đức Thầy khuyên:“Rán tu nhân Đạo cho tròn mới hay”.
ĐI TRÚNG THÌ SỐNG, BƯỚC TRẬT TẤT CHẾT: Câu nầy có nghĩa ai thi hành đúng theo con đường nhân đạo của Đức Thầy đã vạch, tuy xác thân cũng chết, nhưng linh hồn được siêu thoát và danh tốt được muôn đời nhắc nhở, nên gọi là sống. Bằng hành sai con đường Đạo thì xác thể chết, linh hồn bị đọa lạc trầm luân và tiếng xấu lưu mãi tới đời sau. Ấy gọi là chết.
NGHIỆP CHƯỚNG: Nghiệp là việc làm, là nguyên nhân gây tạo; chướng là quả, là ngăn che trở ngại. Kinh Phật giải nghiệp chướng có ba món: – Phiền não chướng, Nhân chướng và Báo chướng. Đức Thầy giải là: Thân nghiệp, Khẩu nghiệp và Ý nghiệp.
Do ba nghiệp chướng ấy, gây tạo 10 điều ác rồi bị quả báo trả lại làm chướng ngại con đường giải thoát của mình:“Nghiệp chướng lăng loàn hại xác thân”.( ĐT)
1.- ÁC SÁT SANH
CHÁNH VĂN
SÁT SANH.- Con người mới sanh ra ở đời đều có tánh hiền lành cả. Song đến lúc lớn khôn vì phải sống chung chạ với thế giới người hung tàn bạo ngược, tánh nết liền ô nhiễm những sự xấu xa hèn kém, trở nên độc ác dữ dằn.
Loài người giết nhau vì tiền bạc, vì sắc đẹp, vì lợi danh, vì quyền thế, vì thù hềm, vì háo thắng … nghĩa là họ giết nhau vì sự ích lợi của một người, của một nhóm người, của một đẳng cấp xã-hội, của một quốc-gia; họ muốn tiêu-diệt tất cả nhân loại, không một ai có quyền sống sanh cùng họ cả.
Tại trào nội, sự mà vua coi bầy tôi như cỏ rác, bầy tôi sánh vua như thể địch thù đã làm nguyên nhân cho biết bao cuộc tương tàn tương sát. Ngoài lê thứ thì con giết mẹ cha, tớ hại chủ, trò giết thầy, chồng vợ giết nhau, đệ huynh xâu xé. Những cuộc tương tàn rất thường xảy ra trong nhân loại không ngoài các lý do đã kể trên. Đó là người đối với người.
Người đối với thú cầm sanh vật còn tàn nhẫn gấp mấy nữa: họ giết thú vật vì miếng ăn, vì sự dị đoan mê tín, vì sự vui thích. Đành rằng mình không thể dứt tuyệt giết các sanh vật (gà, vịt, heo) để nuôi thân sống, nhưng chẳng khá dựa vào lý “vật dưỡng nhơn” (thú vật sanh ra đặng nuôi con người) mà giết nó một cách quá đáng. Chỉ cần dùng nó vừa đúng theo sự nhu cầu cần thiết của các món thực phẩm mình thôi mà không nên hoang phí hy-sinh nó, nếu sự hy-sinh ấy không ích lợi cho mình lắm. Nhứt là chẳng khá giết các thú vật trong khi tế-lễ. Người ta tưởng rằng khi mình phạm tội với Thánh, Thần, Trời Đất có thể sát sanh hại vật cúng tế cầu cho tội-quả tiêu trừ. Sự tin tưởng ấy rất sai lầm, huyễn-hoặc, vì đứng vào bực siêu hình cao cả như chư-vị Thánh Thần, có lý nào vì một tình riêng làm sai chạy lẽ công. Khi gặp tai nạn bất ngờ hay rủi ro đau ốm, con người không chịu thuốc thang, khẩn vái Phật Trời cầu cho tai qua nạn khỏi, lại giết các thú vật tế Thần cúng Thánh, kêu cốt, kêu đồng. Họ không chịu tìm nguyên-nhân các sự họa-hoạn, không chịu tìm hiểu rằng những tai biến xảy ra đều do căn tiền báo quả hậu, và không chịu ăn năn chừa lỗi, tạo tác phước điền. Trong khi giết các thú vật đặng tế lễ, họ đã phạm thêm một tội ác lúc họ chưa đền các tội ác trước được.
Chẳng những vậy thôi, họ còn giết các thú vật vì sự vui thích của mình; kẻ bắn chim đang bay trên trời, người chặt cá đang lội dưới nước. Họ bắt thú-vật làm tấm bia cho họ nhắm trong những khi cao hứng, quên hẳn rằng sanh vật cũng có linh hồn, cũng có thân xác, cũng biết tìm lẽ sống còn như nhân-loại vậy.
Thế nên, hãy tha thứ cho chúng, hãy dung dưỡng chúng và nhứt là đối với các gia-súc: trâu, bò, ngựa, chó, mèo … chẳng khá sát-hại, vì chúng đã giúp ích cho ta trong các việc sanh hoạt hằng ngày. Tóm lại, không có sự sát sanh vô cớ nào có thể tha thứ được và trong những ngày chay lạt hãy cử hẳn.
(SGTVTB2004, tr.187-188)
LƯỢC GIẢI :
1- ĐỊNH NGHĨA:
Sát sanh là giết hại mạng sống của loài hữu tình. Kể cả loài người và các sanh vật.
2.- NGUYÊN NHÂN SANH HUNG ÁC :
Vì sống chung với người hung dữ ở chung quanh, rồi ô nhiễm những điều xấu xa, con người trở nên độc ác. Đức Thầy đã bảo:
“Sách Thánh Đạo ghi trong Tam Tự,
Người mới sanh tánh thiện trời dành.
Bởi lớn lên tập nhiễm lợi danh,
Nên tật xấu che mờ thiện tánh”.
3.- LÝ DO NGƯỜI GIẾT NGƯỜI :
a) Vì muốn đạt được danh, lợi, tình hay vì thù hềm, hoặc háo thắng.
b) Vì mưu cầu lợi ích riêng cho mình, cho phe nhóm, quốc gia mình mà sanh tâm sát hại kẻ khác, nước khác.
4.- CẢNH TRẠNG :
a) Nhân loại khắp thế giới: dân tộc nước nầy đánh giết dân tộc nước khác.
b) Trong trào nội: Vua tôi, quan lính giết nhau.
c) Ngoài lê thứ: Thầy trò, chủ tớ, cha con, chồng vợ, anh em, bè bạn cùng xâu xé, giết hại lẫn nhau.
Đức Thầy đã diễn tả cảnh trạng ấy:
“Viết đến đây động lòng rào rạt,
Gẫm nhiều người bội bạc thâm ân.
Nào kể chi là Đạo Quân thần,
Tôi giết chúa, con đành sát phụ.
Lúc nguy cơ tớ mong hại chủ,
Trò giết thầy, tội ấy đáng không ?
Thêm chồng giết vợ, vợ giết chồng,
Niềm huynh đệ cùng nhau xâu xé.
Cũng hiếm lúc con còn giết mẹ,
Giành của tiền cốt nhục giết nhau.
Tranh lợi danh giết lẫn đồng bào,
Tình nhân loại phân chia yểm bách.”
5.- LÝ DO NGƯỜI GIẾT VẬT :
a) Vì muốn ăn ngon (thỏa thích khẩu dục).
b) Vì sự mê tín và cúng tế ông bà.
c) Vì sự vui thích, ỷ mạnh hiếp yếu mà sát hại các sanh vật.
6.- TÁC HẠI :
a) Người tạo nghiệp sát hại thì kiếp nầy hoặc kiếp khác thường bị thân hình xấu xí, bệnh tật, chết yểu.( Xưa có đứa bé bắn một con chim mà phải ba kiếp chết yểu. Còn 3 người lái buôn vui vẻ ca ngợi tài bắn của đứa bé mà phải làm cha để chịu khổ cùng đứa bé.)
b) Luôn gặp nạn chiến tranh binh lửa.(Dân chúng thôn Chi Việt bắt tôm cá dưới hồ Đa Ngư ăn thịt, sau tiến lên là dân chúng dòng họ Thích. Còn loài thủy tộc dưới hồ Đa Ngư, sau tiến lên là vua Lưu Ly, Háo Khổ và binh lính của Lưu Ly, sau cùng kéo quân đến tiêu diệt dòng họ Thích để thanh toán món nợ từ trước.)
c) Nghiệp báo lưu truyền nhiều đời nhiều kiếp.
7.- GIẢI TRỪ:
Để giải trừ ác sát sanh, ta nên thi hành các phương cách như sau:
a) Phát sanh lòng từ bi bình đẳng, tin luật nhân quả rất nghiêm minh. Đối với nhân loại thì “Chớ sát hại mạng người như thế” và: “Nếu thiệt người thì biết thương người”( ĐT) .
b) Đối với sanh vật chẳng khá dựa vào lý “vật dưỡng nhơn” mà phải xét rằng sanh vật cũng có linh hồn, thân xác, tham sống, sợ chết như ta. Nên không giết chúng vô cớ mà phải hạn chế thức ăn vừa đủ nhu cầu, nếu trường chay được càng tốt.
c) Không vì mê tín dị đoan, hoặc cúng tế ông bà hay vì sự vui thích mà giết vật. Đức Thầy hằng khuyên dạy:
“Bớt giết vật đặng mà cúng tế,
Gẫm Thánh Thần đâu có tư riêng.
Rủi ốm đau bởi tại căn tiền,
Hoặc hiện kiếp làm điều bạo ác.
Phải ăn năn phước điền tạo tác,
Lo thuốc thang khẩn vái Phật Trời.
Nguyện sửa lòng ắt Phật giúp đời,
Xuống phước rộng Từ Bi Hỉ Xả.
Đấng Thần minh công bình trực dạ,
Đâu ăn lo đổi họa làm may.
Mở tâm linh nghĩ đến đoạn nầy,
Điều họa phước ấy cơ báo ứng”.
8.- LỢI ÍCH :
a)- Ai chừa được ác sát sanh thì thân hình đẹp đẽ, ít bệnh tật, sống lâu và thoát khỏi luân hồi quả báo. Cửu Huyền Thất Tổ bớt tội, mau siêu thăng. (Xưa, có lần Phật dắt A Nan đi đến mé biển. Thấy có đám ngạ quỉ vừa đi, vừa bị lửa đốt than khóc thảm thiết, A Nan bạch hỏi lý do, Phật đáp: “Vì con cháu của họ chẳng những không tu nhơn tích đức, lại còn sát sanh hại vật cúng tế theo lối dị đoan, nên họ bị nghiệp quả bức bách mà than khóc như vậy”. Đi một đỗi nữa lại gặp một số ngạ quỉ khác, vừa đi vừa ca hát vui mừng. A Nan cũng bạch Phật hỏi lý do, Phật đáp: “Sở dĩ số ngạ quỉ nầy vui mừng là vì con cháu của họ trên dương thế biết lo tu hành, trường chay giới sát, làm phước phóng sanh hồi hướng phước đức cho họ, nên họ sắp được vãng sanh mà vui mừng như vậy”).
b)- Lòng từ bi bình đẳng ngày càng vươn lớn và sớm trổ quả Bồ đề. (Phật kể tiếp, tiền thân Ngài xa xưa có lần bị đọa làm thân quỉ sứ. Ngài cùng quỉ sứ bạn đẩy xe cho quỉ sứ chúa đi. Quỉ sứ bạn làm xe nghiêng, quỉ sứ chúa nghiềm xà mâu đâm quỉ sứ bạn. Quỉ sứ tiền thân Phật động lòng nhơn can gián. Quỉ sứ chúa liền trở xà mâu đâm quỉ sứ tiền thân Phật chết tốt…Nhờ đó mà Ngài thoát được kiếp quỉ sứ. Nhờ hạt giống từ bi ấy mà nhiều kiếp về sau Ngài đạt thành đạo quả Bồ đề).
9) KẾT LUẬN :
Đại lược, Ác Sát Sanh là đứng đầu trong thập ác. Nó cũng chính là hạt giống trong cảnh luân hồi sanh tử. Hành giả có diệt trừ được nó thì đạo quả sớm được trọn lành, lòng từ bi, bình đẳng phát sanh, để tiến đến ngôi chánh đẳng chánh giác.
CHÚ THÍCH :
BẠO NGƯỢC: Hung dữ ngang ngược.
Ô NHIỄM: Cũng gọi là nhiễm ô. Có nghĩa đắm nhiễm theo việc nhơ xấu đen tối.
LỢI DANH: Tài lợi và danh vị (hai điều trong lục dục của Đạo Nho: danh, lợi, sắc, ích kỷ, hư vọng, tật đố; lục dục thường đi kèm thất tình: Hỷ/mừng, nộ/giận, ai/đau đớn, cụ/sợ sệt, ái/yêu, ố/ghét, dục/ham muốn – PHTĐ Đoàn Trung Còn). Con người vì tham danh lợi, mãi mãi đắm chìm trong biển khổ sanh tử. Đức Thầy hằng khuyên:
“Xin đừng đeo đắm lợi danh,
Bỏ trôi Đạo đức hư danh dạy truyền”.
THÙ HỀM: Chứa mối thù trong lòng hầu làm cho lợi gan:“Cứ lo tranh đoạt thù hềm với nhau”( ĐT).
HÁO THẮNG: Thích tranh đua, muốn ra mặt hơn người, không khiêm nhượng:
“Bị háo thắng việc người không thấy,
Rồi mảng lo gièm siểm nhiều lời”( ĐT).
TƯƠNG TÀN TƯƠNG SÁT: Giết hại lẫn nhau. Giữa thân bằng, đồng bào, cốt nhục giết chóc lẫn nhau.
CẦM THÚ: Thú là gồm các loài thú sống trên mặt đất. Cầm là các loài chim. Chỉ chung cho các giới súc sanh.
DỊ ĐOAN: Dị là lạ; Đoan là manh mối. Chỉ cho các tà đạo hay bày ra những điều mị dối lạ lùng để gạt gẫm người đời (Chuyện Vô Não bị Thầy Bà La Môn gạt gẫm…). Đức Thầy khuyên:
“Bỏ dị đoan mới thấy Đạo mầu,
Bớt giả dối gặp người thượng cổ”.
MÊ TÍN: Sự tin tưởng mù quáng, nhắm mắt tin càn, không suy xét cẩn thận.
HOANG PHÍ: Xài lãng phí, dùng quá nhiều, quá dư, không đúng nhu cầu cần thiết.
TỘI QUẢ: Gây nhân tội lỗi rồi bị quả báo.
HUYỄN HOẶC: Lừa dối để gạt người dễ lầm.
SIÊU HÌNH: Phần chơn linh, không có hình tướng.
THÁNH: Là bậc sáng suốt, tài năng, đạo đức hơn người và hay giúp đời nên sau khi từ trần được người đời tôn kính là Thánh.
THẦN: Là các vị trung quân ái quốc, nhân nghĩa công bằng, nên khi quá vãng được mọi người xưng tụng là Thần:
“Dầu không siêu cũng đặng về Thần,
Nhờ hai chữ trung quân ái quốc” ĐT) .
NGUYÊN NHÂN: Cái cớ, cái gốc đầu tiên, do đó mà sanh ra một kết quả gì.
HỌA HOẠN: Tai nạn, sự rủi ro.
CĂN TIỀN: Gốc trước:
“Rủi ốm đau bởi tại căn tiền”( ĐT)
ĂN NĂN: Nghĩa của chữ “Sám hối”, tức là ăn năn lỗi trước, chừa bỏ lỗi sau (Sám kỳ tiền khiên, Hối kỳ hậu quá). Đức Thầy thường dạy:
“Chữ tự hối nào ai có lạ,
Là ăn năn cải sửa tâm lành”.
PHƯỚC ĐIỀN: Ruộng phước. Ý chỉ sự tu phước, như: bố thí, giúp đời, làm các việc từ thiện…Bởi các việc ấy có năng lực tăng trưởng phước đức cho nhà tu. Ví như nhà nông gieo lúa xuống ruộng tốt, đến mùa thu hoạch lúa được nhiều. Phật dạy có ba miếng ruộng tốt nhất:
1) ÂN ĐIỀN, cũng gọi là “Báo ân phước điền”, có nghĩa đáp ơn rộng lớn của Tổ Tiên cha mẹ.
2) KÍNH ĐIỀN, cũng gọi là “Công đức phước điền”, có nghĩa đền đáp hồng ân Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng).
3) BI ĐIỀN, cũng gọi “Từ bi phước điền”, có nghĩa mở lòng thương và cứu tế vạn loại chúng sanh. Đức Thầy dạy:“Phải ăn năn phước điền tạo tác”.
CAO HỨNG: Hứng thú cao mạnh hơn lúc thường.
SINH HOẠT: Làm ăn sanh sống.
SÁT SANH VÔ CỚ: Giết hại sanh vật không có duyên cớ chánh thức, như đủ ăn rồi mà còn giết thêm, hoặc giết quá dư rồi bỏ (lãng phí).
2.- ÁC ĐẠO TẶC
CHÁNH VĂN
ĐẠO TẶC.- Câu “Bần cùng sanh đạo tặc” cần phải là một câu chữa mình của bọn bất lương vô Đạo. Những kẻ này ngày vẩn vơ đầu đường xó chợ, tối kiếm chỗ khoét vách đào tường, không làm muốn có ăn, không lo muốn có mặc. Lớp người cặn bã của xã-hội này, sống ngoài vòng pháp luật, trốn nhủi trốn chui, phá rối sự an ninh của dân chúng, chuyên lo giết người cướp của, đoạt giựt tài sản lương dân, không nghĩ rằng phải tốn bao nhiêu giọt mồ-hôi, bao nhiêu dòng nước mắt mới làm ra được. Họ là giống sâu làm rầu nồi canh, là tội-nhân gây ra những tai biến trong những gia-đình cần-lao kiệm-tiết, là nguyên-nhân của sự nghèo sự khó, họ phá hoại hạnh-phúc của con người.
Cơ-hàn đói khổ, thay vì phải làm-lụng như những kẻ khác mưu cuộc sống còn, họ gây cái lỗi này rồi đến cái lỗi khác, phạm tội này rồi tới tội nọ, tạo chẳng biết bao nhiêu chuyện bất lành cho nhân-chủng. Lưới Trời tuy thưa nhưng khó lọt, những kẻ ấy dầu họ không bị luật hình của loài người phân xử, song cơ Trời cũng sẽ báo ứng đến những hành-vi đen tối, nếu họ không chịu ăn-năn chừa lỗi, sửa tánh tu thân, bỏ thói vô nghì, lánh điều phi-nghĩa.
(SGTVTB 2004, tr. 188-189)
LƯỢC GIẢI :
1.- ĐỊNH NGHĨA:
Đạo tặc là trộm cướp gian lừa, ác thứ hai trong thân Nghiệp. Vô công mà lấy của quốc gia hay của người khác về làm của mình đều gọi là Đạo tặc.
2.- NGUYÊN NHÂN:
Vì ý muốn không làm có ăn, không lo có mặc, nên kẻ trộm cướp thường mượn câu:“Bần cùng sanh đạo tặc, Phú quới tác lễ nghi” để chữa mình.
3.- HÀNH TRẠNG:
a) Hành động kẻ đạo tặc là gây nên thảm trạng: trộm cướp sát nhân, sống ngoài vòng pháp luật, phá rối an ninh và hạnh phúc mọi người.
b) Lường gạt, chiếm đoạt của công hoặc tư, đến như những đồ vặt vụn: củi đuốc, trái cà, trái ớt cũng vơ vét về làm của mình.
4.- TAI HẠI:
Những kẻ hành nghề đạo tặc là lớp người cặn bã của xã hội, sống bị đời khinh miệt, luật pháp phân xử, chết bị luân chuyển báo đền…(như câu chuyện “Thập Bát La Hán”…hoặc “Anh học trò thi rớt và con lừa” của ông Bàn Công Cư Sĩ).
“Tội chập chồng đâu biết ở mô,
Trốn người khỏi trốn trời sao khỏi”( ĐT).
5.- GIẢI TRỪ:
a) Muốn giải trừ ác đạo tặc, trước nhứt ta phải nghĩ đến công mồ hôi nước mắt của người tạo ra tiền của.
b) Phải ăn năn chừa lỗi, sửa tánh tu thân và bỏ điều phi nghĩa. Luôn nhớ lời cảnh tỉnh của Đức Thầy:
“Hãy tu thân chừa thói vô nghì,
Của phi nghĩa làm chi xong chuyện.
Luật nhân quả thật là cao viễn,
Suốt cổ kim chẳng lọt một ai”.
6.- LỢI ÍCH :
Người chừa đặng ác Đạo tặc sẽ được lợi ích:
a) Tiền của không bị nạn nước lửa, lường gạt, cướp giựt hay con cháu phá tán.
b) Được mọi người chung quanh yêu kính và thân tâm thường phúc lạc yên ổn.
“Vậy ta nên làm việc thẳng ngay,
Cứ bền chí có ngày thong thả”( ĐT).
7.- KẾT LUẬN :
Nói tóm lại, ác Đạo tặc là một trong 10 điều ác, cũng là một trong ngũ giới cấm: sát sanh, đạo tặc, tà dâm, vọng ngữ, uống rượu. Nhà tu diệt trừ được nó chẳng những an vui trong kiếp sống hiện tại mà tương lai còn đặng giải thoát luân hồi sanh tử.
CHÚ THÍCH :
BẦN CÙNG SANH ĐẠO TẶC: Người nghèo khổ cùng quẫn thường sanh ra trộm cướp gian lừa.
BẤT LƯƠNG: Chẳng hiền lành.
VÔ ĐẠO: Không có đạo đức nhân nghĩa.
LƯƠNG DÂN: Dân lành, chỉ chung cho dân chúng biết lo làm ăn chơn chất.
KIỆM TIẾT: Kiệm là bồi chỗ thiếu, tiết là bớt chỗ dư. Đây chỉ cho người ăn xài có chừng mực.
CƠ HÀN: Đói lạnh (rét). Nghĩa bóng là cảnh nghèo đói khổ sở.
LƯỚI TRỜI: Luật trừng phạt tự nhiên của tạo hóa (nhân quả). Sách Thánh có câu:
“Thiên võng khôi khôi phân khúc trực,
Thần linh hích hích định khuy vinh”.
(Lưới trời lồng lộng chia ngay vạy,
Thần linh tỏ xét việc đầy vơi).
Đức Thầy bảo:
“Trốn người khỏi trốn trời sao khỏi”.
LUẬT HÌNH: Cũng gọi là hình luật hay hình pháp. Có nghĩa luật pháp để trừng trị người có tội.
BÁO ỨNG: Trả lại, làm lành trả lành, làm dữ trả dữ.
VÔ NGHÌ: Không có tình nghĩa, Đạo nghĩa.
“Hãy tu thân chừa thói vô nghì”( ĐT).
PHI NGHĨA: Chẳng phải nghĩa, chẳng đúng với lẽ phải.
3.- ÁC TÀ DÂM
CHÁNH VĂN
TÀ DÂM.- “Muôn việc lành hiếu-thuận đứng đầu, ngàn việc dữ tà dâm đứng trước”. Sách sử thường bảo như thế.
Lần dở xem sử sách, thời thấy tội ác ấy lan-diễn khắp nơi, từ trào nội cho đến thứ dân, từ trong gia-đình đến kẻ xa người lạ; nó là mầm gây ra biết bao thảm trạng! Gương của vua Tề với vợ Thôi-Tử, An-Lộc-Sơn với Dương-Quý-Phi há chẳng còn lưu-liên hậu thế ? Giàu ỷ của hiếp-dâm kẻ khó, quan ỷ quyền cưỡng-bức đám dân hèn. Gian phu, dâm phụ, từ xưa đến nay luôn luôn đều có.
Muốn tránh sự bại-hoại nền luân-lý nước nhà, muốn giữ-gìn tiếng tăm của gia-thế, phải đừng để dục-tình lôi cuốn, bắt chước gương xưa trau-giồi lòng hiếu- trung, trinh- tiết .(SGTVTB 2004, tr, 189-190).
LƯỢC GIẢI :
1.-ĐỊNH NGHĨA :
Tà dâm là phá hoại tiết trinh của nữ giới, hoặc thông dâm với vợ con hay chồng của kẻ khác, không phải vợ chồng chánh thức. Đây là ác thứ ba trong Thân Nghiệp.
2.- SO SÁNH LÀNH DỮ:
Đức Thầy bảo:
“Muôn việc lành hiếu thuận đứng đầu,
Ngàn việc dữ tà dâm đứng trước”.
3.- CẢNH TRẠNG TÀ DÂM:
Từ trào nội Vua quan, trong gia đình quyến thuộc, đến các giới dân chúng, tội ác nầy xưa nay đều có xảy ra. Đức Thầy đã diễn tả:
“Ác tà dâm thứ năm càng tệ,
Chúa hôn mê chiếm đoạt thê thần.
Làm đảo huyền tất cả quốc dân,
Tôi bất chánh Hoàng cung dâm loạn.
Tội lỗi ấy diễn nhiều thảm trạng,
Từ xưa nay trời đất đâu dung.
Giàu của nhiều dâm hiếp bần cùng,
Quan lấn thế dâm ô dân khó”.
4.- TAI HẠI:
a) Kẻ dâm loàn thường gây chiến tranh thù hận, thanh toán lẫn nhau, tiêu tan sự nghiệp. Như vua Tề với vợ Thôi Tử, An Lộc Sơn với Dương Quí Phi.
b) Thân xác bệnh tật, trí huệ mờ lu, chết đọa ba đường ác. Như Trung Hoa có vua Trụ, vua Kiệt…Việt Nam có Lê Ngọa Triều…
5.- GIẢI TRỪ:
a) Để diệt trừ tệ trạng tà dâm, mỗi người nên làm chủ tâm hồn, đừng để dục tình lôi cuốn.
b) Noi gương các bậc trung trinh tiết liệt; giữ gìn luân lý, lễ nghi và thuần phong mỹ tục của nước nhà. Đức Thầy thường cảnh giác người đời:
“Trai liều lĩnh điều nầy nên bỏ,
Đừng phá trinh hại tiết nữ nhơn.
Gái lẳng lơ tiếng quyển lời đờn,
Hoa có chủ đèo bòng tình mới.
Cất tiếng gọi nữ nam ơi hỡi !
Bỏ những điều điếm nhục tông môn,
Đấng nam nhi học lấy điều khôn,
Lòng trung hiếu gìn theo Đạo lý.
Hàng phụ nữ gương xưa nối chí,
Những mẹ hiền dâu thảo roi truyền”.
6.- LỢI ÍCH:
Người chừa được ác Tà Dâm thì được các điều lợi ích:
a) Tông môn không bị đời biếm nhẻ, quyến thuộc chẳng bị kẻ khác gạt gẫm dâm loạn.
b) Thân hình tốt đẹp trang nghiêm và trường thọ.
c) Trí huệ mau sáng suốt và đoạn lần hột giống sanh tử.
7.- KẾT LUẬN:
Tóm tắt, tà dâm là ác đứng đầu trong các tội ác. Chính nó làm nảy sanh muôn ngàn tội ác khác. Nó cũng là nghiệp nhân ràng buộc con người trong luân hồi sanh tử. Cho nên nhà tu quyết định phải trừ dứt để được tự tại an vui trên đường sang cõi Phật.
CHÚ THÍCH :
THẢM TRẠNG: Tình trạng thê thảm, những sự trạng xảy ra rất đau buồn, thảm thiết.
VUA TỀ VỚI VỢ THÔI TỬ: Vua Tề tức Tề Trang Công, thời Chiến Quốc (Trung Hoa). Nguyên là Thái Tử Quang. Bấy giờ Thôi Tử làm quan Thượng Khanh cho Vua Tề. Tử có người vợ là Đường Khương, sắc đẹp hơn người. Vua Tề dâm loạn với nàng Đường Khương, nên sau bị Thôi Tử gạt vua vào nhà rồi giết chết.
AN LỘC SƠN VỚI DƯƠNG QUÍ PHI: Dương Quí Phi sanh đời Đường (Trung Hoa), hiệu là Thái Chân. Nàng có sắc đẹp khuynh thành và trí thông minh, được Thái Tử Long Cơ yêu, cưới về làm vợ. Song Vua cha là Đường Huyền Tông quá say mê sắc đẹp Thái Chân, bèn đoạt lấy phong làm Dương Quí Phi. Còn An Lộc Sơn làm Tiết Độ Sứ cho Vua Đường (gốc là rợ Khiết Đan). Sơn a tùng với Lý Lâm Phủ (tôi gian nịnh) vào làm con nuôi của Quí Phi, để cùng Quí Phi dâm loàn và mưu đồ cướp ngôi nhà Đường. Cuối cùng việc bại lộ, quan quân nhà Đường buộc vua Đường xử Quí Phi phải thắt cổ mà chết để đền tội. Sau cánh quân của An Lộc Sơn bị tan rã và Sơn cũng chết.
CƯỠNG BỨC: Cũng viết là cường bức. Có nghĩa dùng sức mạnh hoặc quyền thế hiếp dâm người.
GIAN PHU: Đàn ông trai gái với vợ con người khác.
DÂM PHỤ: Đàn bà lấy trai hoặc lấy chồng người khác.
BẠI HOẠI: Hư hỏng tồi tàn.
GIA THẾ: Thế hệ của một gia đình thân tộc.
LUÂN LÝ: Những lý lẽ Đạo đức của phận làm người, sự giáo dục con người theo một tập tục tốt lành.
“Rán giữ gìn luân lý tam cang,
Tròn đức hạnh mới là báu quí”( ĐT).
DỤC TÌNH: Cũng gọi là tình dục. Có nghĩa sự ham muốn về xác thịt nam nữ gần nhau cho thỏa lòng dâm.
HIẾU TRUNG: Hai việc then chốt của đạo làm người. Trung thành với Tổ quốc và hiếu thảo với ông bà cha mẹ (xem hai điều 1&2 trong Tứ Ân). Đức Thầy hằng khuyên:
“Hiếu trung lòng chớ vội quên,
Sống lo trọn Đạo, thác lên Tiên Đài”.
TRINH TIẾT: Cũng gọi là tiết trinh. Có nghĩa sự trong sạch, trọn tiết, không để thất thân.
“Trai trung liệt đáng trai hiền thảo,
Gái tiết trinh mới gái Nam Trào”( ĐT).
4.- ÁC LƯỠNG THIỆT
CHÁNH VĂN
LƯỠNG THIỆT.- Đứng đầu các tội ác do miệng lưỡi gây ra, ác lưỡng-thiệt này đã làm duyên-cớ cho những sự hiểu lầm nhau, những sự cãi vã, gây gổ sanh oán sanh thù. Sự phải của người thì bớt, sự quấy của người thì thêm, cái lưỡi đã tạo những sự chia rẽ, những cuộc phân tranh, phá tan sự đoàn-kết, tình thân yêu giữa nhân loại. Nó cũng là nguồn-cội của bao nhiêu bất hoà, hiềm-khích.
Để giải trừ những tai vạ ấy, phải giữ cho lời nói mình được thành-thật, chánh đáng, được vậy trong hương-đảng mới bớt rầy-rà, ngoài xã-hội không điều xích-mích và mình cũng không còn chịu ác-cảm, tránh sự miệt-khinh của kẻ khác.
(SGTVTB 2004, tr. 190)
LƯỢC GIẢI :
1.- ĐỊNH NGHĨA:
Lưỡng thiệt là “hai lưỡi”, lời nói hai chiều, nói đâm thọc cho đôi đàng xích mích thù oán nhau. Lưỡng thiệt cũng gọi là ly gián ngữ. Đây là ác thứ nhứt trong Khẩu Nghiệp.
2).- NGUYÊN NHÂN:
Vì muốn bảo thủ lợi danh quyền tước theo ý mình nên họ dùng lời nói đâm thọc thêm bớt cho đôi đàng hiểu lầm nhau. Đức Thầy bảo:
“Ác nơi khẩu nhứt là lưỡng thiệt,
Với người nầy dùng lời tha thiết,
Đến kẻ kia đâm thọc cho gây”.
3.- SỰ TRẠNG:
Người hay nói lời lưỡng thiệt, thường xảy ra những cuộc cãi vã, đôi chối, gây thù, trả oán.
“Xưa Đức Thánh luận bàn cái lưỡi,
Ngài nói rằng các việc tại mầy.
Thuận với hòa hay ghét với rầy,
Cũng cái lưỡi làm thầy các việc”( ĐT).
4.- TAI HẠI:
Dùng lời lưỡng thiệt thường gây hậu quả ngờ vực, chia rẽ, phân tranh, mất đoàn kết. Đó là gốc sanh ra bất hòa hiềm khích, giết hại lẫn nhau.
“Người choảng nhau tại mình gia vị,
Mà cũng không hưởng được lợi danh.
Sau rõ ra chúng hại ghét ganh,
Chiêu cảm quả bất lành thêm nữa”( ĐT).
(Xưa, thời mạt Trụ hưng Châu bên Trung Hoa có Thân Công Báo đi non nầy động nọ, dùng lời lưỡng thiệt, khiến các Địa Tiên nổi nóng xuống trần phạm sát giới; kết cuộc công tu luyện phải thả trôi theo dòng nước. Sau cùng hồn xác Thân Công Báo đều bị sa vào Địa ngục một lượt, tiếng xấu lưu để muôn đời.)
5.- CÁCH GIẢI TRỪ:
Muốn diệt trừ ác lưỡng thiệt, nhà tu quyết định không nói hai chiều, đâm thọc, để giữ lời nói mình cho được minh chánh trong sạch. Đức Thầy hằng dạy:
“Khá chừa đi hương đảng bớt rầy,
Dùng sự thiệt giải bày tâm trí”.
6.- LỢI ÍCH:
Người chừa được ác lưỡng thiệt sẽ tránh đặng sự rầy rà xích mích, chính mình không còn bị ác cảm hay kẻ khác khinh miệt và lời mình nói ra được mọi người tin tưởng nghe theo.
7.- KẾT LUẬN:
Đại khái ác lưỡng thiệt là một trong Thập ác và đứng đầu Khẩu nghiệp. Xưa, Đức Phật đã bảo:“Khẩu nghiệp đa ư thân ý nhị nghiệp”. Nay Đức Thầy cũng dạy:“Khẩu nghiệp của các trò còn nặng nề hơn hết”. Cho nên hành giả cần diệt trừ lưỡng thiệt, để đem lại sự hòa hài cho cả nhân loại và tránh khỏi luân hồi quả báo.
CHÚ THÍCH :
DUYÊN CỚ: Nguồn gốc của sự việc hay lý do đầu tiên.
ĐOÀN KẾT: Đồng lòng kết hợp thành khối thành nhóm chặt chẽ:“ Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”(Tục ngữ). Đức Thầy từng kêu gọi:
“Lòng trẻ thảo biết đoàn biết kết,
Phí xác phàm mê mệt đâu nài”.
HIỀM KHÍCH: Giận thù toan ăn thua, luôn luôn muốn gây chuyện.
GIẢI TRỪ: Chừa bỏ, dứt hẳn, chẳng còn xảy ra nữa.
THÀNH THẬT: Thật lòng không dối trá thêm bớt.
CHÁNH ĐÁNG: Chơn chánh không trái lẽ.
ÁC CẢM: Cảm tình không tốt.
HƯƠNG ĐẢNG: Thôn xóm.
MIỆT KHINH: Cũng gọi là khinh miệt. Có nghĩa khi dể, chê bai ra mặt.
5.- Ỷ NGÔN
CHÁNH VĂN
Ỷ NGÔN.- Nói đến tội này tức là nói đến những vụ chủ ỷ quyền nhiếc xài tôi tớ, quan ỷ thế mắng chưởi dân ngu. Kẻ giàu có thường ỷ tiền bạc xài-xỉ người nghèo, kẻ xảo quyệt ỷ sự khôn lanh nói những điều thất thiệt, kẻ học thức ỷ sự khôn-ngoan dùng lời nói hạ-nhục người dốt nát.
Hãy tránh những sự hiếp người như thế ấy, vì những kẻ dưới tay mình cũng có đầu óc, cũng biết nghĩ suy, nhưng tại họ bạc phước vô phần nên phải chịu lụy mình vậy. Nếu họ có lỗi lầm hãy dạy dỗ họ, dùng những cam ngôn mỹ từ, những lời trang nghiêm êm dịu chỉ bảo, không khá bao biếm mà mang điều tội-lỗi. (SGTVTB 2004, tr. 190-191).
LƯỢC GIẢI :
1.- ĐỊNH NGHĨA:
Ỷ ngôn cũng gọi là ỷ ngữ, ác thứ nhì trong Khẩu Nghiệp. Có nghĩa là ỷ thị và thêu dệt. Ý nói người cậy vào học thức, khôn lanh, quyền tước, giàu có mà nhiếc xài kẻ dưới tay, kém thế hoặc là dệt thêu xảo quyệt, khiến người hiểu sai sự thật. Hay trau chuốc lời lẽ hát ca tình tứ, làm mờ đục tâm trí kẻ khác.
2.- NGUYÊN NHÂN:
Vì bảo thủ cái ta, lúc nào cũng xem ta là trọng, là xứng đáng hơn người, nên sanh ra lời lẽ ỷ ngôn.
3.- SỰ TRẠNG:
Người ta thường ỷ vào quyền thế, tiền của, khôn lanh, học thức mà khi thị kẻ thấp kém, ngu dốt một cách thậm tệ. Đức Thầy đã diễn tả:
“Ác thứ nhì ỷ ngôn chất chứa,
Đợi cho người lầm lỗi xéo vày.
Của tiền nhiều tự phụ rằng hay,
Chủ ỷ thế nhiếc xài kẻ dưới.
Lắc léo chi có ba tấc lưỡi,
Quan ỷ khôn mạt sát dân ngu.
Nghèo ỷ lanh láo xược lu bù,
Ôi ! thấy thế lòng đau tợ cắt”.
4.- TAI HẠI:
– Người phạm ác ỷ ngôn thường bị mọi người căm phẫn, thù hận, bạn thân xa lánh…Vua Tề thời Chiến Quốc ỷ quyền thế khinh khi Trường Vạn, nên bị Vạn đập cho một bàn cờ chết tốt.
– Qua nhiều kiếp sau còn phải luân hồi trả quả, như xưa có một tiểu tăng trẻ tuổi chê vị sư già tụng Kinh tiếng ồ ề giống tiếng chó sủa, sau bị đọa 500 kiếp làm chó…
5.- CÁCH GIẢI TRỪ:
– Muốn diệt trừ ác ỷ ngôn, ta phải tự xét kẻ dưới tay mình cũng có trí nghĩ suy, song tại phước mỏng nghiệp dày, nên họ phải chịu thấp kém hơn mình.
– Thế nên ta có bổn phận thương yêu, dung thứ họ. Dùng lời ngọt dịu tốt lành chỉ bảo, không nên chê bai thêu dệt mà mang tội lỗi. Đức Thầy khuyên:
“Dùng từ ngôn nói tận đáy lòng,
Dầu trên dưới cũng không mấy khác.
Chúng vô phước đời nầy dốt nát,
Người khôn ngoan chỉ dẫn mới là.
Lời trang nghiêm êm ái thốt ra,
Đừng bao biếm mới là nhơn thiện”.
6.- LỢI ÍCH:
– Ai chừa được ác ỷ ngôn không còn bị kẻ khác thù oán, bất mãn.
– Người trí đều khen ngợi và khỏi quả báo thấp hèn, nhơ xấu.
7.- KẾT LUẬN:
Đại để ỷ ngôn là lời nói vô cùng lợi hại. Nhà tu nên cương quyết trừ bỏ cho kỳ được; để khẩu nghiệp sớm thanh tịnh và an vui trên đường giải thoát.
CHÚ THÍCH :
XÀI XỈ: Mắng nhiếc thậm tệ.
XẢO QUYỆT: Gian xảo dối trá.
THẤT THIỆT: Không chơn thật.
HỌC THỨC: Học lực và kiến thức. Chỉ cho người có học và hiểu biết nhiều.
BẠC PHƯỚC VÔ PHẦN: Phước mỏng nên không có phần cao tốt bằng người.
LỤY MÌNH: Hạ mình, chịu thấp kém hơn người.
CAM NGÔN MỸ TỪ: Lời nói dịu ngọt tốt lành.
TRANG NGHIÊM: Nghiêm chỉnh, đứng đắn, không vô lễ bỡn cợt.
BAO BIẾM: Khen và chê. Ý nói khen chê nhạo báng.
6.- ÁC KHẨU
CHÁNH VĂN
ÁC KHẨU.- Những tiếng thề thốt, lỗ mãng, chưởi mắng tục tằn làm ra tội này; con chưởi mẹ mắng cha, không kể luân thường thảo hiếu, mạnh bạo hăm he đánh giết những kẻ yếu hèn, hiếp đáp xóm chòm cô bác. Mở miệng ra chưởi gió mắng mây, trù rủa gia đình, không kiêng Thần Thánh. Tối ngày kêu réo Phật Trời, mời thỉnh Long-cung, làm cho tội lỗi càng thêm chồng chập.
Hãy bỏ những tiếng tục-tằn thô lỗ, làm cho đời sống được êm-dịu thanh bai hơn. Đối với cha mẹ phải có lễ-độ, với gia đình, với bà con cô bác, với xóm chòm quen thuộc, lời nói mình phải đoan trang nghiêm chỉnh. Đối với con cháu trong nhà, không nên nói những điều ác đức, phải dùng lời nói dịu dàng hiền hậu dạy-dỗ chúng.
(SGTVTB 2004, tr. 191)
LƯỢC GIẢI :
1.- ĐỊNH NGHĨA:
Ác khẩu là ác thứ ba trong Khẩu Nghiệp, cũng được gọi là ác ngôn hay ác ngữ. Có nghĩa những tiếng thô lỗ độc ác, tục tằn, chưởi rủa Thần Thánh.
2.- NGUYÊN NHÂN:
Do hoàn cảnh nghịch ý đưa đến liền phát ra những tiếng thề thốt, lỗ mãng, chưởi mắng, tục tằn, trù rủa hoặc kêu réo Trời Phật, Thần Thánh.
3.- SỰ TRẠNG:
Chưởi mắng cha mẹ, hăm đánh giết mọi người từ gia đình đến xã hội, trù rủa con cháu, xóm chòm, kêu réo khiến sai cả Thần Thánh đủ cõi. Đức Thầy đã diễn tả trạng huống nầy trong một đoạn giảng:
“Tới ác khẩu thứ ba bày biện,
Tiếng tục tằn thô lỗ hung hăng.
Nào chưởi cha mắng mẹ lăng xăng,
Chẳng kể đến luân thường thảo hiếu.
Hăm đánh giết những người hèn yếu,
Hiếp xóm chòm cô bác chẳng kiêng.
Trong gia đình chưởi rủa liên miên,
Hết dương thế kêu sang Thần Thánh.
Chẳng kiêng nể Phật Trời thượng cảnh,
Cõi Long cung mời thỉnh tối ngày”.
4.- TAI HẠI:
a) Người phạm ác khẩu tội lỗi ngày càng thêm chồng chập, nghiệp quả báo đền.
b) Trong nhiều kiếp sau, mắt, tai, miệng, lưỡi bị đui, điếc, câm, ngọng. Nói ra điều gì bị nghiệp báo y như vậy, như trường hợp trong tiền thân Đức Phật có anh chàng buôn ngọc “hăm móc cặp mắt của cô Tiểu thơ”. Tiểu thơ và người đánh xe hăm lại:“Nếu ngươi còn cượng lý sẽ sai lính bắt đánh cho rách da, rồi lấy mủ nấu sôi thoa vào và đem chôn tại ngã ba đường cho người tởn”. Những lời thề thốt hăm he nầy, nhiều kiếp sau ba người đều bị trả báo y như vậy.
5.- CÁCH GIẢI TRỪ:
a) Muốn diệt trừ ác khẩu, hành giả hãy bỏ tiếng tục tằn thô lỗ; chỉ nói những lời êm dịu thanh bai, tôn trọng đạo luân thường thảo hiếu:
“Trọng mẹ cha kính nể Phật Trời,
Đừng nhiều tiếng nghinh ngang mang lỗi”( ĐT).
b) Đối với mọi người cần giữ lễ độ khiêm cung, kính nể Trời Phật Thánh Thần, không nên kêu réo khiến sai.
c) Bỏ những lời ác đức, cần nói những lời dịu dàng hiền hậu. Đức Thầy đã hằng khuyên:
“Lựa lời tiếng dịu dàng trong sạch,
Khi thốt ra đoan chánh hiền từ.
Tích thiện thì thường có phước dư,
Bằng tích ác họa ương đeo đắm”.
6.- LỢI ÍCH:
Người tu chừa đặng ác khẩu được nhiều lợi ích:
a) Lời mình nói ra được mọi người ưa thích, tin tưởng và vâng nghe.
b) Không còn quả báo xấu và đến khi thành Đạo, được đầy đủ tiếng Phạm âm của Như Lai. (Phạm âm của Như Lai có 5 đặc tính cao thắng: 1- Tiếng nói ra nghe thâm trầm như tiếng nhạc sấm. 2- Tiếng trong trẻo, nghe rất xa. Ai nghe đến cũng lấy làm vui vẻ sung sướng. 3- Ai nghe đến cũng đầy lòng kính mến, vâng theo. 4- Tiếng thuyết giảng Đạo lý rất gọn ghẽ, dễ nghe, dễ hiểu. 5- Mọi người nghe đều tin cẩn, không chán mỏi.)
7.- KẾT LUẬN:
Tóm tắt, ác khẩu là ác thứ ba trong Khẩu nghiệp, nó là một tai hại lớn lao, nhứt là giới nữ dễ vi phạm. Cho nên nhà tu cương quyết trừ bỏ, để tránh khỏi nghiệp báo luân hồi và đặng an vui tự tại trên đường giải thoát.
CHÚ THÍCH :
LUÂN THƯỜNG: Giềng mối và phép tắc chính của mọi người nên noi theo, gồm có Ngũ luân và Ngũ thường. Ngũ luân là Đạo vua-tôi, Đạo thầy-trò, Đạo cha-con, Đạo chồng-vợ, Đạo huynh-đệ và bè bạn. Ngũ thường là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đức Thầy thường dạy:
“Luân thường nặng nợ phải vai mang,
Nhuần gội thừa ân của Phật đàng”.
THẢO HIẾU: Cũng gọi là hiếu thảo. Có nghĩa tôn kính và bảo dưỡng cha mẹ. Đây là đức tánh quan trọng mà bổn phận làm con ai cũng phải có, không thể thiếu được. Đức Thầy luôn nhắc nhở :
“Sách có chữ thâm ân dục báo,
Phận làm người hiếu thảo noi gương”.
LONG CUNG: Cảnh và cung điện của Long Vương (Vua Rồng) ở sâu nơi đáy biển. Đó là đền đài do thần lực của Long Vương hóa hiện ra.
TỤC TẰN: Bẩn thỉu, nhơ nhớp, lời lẽ có tánh cách thô tục, dâm ô, trây trúa.
THÔ LỖ: Cộc cằn lỗ mãng.
LỄ ĐỘ: Phép lịch sự, ăn nói xử sự biết kính người trên, nhường kẻ dưới.
THANH BAI: Trong sạch dịu dàng và lịch sự.
ĐOAN TRANG: Nghiêm chỉnh, đàng hoàng.
NGHIÊM CHỈNH: Nghiêm trang tề chỉnh.
7.- ÁC VỌNG NGỮ
CHÁNH VĂN
VỌNG NGỮ.- Thêm thừa huyễn hoặc, có nói không, không nói có, ác vọng-ngữ đã làm nguyên nhân cho những sự bất công của nhân loại. Thương người nào kiếm cách bào chữa, giấu giếm sự quấy và thêu thùa sự tốt ra, ghét ai đặt điều nói xấu và che đậy cái điều phải của họ. Khoe khoang tự đắc, xảo trá đa ngôn, những kẻ điêu ngoa làm cho thiên hạ khinh khi miệt thị.
Muốn tránh những điều khiến cho tư cách nhân quần phải bị giảm hạ, hãy tập tánh nói năng chân chánh, bỏ lối láo xược trớ-trêu. Chẳng nên tráo-chác với người, bỏ tiếng xảo-ngôn và phải dùng lời chơn-chất.
(SGTVTB 2004, tr.191-192)
LƯỢC GIẢI :
1.- ĐỊNH NGHĨA:
Vọng ngữ cũng gọi là vọng ngôn – ác thứ tư trong Khẩu Nghiệp. Có nghĩa nói dối, nói huyễn hoặc, có nói không, không nói có.
“Người biết Đạo phải gìn ngôn ngữ,
Nói với ai chớ có sai lời”( ĐT)
2.- NGUYÊN NHÂN:
Vì ham muốn danh lợi, quyền tước và nhiều người tin tưởng mà sanh vọng ngữ.
3.- SỰ TRẠNG:
Hành trạng của vọng ngữ là có nói không, không nói có, thương ai thì kiếm cách bào chữa, ghét ai thì đặt điều nói xấu, khoe khoang tự đắc, xảo trá đa ngôn. Đức Thầy đã bảo:
“Ác vọng ngữ thứ tư cũng cấm,
Nói thêm thừa huyễn hoặc đủ điều.
Ghét người thời kiếm chuyện dệt thêu,
Thương viện lẽ thấp cao bào chữa.
Đời bất công mấy ai xem sửa,
Trên điêu ngoa dưới chẳng phục tòng”.
4.- TAI HẠI:
– Người còn vọng ngữ thường gây nhân bất công cho nhân loại.
– Mọi người trong xã hội khinh miệt và nhân cách bị giảm hạ, khi chết đọa vào địa ngục.
5.- CÁCH GIẢI TRỪ:
Để diệt trừ ác vọng ngữ, nhà tu nên tập lời nói cho được chân chánh ngay thẳng. Bỏ lối láo xược trớ trêu, xảo ngôn tráo chác; nên nói toàn lời chơn thật ngay chánh. Đức Thầy hằng khuyên nhủ:
“Khuyên nhơn sanh lấy lẽ chí công,
Mà ăn ở nói năng chơn chất”. Và:
“Người dương thế chẳng ưa bốc xước,
Phật Thần nào gần kẻ xảo ngôn.
Đã tu hành đừng có bôn chôn,
Tưởng hay giỏi khoe khoang tài cán.
Người hiểu rành mới càng thêm chán,
Chi bằng ta bỏ lối trớ trêu.
Nói với ai cũng phải lựa điều,
Đừng tráo chác cho người khinh dể”.
6.- LỢI ÍCH:
– Người chừa được ác vọng ngữ, sẽ đặng mọi người trọn tin và kính phục.
– Khẩu nghiệp sớm thanh tịnh và còn an ủi người bớt đau khổ.
– Phá tan được tà thuyết và khi thành Đạo sẽ đắc chơn thật ngữ của Như Lai.
7.- KẾT LUẬN:
Nói tóm lại Vọng ngữ là một trong Thập ác, cũng là một trong Ngũ giới cấm, là một tội ác lớn lao. Cho nên nhà tu quyết định trừ bỏ cho kỳ được, để khẩu nghiệp thanh tịnh và tiến thẳng đến nơi an vui giác ngạn.
CHÚ THÍCH :
THÊM THỪA: Nói dư, nói nhiều hơn, quá với sự thật.
HUYỄN HOẶC: Dối trá, nói không thật, làm cho người khác hiểu lầm.
“Miệng dương thế hay bày nói huyễn,
Sách thánh hiền ghét kẻ nhiều lời”( ĐT).
BÀO CHỮA: Biện hộ, tìm cách bênh vực che chở cho ta và người thân của ta.
TỰ ĐẮC: Tự cho mình hay giỏi hơn người.
XẢO TRÁ: Giả dối không thật.
ĐIÊU NGOA: Xảo trá, giả dối, lừa đảo. Chỉ cho người già miệng, hay đặt điều nói dối làm sai hẳn sự thật.
KHINH KHI: Khi dể, coi không ra gì.
MIỆT THỊ: Xài xể, nói nặng, khi dể.
TƯ CÁCH: Cử chỉ dáng dấp, cách ăn ở đời hoặc là tài năng và trình độ. Ví dụ: Tư cách đứng đắn hoặc tư cách chẳng ra gì.
NHÂN QUẦN: Đoàn người hợp lại.
GIẢM HẠ: Bớt thấp xuống, mất giá trị.
CHÂN CHÁNH: Cũng viết là chân chính. Có nghĩa ngay thẳng thật tình, không giả dối gạt gẫm.
TRÁO CHÁC: Lừa dối khéo nói láo.
CHƠN CHẤT: Cũng gọi là chân chất. Có nghĩa lời nói thật thà.
8- ÁC THAM LAM
CHÁNH VĂN
THAM LAM.- Tánh tham lam đã làm cho loài người phải chịu bao nhiêu thảm khổ: chiến tranh, cướp bóc, giết người … tham danh, tham lợi, tham sắc, tham tài, tham quyền, tham thế … Những sự ấy đã xô đẩy con người vào chẳng biết bao nhiêu cuộc chiến đấu ác-liệt, gây nên những thảm họa tày trời. Những tấn tuồng giặc giã, cướp của sát nhơn, những vụ hối-lộ, những vụ tranh thế giành quyền đã làm cho nhân-sanh điêu linh trong vòng tai nạn khốc hại. Cái tham ấy cũng đã làm cho con người đau buồn hận khổ, phải khóc đứng than ngồi, phải liều mình tự sát chỉ vì sự ham muốn không được thực hiện; người ta quyên sinh vì tình yêu, vì lợi quyền, vì thất trận…. Những cuộc cấu xé lẫn nhau, những vụ nồi da xáo thịt, những tương sát tương tàn, những điều hung-hăng bạo-ác cũng do sự tham lam mà ra cả. Ngày giờ nào loài người diệt được tánh ham muốn của mình, ngày giờ ấy bớt được một phần lớn của sự khổ. Vả lại, ở đời phải có những lúc thăng trầm chìm nổi, có thì ta xài, không ta nhịn, can gì phải bày mưu tính kế chiếm đoạt của kẻ ngoài. Của là của chung trong thiên hạ, đời ta còn, nó còn; đời ta mất, nó mất; gương Thạch-Sùng Vương-Khải há không để lại cho ta một bài học đích đáng lắm ru ? Thế nên, hãy nghĩ đến người cũng như mình nghĩ đến mình, hãy dẹp lòng vị-kỷ tham-lam, lo vun-trồng phước đức, bố-thí cho kẻ nghèo hèn, rán công- phu sám-hối để có thể yên vui nơi miền Cực-Lạc, lánh sự giả tạm ở cõi trần này.
(SGTVTB 2004, tr. 192-193)
LƯỢC GIẢI :
1.-ĐỊNH NGHĨA:
THAM LAM là ác thứ nhứt trong Ý Nghiệp, chỉ lòng ham muốn quá độ. Nó là một trong Tam độc: Tham, Sân, Si. Đức Thầy bảo:
“Biết sao đầy được túi tham,
Không ngăn không đáy càng làm không kiêng”.
2.- NGUYÊN NHÂN:
– Do tâm vị kỷ, muốn thỏa mãn nhu cầu mọi thứ cho bản thân mà sanh ra ác Tham Lam.
– Vì lòng ham muốn quá độ, không biết tri túc thường lạc. Chính nó là hột giống, là nguyên nhân làm cho chúng sanh luân hồi trong 6 nẻo, từ vô thỉ tới nay chưa thoát ly ra được.
3.- SỰ TRẠNG:
Người có lòng tham lam, lúc nào cũng muốn chiếm đoạt danh lợi, sắc tình, quyền thế về cho mình. Đức Thầy đã diễn tả sự trạng ấy:
“Ác thứ tám là lòng Tham Hiểm,
Muốn bao gồm của thế một mình.
Tham nhà cao cửa rộng thân vinh,
Tham vườn ruộng cò bay thẳng kiếng.
Thấy của người thèm khô nước miếng,
Tính làm sao lường gạt lấy đi.
Sẵn túi tham bất cứ chuyện gì,
Dầu xấu tốt cũng là dồn chứa”.
4.-TAI HẠI :
a) Kẻ bị lòng tham sai khiến, thường gây ra biết bao thảm khổ cho mình và mọi người: chiến tranh, cướp trộm, giết người, tương tàn tương sát. Ôm mối hận thù, bực tức dẫn đến liều mình tự sát.
b) Hột giống oan oan tương báo, kéo dài từ kiếp nầy sang kiếp khác rồi kiếp khác nữa. Đức Thầy đã diễn tả tai hại của lòng tham:
Tham của tạm làm điều tàn nhẫn.
Nhắm mắt rồi đâu có mang theo.
Tham tiền tài thường vướng nạn eo.
Tham sắc đẹp nhà tan cửa nát.
5.- GIẢI TRỪ:
Nhà tu muốn diệt trừ lòng tham lam ích kỷ cần thi hành các phương cách như sau:
a) An nhẫn trong sự nghèo túng, biết “tri túc thường lạc” để giữ lòng trong sạch và vun trồng cội phước.
“Thà nghèo thanh hơn giàu mà trược,
Lo vun trồng cội phước về sau”( ĐT).
b.- Mở lòng thương yêu mọi người, mọi giới như mình thương mình, tùy phương tiện mà bố thí cho họ từ vật chất lẫn tinh thần. Đức Thầy dạy:
“Muốn trừ tham phải liệu cách nào ?
Phải bố thí diệt lòng ích kỷ”.
c) Dùng tâm chánh niệm quán xét vạn vật trong thế gian, đến thân xác của ta cũng đều là vô thường, vô ngã, chẳng có vật chi để lòng mến tiếc:
“Tâm chánh niệm thường thường suy nghĩ,
Vật ở trần như bọt nước làn mây.
Thân ta còn rày đó mai đây,
Của ấy cũng khi tan khi hiệp”( ĐT).
6.- LỢI ÍCH:
Hành giả khi diệt trừ được lòng tham lam ích kỷ, tất tiêu diệt hột giống tội lỗi và khổ đau sanh tử. Phước đức càng lúc càng gia tăng và tâm hồn được tự tại an vui trên đường giải thoát.
7.- KẾT LUẬN:
Đã biết lòng tham là nguyên nhân của mọi sự đau khổ và sanh tử luân hồi, nhà tu muốn diệt trừ nó phải biết sám hối tội căn và “tri túc thường lạc”. Từ bi bố thí và quán xét lý vô thường vô ngã, tất đặng thành công viên mãn, đạt quả Cực lạc hoặc Niết bàn.
CHÚ THÍCH :
THẢM KHỔ: Thê thảm và khổ sở đau đớn.
“Cảnh thảm khổ chiều mai sẽ đến,
Sao dân còn tríu mến trần mê”.( ĐT) .
ÁC LIỆT: Dữ dội, kịch liệt.
THẢM HỌA: Tai họa ghê gớm.
HỐI LỘ: Ăn của lo lót.
ĐIÊU LINH: Long đong khổ sở, vất vả.
THỰC HIỆN: Làm cho thành ra sự thật.
QUYÊN SINH: Liều bỏ kiếp sống (tự tử). NỒI DA XÁO THỊT: Lấy vỏ rùa làm chảo xào thịt rùa. Ý chỉ thân bằng ruột thịt hoặc đồng bào nỡ tranh giành hoặc giết hại lẫn nhau.
THẠCH SÙNG VƯƠNG KHẢI: Hai người đồng sanh vào trào nhà Tấn thời Đông Châu bên Trung Hoa. Sùng trước làm quan Thứ sử, tánh tham lam xảo trá, thâu góp của dân, hối lộ thượng cấp, sau thăng chức Thái bộc giàu to. Còn Vương Khải là em của hoàng hậu, cũng là tay cự phú. Cả hai đều lấy sự xa xí khoe của để tranh hơn thua, không làm được việc gì ích nước lợi dân, ai khuyên can cũng chẳng nghe. Cuối cùng hai người chết chẳng mang theo được gì, lại còn để tiếng đời biếm nhẽ, sách sử chê bai. Đức Thầy có cảnh tỉnh:
“Lòng nhơn xin khá tập rèn,
Thạch Sùng Vương Khải sách đèn ai ưa”.
VỊ KỶ: Vì mình, chỉ biết lợi cho mình, chớ không nghĩ đến người khác.
CÔNG PHU: Sức dùng để làm việc, người chịu nhọc để làm việc. Ví dụ: Công phu hành đạo.
SÁM HỐI: (Xem chữ Ăn năn, tr.52 trong Quyển nầy).
CỰC LẠC: Rất vui, tột vui. Cũng gọi là An Dưỡng Quốc hay Tịnh độ. Cõi nầy do nguyện lực và công đức của Phật A Di Đà tạo nên và chính Ngài là Giáo chủ. Cõi Cực lạc hoàn toàn an vui trong sạch, không có những nỗi khổ đau, trần trược như cõi Ta bà.
Ai tu hành dứt lòng tham luyến cõi Ta bà và chuyên tâm niệm Phật, làm lành gồm đủ: tín, nguyện, hành thì khi lâm chung được vãng sanh về Cực Lạc. Đức Thầy khuyên:
“Trông chúng sanh nghĩ tận đuôi đầu,
Về Cực Lạc mới là hết khổ”.
9- ÁC SÂN NỘ
CHÁNH VĂN
SÂN NỘ.- Tánh nóng nảy thường xúi con người làm những chuyện bất-công sái phép, chém giết oán thù nhau. Kẻ thắng kiêu-hãnh, người bại hổ-ngươi nên sự hiềm-thù càng lan rộng. “Giận mất khôn”, cơn giận làm cho con người cuồng trí, mất sự tự chủ, trở nên dữ-dằn bạo tợn, chẳng còn nghĩ đến việc công bình, lẽ phải trái.
Diệt được nó tâm ta được thảnh-thơi, trí ta được thong-thả. Hãy mở rộng lượng khoan hồng dung tha kẻ lầm lỗi. Hãy nhẫn-nhịn và chẳng nên cãi cọ tranh luận hơn thua làm cho nảy sanh ra những điều hiềm khích.
(SGTVTB 2004, tr. 193)
LƯỢC GIẢI :
1.- ĐỊNH NGHĨA:
SÂN NỘ : Ác thứ nhì trong Ý Nghiệp, cũng gọi là sân hận hay hận sân hoặc sân nhuế. Có nghĩa nóng giận, hờn ghét, thù hận, Đức Thầy khuyên:
“Chữ gây gổ là sân hãy diệt,
Cho nó đừng thấp thoáng trong lòng”.
2.- NGUYÊN NHÂN:
Sở dĩ có sân nộ là do bị người khinh rẻ, húng hiếp, đàn áp mình; hoặc phạm lỗi hay làm hư hao tài vật của mình.
3.- CẢNH TRẠNG:
Khi tánh nóng giận nổi lên thì người ta làm những chuyện bất công sái phép, chém giết, đánh chửi, la ó; đập phá đồ đạc, tức bực khó chịu, oán thù càng lan rộng. Kinh xưa đã bảo:“Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai”(Một đốm lửa sân hận nổi lên thì trăm cửa nghiệp chướng đều mở rộng). Đức Thầy đã diễn tả cảnh ấy:
“Ác thứ chín Hận Sân luận tiếp,
Lửa trong tâm chẳng đốt mà lừng.
Nổi lôi đình đâu có định chừng,
Cho ta biết mà toan giữ trước.
Tánh sân nộ thường làm bạo ngược,
Nên loài người ở cõi thế gian.
Giận hờn nhau thù oán dẫy tràn,
Mới có cuộc tranh tài đấu lực”.
4.- TAI HẠI:
Người nóng giận cực độ sẽ cuồng loạn tâm trí, không làm chủ được thâm tâm, con người trở nên hung bạo, chẳng còn nghĩ đến sự công bình phải trái. Đức Thầy đã bảo:
“Hơn tự đắc khoe khoang dõng sức,
Phải bị người hềm khích ghét ganh.
Thua hổ ngươi làm chuyện bất lành,
Gây nghiệp dữ oan oan tương báo.
Trong cơn giận kể gì nhơn đạo,
Tỷ như con cọp dữ trên rừng.
Gặp thịt toan cấu xé tưng bừng,
Phân từng mảnh mới là thỏa dạ”.
5.- GIẢI TRỪ:
Để giải trừ tánh sân hận, nhà tu phải dùng trí huệ mà quán xét mọi sự trạng xảy ra, rồi áp dụng ba phương cách như sau:
a) Mở lòng khoan dung cho những người lầm lỗi “..hãy tha thứ tội lỗi cho nhau trong khi nóng giận”( ĐT)
b) Nhẫn nhịn những kẻ muốn hơn hoặc hiếp đáp chưởi mắng mình.
“Ai chưởi mắng thì ta giả điếc,
Đợi cho người hết giận ta khuyên.
Chữ nhẫn hòa ta để đầu tiên,
Thì đâu có mang câu thù oán”.( ĐT).
c) Lấy lòng tử bi bình đẳng đối xử với mọi người và sanh vật. Đức Thầy thường răn dạy:
“Diệt được nó tâm trần thong thả,
Ta thường nên tập tánh khoan dung.
Thiệt hành đi đừng có ngại ngùng,
Tha thứ kẻ lỗi lầm ngu xuẩn.
Và nhẫn nhịn đừng ham tranh luận,
Khỏi mất lòng tất cả mọi người.
Tánh thuần lương vẻ mặt vui tươi,
Vậy mới đáng tín đồ Phật Giáo.
Nay ta đã qui y cầu Đạo,
Gây gổ là trái thuyết từ bi”.
Hoặc là:
“Việc hung ác hễ vừa thấp thoáng,
Chữ từ bi ta diệt nó liền.
Sự oán thù đáp lại chữ hiền,
Thì thù oán tiêu tan mất hết”.
Ba phương cách nói trên ví như cây “quạt Ba Tiêu”, có diệu năng quạt tắt Hỏa Diệm Sơn:
“Chúng sanh nên tìm quạt Ba Tiêu,
Chữa Hỏa Diệm nơi tâm cho tắt”.( ĐT)
Xưa thầy trò Tam Tạng đi Tây Phương thỉnh Kinh, giữa đường bị hòn “Hỏa Diệm Sơn” cản đường. Nhờ Tôn Ngộ Không (tượng trưng cho trí huệ) tìm ra quạt Ba Tiêu, quạt tắt núi lửa, Thầy trò mới đạt được mục đích thỉnh đặng Tam Tạng Kinh. Nhà tu diệt được ác sân nộ, cũng được chứng quả như thế.
6.- LỢI ÍCH:
– Khi diệt trừ được tánh nóng giận, hành giả không còn bị người hiềm khích thù hận.
– Tâm trí được thảnh thơi sáng suốt, công đức chẳng hao mòn và không hề mê tín theo tà đạo.
– Đời sống luôn gặp chánh Đạo, trí huệ sớm phát khai và đắc thành Đạo quả.
7.- KẾT LUẬN:
Đại khái lòng sân hận là một trong ngũ độn sử (Năm món phiền não ngu độn căn bản). Nó nảy sanh muôn ngàn phiền não khác. Và cũng là một trong tam độc (tham, sân, si). Chúng sanh vì nó mà phải chịu đọa trong Tam đồ Lục đạo. Cho nên nhà tu quyết định phải trừ dứt để lòng được thanh tịnh, an vui trên đường tiến sang bờ giác.
CHÚ THÍCH :
CUỒNG TRÍ: Mất trí, không còn biết phải quấy.
KHOAN HỒNG: Đại lượng rộng rãi hay tha thứ kẻ lầm lỗi.
NHẪN NHỊN: Nhịn thua dằn lòng xuống để cho kẻ khác hơn mình. Xưa, Nhẫn Nhục Tiên nhờ nhẫn nhịn vua Ca Lợi Vương mà cảm hóa được nhà vua và cả thần dân trong nước hồi tâm hướng thiện. Cho nên Đức Thầy hằng khuyên:
“Phải nhẫn nhục chờ người cổ tích,
Phật với Trời phân định cho ta”.
10.- ÁC MÊ SI
CHÁNH VĂN
MÊ SI.- Tội ác này do sự thiếu óc phán đoán, thiếu sự nghĩ suy mà ra; vì vậy, con người ít hay phân biệt được lẽ phải trái, bo bo giữ thiển kiến sai lầm, chẳng chịu nhìn nhận chân-lý, suốt cả đời ngu muội, chỉ biết mê man theo những vật nhỏ nhen, mau tan mau rã, chỉ biết tin bướng làm càn, không tìm hiểu con đường giải thoát.
Hãy xoá bỏ các điều mê-tín, qui-thuận theo tinh thần đạo-đức, lánh chốn mê-lầm tỉnh cơn mộng-huyễn, phá tan màn vô minh che mờ tâm trí, lần bước trên con đường đạo hạnh, đi đến chỗ Bất diệt, Bất sanh.
(SGTVTB 2004, tr. 193)
LƯỢC GIẢI :
1.- ĐỊNH NGHĨA:
Mê si cũng gọi là vô minh – ác thứ ba trong Ý Nghiệp. Có nghĩa lòng mê mờ không nhận rõ lý sự, khởi lên vọng-hoặc điên-đảo (tà kiến), khiến người lầm lũi trong tội lỗi, như người đi đêm không có đèn đuốc nên phải lạc vào hầm hố. Mê si là đối tượng của trí huệ.
2.- NGUYÊN NHÂN:
Xưa Đức Phật bảo rằng:“Tâm trí mê muội tội lỗi chập chồng, không biết đường giải thoát. Đó là nguyên nhân của sanh tử luân hồi, không bao giờ dứt”.
Đức Thầy nay cho biết:“Tội ác nầy do sự thiếu óc phán đoán, thiếu sự suy nghĩ mà ra”. Ngài cũng đã nói:
“Ác thứ mười đoạn chót mê si,
Nguyên tăm tối từ hồi vô thỉ.
Màn vô minh che mờ căn trí,
Nên thường khi nhận ngụy làm chơn”.
3.-CẢNH TRẠNG:
Người còn mê si không phân biệt được lẽ phải trái, nên hay bảo thủ những thiển kiến sai lầm, chẳng chịu nhìn nhận chân lý. Họ chỉ biết:
“Lo huyễn thân vật chất kém hơn,
Chẳng tìm biết tinh thần đạo đức”.( ĐT)
4.- TAI HẠI:
a) Người còn mê si suốt đời ngu muội, chỉ biết đua đòi theo vật chất nhỏ nhen, mau tan mau rã.
b) Tin bướng nghe càn, không tìm hiểu chơn lý và con đường giải thoát; khiến cho màn vô minh càng lúc càng dầy, lưới nghi ngờ càng thêm bao phủ. Đức Thầy đã chỉ rõ:
“Dệt lưới nghi đeo điều phiền phức,
Bịn rịn đời cực khổ tang thương.
Khi nói làm ít chịu suy lường,
Mãi phạm tội nên rằng nghiệp ác”.
5.- CÁCH GIẢI TRỪ:
Để giải trừ ác mê si, hành giả phải thi hành các phương cách:
a) Nương theo tinh thần đạo đức, giác ngộ và tu tập trí huệ. Vì mê si như đêm tối, trí huệ như ngọn đèn. Có đèn thì bóng tối tiêu tan, nên khi có trí huệ thì vô minh (mê si) dục vọng chẳng còn, thấu đạt chơn lý. Đức Thầy dạy:
“Nương theo đuốc huệ tầm chơn lý,
Lóng tiếng từ bi diệt dục lòng”.
b) Dùng trí huệ xóa bỏ những mê tín dị đoan, mê lầm mộng ảo, phá tan lòng nghi ngờ giải đãi. Nhứt tâm tinh tấn theo con đường giác ngộ để tiến tới Niết Bàn.
Lúc Đức Thầy mới khai đạo, ông Đặng Thành Tựu có đến Tổ Đình hỏi Ngài:
-Bạch Thầy, con muốn trừ diệt mê si phải làm sao? Đức Thầy đáp:
– Muốn diệt mê si, tâm mình phải giác.(Xem thêm quyển Chuyện Bên Thầy II, có giải câu chuyện đầy đủ.)
Sau nầy trong KHUYẾN THIỆN, Quyển 5, Đức Thầy có dạy rõ:
“Diệt mê si phải nương thuyền giác,
Muôn việc làm chánh trực khôn ngoan.
Đừng bạ đâu tin bướng nghe càng,
Làm ngu muội đọa thân uổng kiếp”.
6.- LỢI ÍCH:
a) Nhà tu khi trừ được mê si, tức trí huệ sáng mầu.
b) Nhận được đâu là mê tín, ngụy tà để tránh và đâu là chánh tín, chơn thật nên theo.
c) Tâm ý luôn thuần thiện, trên đường độ đời, giác chúng đều đầy đủ nhân duyên và thường gặp bạn Thiện tri thức.
7.- KẾT LUẬN:
Tóm lại, mê si là một trong 10 món phiền não căn bản. Chính nó sanh ra 8 vạn 4 ngàn trần lao phiền não và nghiệp nhân luân hồi sanh tử. Dù cho các bực Tiên gia, có ngũ thông mà chưa trừ dứt mê si cũng phải huờn tục, như Thiên Bồng Nguyên Soái bị đọa làm Trư Bát Giái. (Bát Giái, dụ cho tâm mê si: Mê ăn, mê ngủ, mê sắc dục. Tam Tạng nhờ có Tề Thiên, dụ cho Trí huệ, mới thâu phục được Bát Giái cải tà qui chánh cùng đi thỉnh Kinh Tây phương. Sau Thầy trò mới thành chánh quả.) Cho nên, nhà tu muốn trừ nghiệp nợ luân hồi sanh tử, tức 10 điều ác mà gốc nó chính là mê si, tất phải dùng trí giác ngộ soi tan bóng tối (mê si). Như Đức Thầy đã dạy:“Muốn diệt mê si tâm mình phải giác”, tất nhiên hành giả sẽ được tự tại mà tiến đến nơi bất diệt bất sanh (Niết Bàn).
“Niết Bàn tịch tịnh là đường vô sanh”.( ĐT).
TỔNG LUẬN :
Căn cứ theo Tôn chỉ “Học Phật Tu Nhân” của Phật Giáo Hòa Hảo, chúng ta đã nghiên cứu và tu học qua loạt bài Tứ Ân và Tam nghiệp thập ác là hết phần “Tu Nhân”. Tuy Đức Giáo Chủ giảng Tứ Ân trước Tam nghiệp thập ác, nhưng đến đoạn chuyển đề, Ngài lại dạy tránh Tam Nghiệp, chừa Thập ác trước khi đáp “Tứ Ân”. Bởi Tam Nghiệp và Thập Ác là hột giống sanh tử, là nghiệp nợ luân hồi, nên cần diệt trừ trước. Còn đáp Tứ Ân là tạo vô lượng phước đức, để làm phương tiện tiến đến bờ giải thoát.
Tam Nghiệp, Thập Ác có thể ví như những cây cỏ dại. Còn Tứ Ân ví như các giống lúa. Nhà nông muốn lúa trúng mùa, trước phải nhổ sạch cỏ rồi mới gieo lúa. Song đó mới là nấc thang đầu (Tu Nhân) là nền tảng vậy thôi. Cho nên người tín đồ PGHH cần phải tiến lên giai đoạn học Phật và tu Phật nữa mới ra khỏi sanh tử và chứng quả Bồ đề. Vẫn biết hột giống Bồ đề đã có sẵn trong ruộng tâm của mỗi người, song phải nhờ nguồn mưa pháp rưới vào nó mới nảy mầm đâm tược.
“Suối Tiên Thanh* đổ ra cuồn cuộn,
Tràn ruộng lòng gieo giống mới nên”.( ĐT)
*(Có bản chép là Suối Tiên Thánh)
Bấy giờ hành giả phải ra công vun tưới và kiên trì, bắt sâu sửa nhánh (dẹp sạch vô minh phiền não) thì quả giác ngộ mới đạt thành.
“Phật Đạo trau giồi tâm tánh lại,
Giác thuyền chuyên chở lúc can qua”.( ĐT).
Cho nên, tới đây Đức Thầy dạy chúng ta tu học “Bát Chánh Đạo và niệm Phật”.
|