Bài 7.- TRONG VIỆC TU THÂN XỬ KỶ
CHÁNH VĂN
Sự lễ bái không đủ cho ta tỏ ra một tín-đồ chân thành của đạo Phật được. Tại sao vậy ?
Vì Đức Phật chẳng bao giờ ngỏ ý rằng: “Các người hãy lạy thờ ta cho nhiều rồi ta sẽ độ giúp các người” mà trái lại, Ngài dạy rằng: “Các người nên hiểu biết phận-sự con người phải làm gì trong kiếp sống và tìm kiếm chân tánh của mình”. Thiệt-hành theo giáo-lý của Ngài thì Ngài sẽ hướng-dẫn và ủng-hộ vậy.
Ta hãy đem đức-tin trong sạch mà thờ kỉnh Phật và hãy đem lòng lành mà hành-động y theo lời phán dạy của Phật.
Nếu ta cứ đem đức-tin thờ-phượng tôn-giáo bằng cách sai-lầm thì rất có hại cho đời mạng của ta. Như vậy chỉ tỏ ra một người rất mê-tín (mặc dầu Đạo của ta thờ là một Đạo rất chánh đáng).
Vậy đồng thời với Đức-Tin và Lòng Lành phải để cho nó đi cặp luôn luôn. Có Đức Tin (tin về thần quyền) mà thiếu Lòng Lành thì rất dễ bị tà-thần cám dỗ, bọn tăng-đồ lợi-dưỡng gạt-lường. Bởi những kẻ ấy thường bày ra cúng-kiếng để chuộc tội, hoặc bắt-buộc ta thờ-kính một cách phiền-phức làm cho lòng u-tối của ta càng ngày càng u-tối thêm.
Còn có lòng lành mà thiếu đức tin vào công việc từ thiện của mình thì lòng lành ấy thường hay thối chuyển vậy.
Vậy đồng thời với đức tin và lòng trí lành phải đi cặp luôn luôn.
Có đức tin và lòng lành rồi thì dùng trí-huệ mà bình-đoán cái Đạo của ta đang học hay sẽ học một cách xác-thực, tìm hiểu cho rõ-ràng cái mục-đích ấy, như thế mới mong thoát khỏi tà kiến gạt-gẫm ta đem đức tin, lòng lành cống hiến vào chỗ thấp hèn hay một ông thầy mê dốt.
Người học Đạo muốn mở mang trí-huệ cần phải tìm phương-pháp diệt cái vô-minh (tối tăm ngu muội).
Muốn diệt cái vô-minh trước hết phải điêu-luyện khối tinh-thần cho mạnh-mẽ đặng tự lập con đường rõ-ràng, duy nhất của mối Đạo mình đang học để lấy đó làm cương-mục mà bài trừ những thành-kiến, cố chấp, thói quen, sự chần chờ, lòng ham muốn, tánh kiêu-ngạo, tật-đố, gièm-siểm, dua-nịnh, ích-kỷ tư tâm, sự gây gổ, mê đắm trong bể dục-tình và sự phiền-não nó làm cho náo loạn cõi lòng. Nên bài trừ được nó rồi trí huệ tất mở-mang vậy.
Người có tâm nếu không tập suy-gẫm cho mở trí thì hay dễ bị lường gạt.
Người có trí mà vô tâm thì hay xảo trá. Nên trí và tâm của người học Đạo cần tìm cách làm cho nó được phát-triển cả hai để lấy tâm làm chủ trì mọi việc, lấy trí mà phán xét mọi việc trước khi ta sắp đưa cho tâm chủ trì. Được như thế chắc-chắn ta học Đạo mau thành công đắc quả.
Đừng thấy ai theo mối Đạo nào đông-đảo rồi ta cũng vội vàng theo Đạo ấy mà lúc đó ta chưa hiểu giáo-lý ấy như thế nào.
Cũng đừng thấy người ta thờ Phật rồi vội-vã lập bàn thờ Phật, mà chưa hiểu ông Phật thế nào và tại sao phải thờ kính Đức Phật. Nếu tu như thế, thờ Phật như thế, thì càng tu càng thờ bao nhiêu càng tỏ ra cho thiên hạ thấy rõ ta mê-tín bấy nhiêu. Đó cũng là cái đích để cho người vô Đạo nhắm đó mà bài-bác, nhạo chê hủy-báng và cũng rất uổng cho cái công trình thành-kính lễ-bái của ta vậy.
Cho được tránh những điều ấy, trước khi thờ, học Đạo nào, hay theo ông thầy nào, ta hãy suy-gẫm, phán-đoán kỹ-càng; chừng hiểu biết rõ-ràng ta sẽ hành theo Đạo ấy, Thầy ấy. Chẳng được như vậy, dầu mình theo Đạo rất chánh đáng, ông Thầy rất thông minh cũng chẳng có ích chi cho mình cả.
Sự đầu tiên của người hành Đạo là cốt sửa những tư-tưởng, tìm cách đánh đổ tư-tưởng xấu xa, đem thay vào những tư-tưởng ôn-hòa, đạo-đức.
Bạcliêu, năm Nhâm-Ngũ.
( SGTVTB 2004, 457-460 )
LƯỢC GIẢI:
XUẤT XỨ – VĂN THỂ – ĐẠI Ý:
Đây là bài giáo lý sau cùng trong loạt bài Pháp luận mà Đức Thầy đã sáng tác vào năm Nhâm Ngũ (1942), lúc Ngài lưu trú tại tư gia ông Võ Văn Giỏi (Bạc Liêu). Ngài viết theo thể văn xuôi, lối thuyết giáo.
Đại lược bài “Trong Việc Tu Thân Xử Kỷ” bao gồm các vấn đề quan thiết, căn bản. Cũng được gọi đây là điều then chốt hay bí yếu trong Giáo lý PGHH. Vậy mỗi tín hữu chúng ta cần phải tìm học lý nghĩa cho chính xác, và y cứ theo đó thực hành, sẽ được kết quả chắc chắn.
NỘI DUNG:
Chúng tôi căn cứ nội dung của bài, phân ra các đề mục và lược giải như sau:
I- LỜI DẠY QUAN TRỌNG:
Vẫn biết từ xưa đến nay, mục đích chính của Đạo Phật là chỉ thẳng vào vô vi thật tướng; song vì muốn rộng độ các tầng lớp chúng sanh, mà ngay từ Đức Phật, chư Tổ, chư Sư đều phải áp dụng muôn ngàn phương tiện. Từ hình thức đến nội tâm, từ sự đến lý, để thích hợp với mọi cơ duyên cho mỗi tín đồ tiện bề tu học.
1/-SỰ THỜ CÚNG LỄ BÁI:
Đây là vấn đề đầu tiên của người sơ cơ hành đạo. Khi hành giả phát tâm qui y Phật, tất phải phụng thờ Tam Bảo, hằng ngày lo lễ bái công phu, ăn chay niệm Phật, hành thiện tránh ác và nghiêm trì giới luật. Vào năm 1939 Đức Thầy đã dạy môn đồ:
“Tưởng nhớ Phật như ăn cơm bữa,
Vọng Cửu Huyền sớm tối mới mầu”.
Và:
“Sớm với chiều gắng chí nguyện cầu,
Thì sẽ được tòa chương dựa kế”.
Hoặc là:
“Sớm chiều bình đẳng chớ lơi,
Thường hằng như vậy, nhớ lời đừng sai”.
Các lời dạy đó, mỗi tín đồ ai cũng phải trì hành, song đây mới là nấc thang đầu là sự tướng của Đạo và cũng là phương tiện phụ thuộc mà thôi. Cho nên đến năm 1942, Đức Thầy đưa tín đồ lên một bước nữa để đi đến sự lý dung thông. Ngài nói:“Sự lễ bái không đủ cho ta tỏ ra một tín đồ chân thành của Đạo Phật được”. Rồi Ngài tự đặt câu hỏi: “Tại sao vậy ?” Bởi tâm lý chung của người mới tu, khi nghe lời dạy trên ai cũng không khỏi thắc mắc. Đoạn rồi Ngài trả lời liền theo đó:
“Vì Đức Phật không bao giờ ngỏ ý rằng: “Các người hãy lạy thờ ta cho nhiều rồi ta sẽ độ giúp các người”, mà trái lại, Ngài dạy rằng: “Các người nên hiểu biết phận sự con người phải làm gì trong kiếp sống và tìm kiếm chân tánh của mình”. Thiệt hành theo giáo lý của Ngài thì Ngài sẽ hướng dẫn và ủng hộ vậy”.
Đây là phần chính yếu và quan trọng trong Tôn Chỉ “Học Phật Tu Nhân” của PGHH.
2/-PHẬN SỰ CON NGƯỜI:
Phận sự tức là bổn phận, là một trong nhiều nghĩa của chữ Đạo. Đạo là bổn phận của mỗi người.
Là một nền Đạo phát xuất từ lòng dân tộc, nhập thế cứu đời. Bắt nguồn từ Sơ Tổ Tuệ Trung Thượng Sĩ, qua Trúc Lâm Tam Tổ (Tam Tổ: Sơ Tổ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Nhị Tổ Pháp Loa Tôn Sư, Tam Tổ Huyền Quang Tôn Sư) đến Phật Thầy Tây An với Bửu Sơn Kỳ Hương và Đức Huỳnh Giáo Chủ với Phật Giáo Hòa Hảo hiện nay. Nhận thấy có sự tương quan và thừa kế rất kỳ diệu, như khi xưa Vua nhà Trần lên núi tìm Phật, có đến hỏi Quốc Sư Phù Vân thì Ngài đáp: “Phật không có trên núi, Vua muốn tìm Phật phải đứng tại thế gian mà tìm”, Và Ngài Pháp Loa hỏi Sơ Tổ Giác Hoàng:“Yếu chỉ của sự tu hành là thế nào ?”. Ngài Điều Ngự Giác Hoàng cũng đáp: “Phản quang tự kỷ bổn phận sự”– Có nghĩa là phải xoay cái nhìn lại chính mình đó là phận sự gốc của người tu. Ngày nay Đức Giáo Chủ cũng dạy Môn đồ:
“Bạch trinh giữ lấy nghĩa nhân,
Muốn về cõi Phật lập thân cõi trần”.
Và:
“Phật tại tâm chớ có đâu xa,
Mà tìm kiếm ở trên non núi”.
Vậy phận sự của con người tức là Đạo Nhân. Trong đây gồm có hai phần: Tu thân và Xử thế tiếp vật.
a)-TU THÂN:
Tức là trau sửa thân, khẩu, ý. Vì trong con người của mỗi chúng ta đều có ba phần: hành động, ngôn ngữ và ý tưởng; mà ý tưởng tức là tâm, vì nó là nguồn gốc tất cả. Hễ ý tưởng tốt thì lời nói việc làm đều tốt, bằng ý tưởng xấu thì lời nói việc làm cũng xấu theo. Chính nó là nghiệp nhân của luân hồi sanh tử. Vậy ai muốn giải thoát sanh tử, trước phải tu thân. Đức Thầy hằng dạy:
“Trời Phật thương người lo độ tận,
Muốn lo giải thoát phải tu thân”.
Và:
“Tu thân thiện tín phải chuyên cần,
Lục tự Di Đà giữ Tứ Ân”.
Theo đây ta phải chuyên cần bằng cách nào ? Để thiệt thi đúng theo ý nghĩa, là hành giả trong tứ tướng oai nghi (đi, đứng, ngồi, nằm), giờ phút nào cũng theo dõi và kiểm soát thân, khẩu, ý mình một cách chặt chẽ. Đừng cho vi phạm 10 điều ác và luôn thi thố 10 điều lành để được trọn lành, trọn sáng.
“Ác trừ xong hiện ra thiện nghiệp,
Lóng nguồn chơn Phật tiếp dẫn cho”.( ĐT)
Ngoài ra, chúng ta còn có bổn phận quan trọng là: “Hãy tìm con đường giải thoát cho mình bằng cách lạc Đạo an bần xả thân tu tỉnh”( ĐT).
b)-XỬ THẾ TIẾP VẬT:
Đây là bổn phận của chúng ta vừa lo đền đáp Tứ đại trọng ân:“Tứ ân đã trả chẳng còn tội căn”( ĐT). Và vừa đối xử với mọi người, mọi giới từ gần đến xa. Gần là trong gia đình cha mẹ có bổn phận thương nuôi dạy dỗ các con. Làm con có bổn phận phụng dưỡng cha mẹ cho tròn câu hiếu đạo. Vợ chồng cư xử ân nghĩa song toàn, anh em đối đãi hài hòa kính thuận. Xa là còn có bổn phận đối với cô bác trong thân tộc và mọi người chung quanh trong xã hội. Mỗi mỗi đều cư xử toàn hảo toàn hòa để đem lại niềm an vui hạnh phúc chung.
Nói tóm lại, chúng ta hãy tự thấy mình trong hiện tại đang đứng vào địa vị nào, phải xử sự đúng với bổn phận của địa vị đó. Ấy là Đạo, chớ không phải còn kiếm cái Đạo ở viễn vong.
Đức Thầy đã tóm tắt ý nầy trong một đoạn Giảng:
“Đạo Tôi-Chúa chặt gìn câu chung thỉ,
Đạo Thầy-Trò khắc cốt với ghi xương.
Đạo Cha-Con chặt chẽ chữ miên trường,
Đạo Chồng-Vợ thuận hòa cho đến thác.
Biết lễ nghĩa kính yêu cùng cô bác,
Nội tông cùng ngoại tổ với cậu dì.
Thêm kính nhường anh chị kẻ cố tri,
Mắt chẳng thấy lũ gian phi xảo trá.
Đạo bè-bạn bất phân nhơn với ngã,
Chữ nghĩa tình sắt đá mãi bền gan”.
3-TÌM KIẾM CHÂN TÁNH:
Đây là phần học Phật và tu Phật. Vậy chân tánh là cái gì ? Và muốn tìm nó ta phải tìm ở đâu ?
a)- ĐỊNH NGHĨA VÀ VỊ TRÍ:
Hiểu theo văn tự, chân tánh là cái tánh chân thật của mỗi người, ai cũng có, cũng gọi là tánh Phật hay Phật tánh. Đức Phật xưa đã bảo: “Nhơn nhơn hữu tánh Như Lai”. Hoặc là: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”. Đức Thầy hiện nay cũng nhận định như vậy và Ngài còn chỉ vị trí của tánh Phật.
“Nhàn thanh tìm kiếm, kiếm nơi tâm,
Phật cũ ngày xưa hãy rán tầm”.
Và:
Thấy Đạo lý chớ nào thấy tánh,
Còn ẩn nơi tim óc xác phàm”.
Ngài còn quả quyết: “Chẳng nói vắn dài Phật nọ tức tâm”. Và ai muốn thấu đạt thì:
“Hãy bền lòng tầm Phật trong tâm”( ĐT).
Nếu hành giả nào tìm Phật ngoài tâm thì như tìm sừng thỏ lông rùa, làm sao thấy được ? Lục Tổ đã bảo: “Người tu mà bỏ tâm đi tìm Phật, như người đội nón đi tìm nón, cỡi trâu lại tìm trâu”. Đức Phật Thầy Tây An cũng cảnh tỉnh mọi người:
“Ngọc nhà luống bỏ chẳng mài,
Tiểu tâm vì bởi cậy tài nên xa”.
Thêm nữa, người muốn tìm tánh Phật mà chỉ chạy theo hình tướng sắc màu hay Kinh kệ, lễ bái suông, hoặc ngôn từ đối đãi lại còn cách xa hơn nữa. Bởi: “Sắc tướng thinh âm chư ngoại giáo, chơn truyền cụ thất Đạo nan thành” (Kinh Phật). Cho nên Tổ Sư Đạt Ma có dạy:
“Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền.
Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”.
b)-PHƯƠNG CÁCH THẤY TÁNH:
Khi biết rõ vị trí của chân tánh ở trong tâm của mỗi người, nhưng chẳng phải dễ gì thấy được. Bởi nó còn tiềm ẩn trong tim óc xác phàm của mỗi chúng ta. Ví như ly nước múc từ dưới sông lên, cặn cáu còn lộn lạo đục ngầu. Sau khi ta lóng lặng và lọc ra thì còn lại chất nước trong tốt lành. Cho nên ngoài ly nước đục không có chất nước trong, cũng như ngoài tâm chúng sanh không có tánh Phật, ngoài phiền não không có bồ-đề…
Thế thì ai muốn thấy tánh Phật, phải thấy tánh chúng sanh trước, cũng như muốn thấy Bồ-đề (giác ngộ) trước phải thấy phiền não. Rồi ra công lọc lừa, chuyển hóa nó lại, như Đức Phật Thầy TâyAn từng dạy:
“Lọc lừa thì đặng nước trong,
Ma Phật trong lòng lựa phải tầm đâu ?”
Và Ngài còn bảo: nếu nước được lắng trong thì tự nhiên bóng nguyệt hiện bày. Cũng như người tu khi quét sạch bụi trần đang bám víu nơi tâm tư thì nghiệp sanh tử liền dứt. Bấy giờ đài minh cảnh, tức trí huệ của mình sáng tỏ. Ấy là đoạn hết nợ tiền khiên và được hoàn về “Thể Tánh Chơn Như”, tức là Kiến tánh thành Phật:
(Thủy thanh nguyệt ảnh hiện tự nhiên,
Tảo tận trần ai đoạn thế duyên.
Thủy nguyệt Quan âm Minh Cảnh chiếu,
Danh như bổn tánh đoạn tiền khiên).
Còn Đức Thầy hiện nay Ngài dạy tín đồ:
“Trí hiền tâm đức chùi lau,
Ra công lọc kỹ thì thau ra vàng”.
Vậy hành giả nào muốn tìm kiếm chân tánh, nên noi theo gương hạnh của Đức Lục Tổ Huệ Năng, Đức Thầy có đề cập:
“Khùng nói cho già trẻ làm tin,
Theo Lục Tổ chớ theo Thần Tú”.
Thuở Lục Tổ còn là một tiều phu, ông đang đi đốn củi, bỗng được nghe người tụng Kinh Kim Cang đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.(Nên trụ cái tâm ở chỗ không sanh). Nghe xong ông liền tỉnh ngộ quyết chí tu hành, ông trở về xin phép mẹ rồi đến chùa Huỳnh Mai xin thọ giáo với Ngũ Tổ. Khi nhập viện xong, ông bị đồ chúng coi thường, nên họ cắt phần ông phải giã gạo suốt ngày, không giờ nào rảnh để lên giảng đường nghe pháp, hoặc lễ bái công phu. Dầu vậy, ông vẫn an vui, nghĩ mình ở trong đạo tràng thì phải có bổn phận giã gạo cho đồ chúng ăn và chỉ chuyên lo tu rèn môn Kiến Tánh. Nghĩa là vừa làm phận sự, vừa nhìn thẳng vào tâm mình và an trụ chỗ vô trụ. Giờ phút nào cũng liên tục như vậy. Thế là chỉ hơn 8 tháng, lòng ông hoàn toàn trong lặng…
Đến lúc Lục Tổ và Thần Tú vâng lịnh Thầy trình Kệ Kiến Tánh thì Thần Tú làm bài kệ lạc đề vì còn có tướng và tương đối. Đây là bài kệ của Thần Tú:
“Thân thị Bồ Đề thọ,
Tâm như Minh Cảnh đài.
Thời thời cần phất thức,
Vật sử nhá trần ai”.
(Thân ấy Bồ Đề thọ,
Tâm như Minh Cảnh đài.
Giờ giờ cần phủi sạch,
Chớ để vướng trần ai).
Và đây là bài kệ của Lục Tổ:
“Bồ Đề bổn vô thọ,
Minh Cảnh diệc phi đài.
Bổn lai vô nhứt vật,
Hà xứ nhá trần ai”.
(Bồ Đề vốn không cây,
Minh Cảnh cũng chẳng phải đài.
Xưa nay không có vật,
Nào chỗ vướng trần ai).
Bài kệ của Lục Tổ là vô tướng, không còn biệt phân đối đãi, chứng tỏ Ngài đã kiến tánh. Song vì muốn bảo vệ Lục Tổ, nên Ngũ Tổ vừa bôi bài kệ của Lục Tổ, vừa nói: “bài kệ nầy cũng chưa thấy tánh và bảo đồ chúng hãy chép bài kệ của Thần Tú mà tu học, vì bài nầy hợp với người đang tu.”
Sau đó, Ngũ Tổ đi đến chỗ Lục Tổ đang giã gạo, hỏi:
-Ông giã gạo trắng chưa ?
Lúc đó ông hiểu ý Thầy mình muốn hỏi Đạo xong chưa, nên trả lời:
-Bạch Thầy ! Gạo giã đã trắng rồi, nhưng chưa có người sàng.
Ngũ Tổ liền cầm gậy gõ vào tay cối 3 cái, rồi chấp tay sau lưng đi lên. Lục Tổ liền hiểu Thầy bảo mình đến canh ba vào ngõ sau cho Ngài truyền Đạo. Quả đúng như vậy, tới giờ đó Lục Tổ đến nơi, thấy cửa không gài, chỉ khép lại. Ngài liền hé cánh cửa lách mình vào thì Ngũ Tổ ngồi dậy và thuyết Kinh Kim Cang cho Lục Tổ nghe. Ngài nghe đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì hoát nhiên đại ngộ. Ngài liền ngâm Kệ:
“Nào dè tánh mình vốn sẵn thanh tịnh,
Nào dè tánh mình vốn sẵn đầy đủ.
Nào dè tánh mình vốn không lay động,
Nào dè tánh mình vốn không sanh diệt,
Nào dè tánh mình hay sanh muôn pháp”.
Đoạn Ngũ Tổ trao y bát cho Ngài và dặn dò mọi việc rồi đưa Ngài ra đi để sau nầy nối ngôi Tổ thứ sáu.
Xuyên qua gương hạnh của Đức Lục Tổ, thấy rằng Ngài chỉ vừa làm phận sự, vừa tu trực chỉ nhân tâm mà kiến tánh thành Phật. Cho nên Đức Thầy mới dạy chúng ta lời quan thiết là vừa làm bổn phận của một con người và vừa tìm kiếm chơn tánh. Không phân biệt người tu xuất gia hay tại gia, hoặc một hình thức cố định nào và cũng không luận giờ khắc hay hoàn cảnh, miễn lúc nào cũng thực hành y như lời dạy trên, tất được thành công mỹ mãn.
Đó là pháp tu Đại thừa đốn giáo, do Đức Lục Tổ thực hành và lưu truyền lại. Chung qui gồm vào ba điểm chánh là: vô tướng, vô trụ và vô niệm.
c)-VÔ TƯỚNG – VÔ TRỤ – VÔ NIỆM:
Với ý pháp nói trên, Đức Giáo Chủ PGHH cũng dạy môn đồ như thế, nhưng vì muốn cho trình độ nào cũng có thể tu học được và thành quả như nhau mà Ngài dùng một thứ văn ngữ mới, tóm tắt trong hai phần:
1-TU TRỰC THẲNG CHÂN TÁNH:
Trước nhất là Vô Tướng, tức tu thẳng vào vô vi thật tướng, không thiên chấp ở hình thức sắc màu hay một nhân duyên tác động nào, nhưng cũng chẳng phải là không làm gì hết. Nghĩa là tu tất cả hạnh lành mà không chấp mình có tu hay có pháp để hành. Cũng không còn phân biệt nhân ngã hay ngữ ngôn đối đãi. Đó là đúng với ý câu “Thật Tế lý địa” (Thật tế lý địa, Bất nhiễm nhứt trần, Vạn hạnh môn trung, Bất xả nhứt pháp). Và chánh pháp vô vi, như Đức Thầy dạy:
“Hiệu Lão sĩ ra đời thật tế,
Đem lời vàng dạy dỗ dương trần”.
Và:
“Làm vô vi Chánh Đạo mới mầu,
Đạo Thích Ca nhiều nẻo cao sâu,
Hãy tìm kiếm cái không mới có”.
Cũng như: “Vô pháp tướng mới là thiệt tướng”. (Không còn phân biệt tướng người, tướng ta, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tức chứng được cái chơn tướng Như Lai (Kim Cang Kinh).
-VÔ TRỤ: là không trụ vào chỗ nào và cũng không trụ vào chỗ “vô sở trụ”. Cứ tùy duyên mà làm, tùy duyên mà nói, duyên hết thì buông xả, chẳng còn dính dáng vào chỗ nào hay việc làm, lời nói nào. Đức Thầy hằng cho biết:
“Chúng sanh mê nên đem pháp thuyết,
Giải thoát rồi pháp bất khả dùng”.
Và:
“Nội quang cảnh tâm vô kỳ vật…
…Ngoại quan hình bất chấp kỳ hình”.
-VÔ NIỆM: Là lòng luôn chánh niệm mà tâm không chấp được chánh niệm, hoặc niệm Phật đến chỗ nhứt tâm bất loạn mà không chấp mình có niệm, đồng với lý “vô tu, vô chứng, vô sở đắc”. Chính đó là niệm cái “Bản lai thanh tịnh”, mà cái “Bản lai thanh tịnh” là cái tâm trong lặng, làu làu sáng tỏ. Không an trụ nơi nào mà nơi nào cũng có và lúc nào cũng luôn bình đẳng như như. Ấy gọi là “Phật hóa tánh tình”, tự tại giải thoát.
2-TU TUẦN TỰ:
Tức tu lần lần từ thấp lên cao, từ chỗ còn thấy có tu có niệm đến vô tu, vô niệm. Cách nầy Đức Thầy dạy ai muốn thấu đạt tánh Phật phải tu Thiền định, tức Chánh định. Ngài bảo:
“Hãy rán tu tâm dưỡng tánh lành,
Đừng cho ma nghiệp vọng tâm sanh.
Quay về cõi phúc đường chân Đạo*,
Phật pháp Thiền Na* dốc thực hành.”
(*Chân đạo cũng gọi là Chân tánh.
*Thiền Na là Thiền định).
Và một đoạn giảng gồm nhiều pháp tu:
“Rày tỉnh ngộ ái hà quyết dứt,(1)
Đèn đạo tâm sáng rực soi đường.(2)
Cầu tu cho đạt ngũ hương,(3)
Huơi gươm trí huệ ma vương hãi hùng”.(4)
Làm cho chúng phục tùng chơn lý,
Trong sắc thân giám thị lục căn.(5)
Đừng cho chúng tính lăng quằng,
Ngoài thì chấp thủ mà ngăn lục trần.
Phá ngũ uẩn rứt lần tham ái,(6)
Cội sân si cũng phải tảo trừ.(7)
Đem về giác tánh chơn như,(8)
Kim thân thị hiện dứt trừ tử sanh”.(9)
-Qua 4 câu thi và 12 câu giảng của Đức Thầy, xét thấy hàm chứa bao ý pháp. Là một tín đồ, chúng ta cần suy cứu để thấu đạt lý nghĩa và thực hành tất được kiến tánh.
Đến đây, xin kể câu chuyện có liên quan một trong các phương cách đã dạy trên. Chuyện xảy ra lúc Đức Thầy mới khai Đạo tại Tổ Đình, Thánh địa Hòa Hảo. Một hôm sau giờ thuyết pháp tối, Ngài nằm nghỉ nơi ghế bố. Ông Đặng Thành Tựu từ phía sau đi tới. Ngài liền ngồi dậy, ông Tựu chấp tay xin Ngài cho hỏi ít lời Đạo lý.
Đức Thầy vui cười nói:
– Có phải ông muốn hỏi tu làm sao cho được minh tâm kiến tánh, phải không ?
Nghe Đức Thầy hỏi trúng ý mình, ông Tựu thưa tiếp:
– Tôi thiết nghĩ không riêng tôi mà bất cứ ai tu hành, chắc cũng đều muốn được như vậy.
Đức Thầy liền nói:
– Không ! Ở đây tôi không có dạy pháp minh tâm kiến tánh mà chỉ có dạy: “Diệt lục căn đừng nhiễm lục trần”. Đoạn rồi Ngài vừa đọc vừa giải thích đoạn giảng trong “Giác Mê Tâm Kệ” từ câu “Diệt lục căn đừng nhiễm lục trần” đến câu “Dứt được nó ấy là giải thoát” cho ông Đặng Thành Tựu nghe.
Qua câu chuyện kể trên chắc ai cũng nhận được “diệt lục căn, lục trần” là cái nhân tu hành, còn “minh tâm kiến tánh” là cái quả chứng đắc. Hễ 6 căn không còn duyên nhiễm theo 6 trần thì hành giả tự nhiên kiến tánh. Đây là một trong nhiều lý pháp của 12 câu giảng dẫn trên. Đức Thầy còn dặn dò thêm, nếu ai …thiệt hành theo giáo lý của Ngài thì Ngài sẽ hướng dẫn và ủng hộ vậy.
II- ĐỨC TIN VÀ LÒNG LÀNH :
Đức tin là việc đầu tiên của mỗi người ai cũng cần phải có. Cổ Đức bảo: “Nhơn vô tín bất lập” (Người không có lòng tin thì chẳng làm nên việc gì). Từ một em học sinh đến hạng thầy thợ cũng vậy, đi học phải tin thầy cô giáo và tin mình có học mới khỏi dốt, còn được thi đậu làm quan, làm thầy giáo nữa; kẻ học nghề có tin thầy thợ mới nên việc.
Đối với người tu Phật còn quan trọng hơn, hành giả phải có lòng tin Phật, tin Pháp, tin Tăng và tin mình có đủ khả năng tu thành Phật quả, mới hăng hái và kiên chí tiến hành. Song có đức tin cũng cần có trí lành đi cặp nhau, lòng mới được trong sạch, sáng suốt và chánh tín. Bằng thiếu trí lành, ắt phải bị sai lầm và mê tín theo tà đạo.
1/-ĐỨC TIN TRONG SẠCH:
Là đức tin chánh đáng đúng chân lý, không lợi dụng riêng tư, tin Phật và tin Thầy có lòng từ, bi, hỉ, xả, rộng độ chúng sanh, mình cũng rèn tập tâm đức ấy để thành Phật như các Ngài. Không hề sân si buồn chán hay mong cầu lợi lạc riêng mình mà có hại cho kẻ khác.
2/-LÒNG LÀNH:
Cũng gọi là lòng trí lành hay là hiền minh. Nghĩa là lòng mình có đủ tâm đức và trí huệ. Vừa học hỏi nhận xét giáo pháp của Tổ Thầy chính xác, để trọn niềm tin tưởng; và vừa cương quyết thực hành theo một cách nghiêm chỉnh.
“Chuyên chú nghĩ suy từ nét dấu,
Cố công gìn giữ tánh thuần lương”
Hoặc là:
“Coi rồi phải thân mình tự trị,
Chẳng độ xong Phật khó dắt dìu”( ĐT).
Hành giả có đủ hai điều kiện đức tin trong sạch và lòng trí lành mới không bị trở ngại trên đường tiến tu lập hạnh.
3/-TU THIÊN LỆCH CÓ HẠI:
Lòng tin tưởng Trời Phật và Đạo pháp là quí, tốt; nhưng thiếu trí lành để suy xét, cân nhắc sẽ gặp nhiều tai hại:
a)-Có đức tin mà thiếu lòng trí lành thì trước nhứt là bị các tà sư ngoại Đạo bức bách, cám dỗ, khiến chúng ta bỏ lòng tín ngưỡng Phật Trời. Hoặc họ bày ra bùa chú, phép linh, soi căn, coi bói, nói tướng ứng rù quến ta mê tín theo. Đức Thầy diễn tả cảnh trạng ấy:
“Thêm còn bị lắm phen dông tố,
Lời tà sư ngoại đạo gieo vào.
Cho nhơn sanh trong dạ núng nao,
Chẳng gìn chặt gương xưa mạnh mẽ.
Dùng thế lực dùng nhiều mánh khoé,
Cám dỗ người đặng có khiến sai.
Chúng nằm không hưởng của hoạnh tài,
Để khốn khổ mặc ai trối kệ”.
Hoặc là:
“Chúng nó xuống khuyên răn nhiều chỗ,
Dùng phép mầu loè mắt chúng sanh.
Ai ham linh theo nó tập tành,
Sa cạm bẫy khó mong sống sót”.
b)-Thứ nhì là bị “Bọn tăng đồ lợi dưỡng gạt lường” (ĐT). Đây là nói đến số người cùng chung một Đạo Phật với chúng ta, nhưng họ tu sai chơn lý, không tuân lời giáo huấn của Phật của Thầy; bởi lòng tham muốn còn nặng, nên họ đã tu hành còn mong lợi dưỡng riêng tư. Họ bày ra cúng kiếng lễ mễ, xin xăm bói quẻ, làm đám cầu siêu, cầu tài cầu phước, mạnh giỏi làm ăn, nợ duyên hạnh phúc.v.v…Ai đời chẳng gieo nhân mà muốn hưởng quả, làm sao đúng lý ?
c)-Còn “có lòng lành mà thiếu đức tin vào công việc từ thiện của mình” cũng có hại. Tuy hành giả có biết nhận xét và lòng từ thiện, nhưng thiếu đức tin hoặc lòng tin quá yếu kém, nên khi gặp thử thách bất ngờ, như: tai nạn, bệnh tật hoặc thời gian dài dặt, rồi nãn lòng thối chí không còn hành đạo nữa. Chúng ta thường thấy nhiều người hiểu Đạo cũng rành, lý luận Đạo pháp cũng hay, thế mà chỉ tu một thời gian rồi dừng lại. Bởi trí lành ở đây mới là kiến thức, chớ chưa phải là trí huệ; mà kiến thức là vọng thức, tức là cái biết còn trong vòng phân biệt thiên chấp. Thế nên khi gặp danh, lợi, tình câu nhữ thì lòng trí lành bị giảm xuống, hoặc mất đi. Bấy giờ hành giả sẽ thối chuyển hay bỏ Đạo thôi tu là khác. Vì thế, Đức Thầy mới ân cần khuyên dạy tín đồ: “Còn có lòng lành mà thiếu đức tin vào công việc từ thiện của mình thì lòng lành ấy thường hay thối chuyển”.
Cho nên, người tu cả đức tin và lòng trí lành phải làm cho phát triển quân bình chớ để chênh lệch. Khi có đủ hai đức tánh đó rồi, hành giả nên lấy trí huệ mà quán xét, nhận định cho rõ ràng nền Đạo pháp của mình đang tu học. Xem tại sao ta phải tu, giáo pháp hành đạo đó có thực tế và đúng chân lý không ? Và sẽ đưa ta đến mục đích gì ? Có giải thoát sanh tử cho mình và cả nhân loại chúng sanh không ?
Có nhận xét kỹ lưỡng như vậy, chúng ta mới không bị các chủ thuyết tà kiến gạt lường “…đem đức tin, lòng lành cống hiến vào chỗ thấp hèn hay ông thầy mê dốt”. Đức Thầy luôn luôn nhắc nhở:
“Đạo với lý từ đây nhiều vhỗ,
Phải lọc lừa cho kỹ mà nhờ.
Chọn nơi nào Đạo chánh phượng thờ,
Thì mới được thân sau cao quí”.
III -TU HUỆ:
Về cách tu huệ Đức Thầy dạy: “Người học Đạo muốn mở mang trí huệ cần phải tìm phương pháp diệt cái vô minh”. Bởi vô minh đồng nghĩa với mê si, tức là tối tăm ngu muội:
“Nguyên tăm tối từ hồi vô thỉ,
Màn vô minh che mờ căn trí,
Nên thường khi nhận ngụy làm chơn”.
Hay là:
“Bị vô minh vọng tưởng vạy tà,
Nên quay lộn ta bà cõi khổ”( ĐT).
Vô minh là đối tượng của trí huệ, hễ có trí huệ thì không có vô minh, mà có vô minh là không có trí huệ. Cũng như cây đèn và bóng tối. Vậy muốn phá trừ vô minh để trí huệ sớm hiện bày, Đức Thầy có dạy các phương cách như sau:
1- ĐIÊU LUYỆN KHỐI TINH THẦN CỨNG MẠNH:
Tinh thần là phần sáng suốt tinh anh và cái thấy nghe hay biết trong xác thể con người, tinh thần điều khiển mọi việc hư nên tốt xấu của xác thân. Thân xác ví như cái nhà và chiếc xe, còn tinh thần là ông chủ nhà và anh tài xế. Bấy lâu nay tâm hồn của mỗi chúng ta bị vô minh che lấp làm cho mê tối bạc nhược, nay muốn chiếu phá vô minh để cho thần trí sáng tỏ thì trước phải điêu luyện tức là rèn tập cho tinh thần cứng mạnh. Vậy rèn tập bằng cách nào ?
Bất cứ nghề chi hay làm việc gì muốn cho kết quả tốt người ta cũng phải rèn tập. Như tập lái xe, tập gánh nước, vác lúa, võ công.v.v…luyện tập từ dở đến hay, từ chậm đến lẹ, từ yếu đến mạnh, song những cái đó thuộc về hình tướng. Về mặt tinh thần tuy không thấy, không rờ mó được, song mỗi người của chúng ta tự hay biết, như: ham muốn, mừng giận, ghét thương.v.v…đã có sẵn trong mỗi người từ thuở bé. Khi ta nhìn thấy người khác có các tánh xấu ấy thì mình không đồng ý, nhưng ít ai chịu nhìn lại mình để tự thấy, tự kiểm lại các tánh xấu đó mà loại trừ. Đức Thầy khuyên nhắc:
“Ai ai cũng rán xét mình,
Nếu còn tánh xấu thì rinh ra ngoài”.
Giờ đây, hành giả đã quyết chí tu hành thì ai cũng muốn diệt trừ các tánh xấu, song vì tinh thần còn yếu kém, nên không thắng phục nó được liền. Bây giờ ý chí ta phải bùng lên, phấn đấu thêm lên, lần nầy không được lần khác, bền dẻo, kiên chí, cuối cùng tất thành công. Những đức tính đó là lực lượng mạnh mẽ của tinh thần: “Có công mài sắt chầy ngày nên kim”(Ca dao). Kết quả chẳng khác câu chuyện Ngô Công đục đá thành hang thông qua núi.(Xem Cổ học Tinh Hoa).
Khi tinh thần được cứng mạnh ta phải tăng thêm lập trường vững chắc, ý chí đại hùng để tiến lên con đường Đạo pháp mà ta đang tu học, hầu đạt được mục đích là phá vỡ vô minh, đạt thành trí huệ. Hành giả hãy coi sự việc nầy là giềng mối duy nhứt mà suốt đời mình phải hoàn thành, không có gì đánh đổi được.
2- DIỆT VÔ MINH VÀ CÁC TẬT XẤU:
Muốn diệt phá vô minh, hành giả trước phải loại trừ các binh gia tướng tá của nó, tức là các tật xấu:
a)-Thành kiến:
Là lòng bảo thủ sự suy tư, cho thấy biết của mình là đúng là hay hơn hết, không chịu trao đổi hay tiếp nhận thêm ý kiến của người khác có kinh nghiệm hơn. Có khi cũng biết kiến thức mình còn cạn hẹp sai lệch, song vẫn kiên trì bảo thủ như bức thành kiên cố, không ai phá vỡ được.
b)-Cố chấp:
Bệnh cố chấp cũng là cái tật cố hữu của mỗi người. Nó là tánh hay chấp nê, câu nệ, khăng khăng không chịu đổi ý. Với mình thì chấp sự chấp lý, chấp có chấp không, chấp chay mặn hoặc chấp tâm chấp pháp. Với người ngoài thì chấp người nầy tu được, người kia tu không được. Chấp tướng nhơn, tướng ngã, tướng chúng sanh, tướng thọ giả,v.v…
(1-Tướng Nhơn: là thấy mọi người không bằng ta, phân biệt hơn thua tốt xấu, thọ giới nhiều ít. 2-Tướng Ngã: chấp có ta và chỉ có ta là hơn hết, là đáng yêu, đáng quí; coi thường kẻ khác. 3-Tướng chúng sanh: chấp tướng chúng sanh khác xấu xí hơn ta, hoặc còn muốn sanh lên cõi trời để có tướng đẹp. 4-Tướng thọ giả: chấp mạng sống ta lâu dài, lo cầu phước báo, xem người khác, loài khác không sống bằng ta. Ai còn chấp 4 tướng ấy là còn chúng sanh, không chấp 4 tướng ấy là Phật: “Vô pháp tướng mới là thiệt tướng”).
Cố chấp còn chỉ cho bịnh khó tánh, hay để ý tới những lỗi vụn vặt, vô tình của người khác, ít khi cởi mở, thông cảm tha thứ.
c)-Thói quen:
Nghĩa của chữ Tập quán, tức là những việc làm, lời nói, ý nghĩ tội ác xấu xa nhiều lần thành ra thói quen, từ quen trở thành ghiền nhiễm. Nó cũng là cái bệnh khó bỏ, người tu cần phải diệt trừ cho được các thói quen đó mới cải đổi tánh phàm phu ra Phật Thánh.
d)-Sự chần chờ:
Nghĩa của chữ Giải đãi, tức trù trừ lần lựa, lười biếng không siêng năng làm việc hay tu học. Nhà tu còn bịnh nầy sẽ không kịp với thời gian vô thường, như anh chàng cày ruộng xưa kia, khi thấy Phật đi đến lòng cũng muốn qui y, song bị tánh chần chờ giải đãi, nên đã trải qua bảy vị Phật ra đời, và anh cũng luân chuyển qua 91 kiếp, vẫn còn cày ruộng chưa chịu tu…
g)-Lòng ham muốn:
Tức là tánh tham lam, một trong tam độc (tham, sân, si). Chính nó là nguyên nhân của luân hồi sanh tử:“tham danh, tham lợi, tham sắc, tham tài…”, tham quyền cao chức trọng và mọi vật chất trên thế gian, Đức Thầy từng bảo:
“Biết sao đầy được túi tham,
Không ngăn không đáy càng làm không kiêng”.
Bởi lòng ham muốn không ngằn mé và khó dừng lại được, nên đến khi chết lòng khát ái vẫn còn mà phải luân hồi trở lại. Thuyền trí huệ không bao giờ chở đưa những người còn ham muốn mọi vật chất trong trần, hay gây tội ác:
“Bát nhã chẳng đưa người tội ác,
Thuyền từ nào rước lại Tây Thiên”.( ĐT).
h)-Tánh kiêu ngạo:
Đồng loại với ác ỷ ngôn, tức tánh hay cười chê, nhạo báng người khác. Ai hay dở tốt xấu gì cũng tìm cách chế nhạo cho bằng được. Ngược lại, sự yếu kém sơ thất của mình thì che dấu và hay khoe khoang tự đắc. Đây là một tật xấu mà người tu muốn có trí huệ không bao giờ dung chứa.
i)-Tật đố:
Là cái bệnh hay đố kỵ, ghen ghét những người tài đức hơn mình, hoặc mọi vật khác; từ tiền của, tướng mạo hay bạn bè thân tín, v.v…cũng đều đố kỵ. Từ lòng đố kỵ ganh ghét sanh ra nhiều tội ác, rồi gặt lấy quả báo chẳng những kiếp nầy còn qua nhiều kiếp khác cũng chưa dứt, như ác hữu ghen ghét thiện hữu…cho nên người tu quyết định dứt trừ bệnh tật đố.
k)-Gièm siểm dua nịnh:
Hai từ ngữ nầy có tương quan với nhau, tức là nói gièm nói siểm chê bai một cách gián tiếp để a dua nịnh hót với người có quyền thế, hầu được lòng và hại kẻ khác. Tật xấu nầy thường gây chia rẽ hiềm khích giữa người nầy với người khác.
l)- Ích kỷ tư tâm:
Là lòng riêng tư muốn các lợi lộc về mình. Từ lòng ích kỷ sanh ham muốn rồi lo tạo tác, tức là gây nghiệp nên phải sanh tử luân hồi. Ai trừ được bịnh nầy mới mong có trí huệ và giải thoát.
m)-Sự gây gổ:
Từ lòng sân hận sanh ra ác khẩu, tranh tụng hơn thua, rồi gây thù kết oán. Tật xấu nầy thường xảy ra tai hại sâu rộng trong quần chúng như: đoạn hết tình nghĩa bạn bè thân tộc, đốt cháy rừng công đức của mình đã tu bồi từ trước, nên hành giả phải tiêu trừ nó.(Nhất niệm sân tâm chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn).
n)-Mê đắm trong bể dục tình và sự phiền não làm cho náo loạn cõi lòng:
Trong muôn ngàn phiền não, chỉ có lòng ham muốn tình dục là nặng nề hơn hết (Hải trung sanh tử ái dục đệ nhất). Chính nó là gốc sanh ra vô số phiền não khác, nó làm cho tâm thần dao động khiến mờ đục trí huệ, hành giả phải nhổ tận gốc nó mới mong giải thoát an vui.
Nói tóm lại, các thói hư tật xấu nói trên là con đẻ của vô minh. Cho nên Đức Thầy mới dạy chúng ta: “Nếu bày trừ được nó rồi trí huệ tất mở mang vậy”.
3-TÂM TRÍ SONG HÀNH:
Đến đoạn nầy Đức Thầy dạy hành giả phải tu cả tâm và trí một lượt, như Ngài bảo:
“Người có tâm nếu không tập suy gẫm cho mở trí thì hay dễ bị lường gạt.
Người có trí mà vô tâm thì hay xảo trá. Nên trí và tâm người học Đạo cần tìm cách làm cho nó được phát triển cả hai để lấy tâm làm chủ trì mọi việc, lấy trí mà phán xét mọi việc trước khi ta sắp đưa cho tâm chủ trì. Được như thế chắc chắn ta học Đạo mau thành công đắc quả”.
Chúng ta thử ôn lại câu chuyện của Thầy trò Tam Tạng đi thỉnh Kinh. Nếu chỉ một mình Tam Tạng, chẳng có Tôn Ngộ Không thì làm sao Tam Tạng biết đường đi đến Tây phương và lấy ai trừ yêu đuổi quỉ, hay biết non tiên cảnh Phật để cầu khẩn các Ngài xuống trợ giúp. Còn Ngộ Không, lúc chưa được Tam Tạng làm Thầy thì tánh tình ngang bướng, chọc Trời khuấy nước, loạn thiên cung; gạt chư Tiên ăn đào và uống Tiên tửu, đòi làm Tề Thiên Đại Thánh. Chỉ có Phật Tổ mới thâu nhốt y được dưới núi Ngũ Hành và sau nhờ Quan Âm độ rổi, cho làm học trò Tam Tạng để phò tá Thầy đi thỉnh Kinh chuộc tội. Khi Tam Tạng và Ngộ Không hiệp lại mới đi đến Tây phương, thỉnh được 3 tàng Kinh điển đem về.
Đây là câu chuyện triết lý, Tam Tạng dụ cho cái tâm, còn Ngộ Không dụ cho cái trí. Nếu có tâm từ mà thiếu trí tuệ thì như Tam Tạng thiếu Ngộ Không. Hoặc chẳng nghe lời, tức là người tu không rèn tập được trí huệ thì chẳng phân biệt chơn giả, Phật ma, nên Tam Tạng bị quỉ yêu gạt bắt liên miên. Bằng có trí mà thiếu tâm cũng có hại. Như có Ngộ Không (trí) mà chẳng có Tam Tạng (tâm) làm chủ, điều khiển thì Ngộ Không hay làm xằng, có lúc còn muốn trở về Thủy Liêm động làm chúa yêu. Cho nên khi tâm tín và trí huệ phát triển quân bình, tức đồng hòa vào một thể, bấy giờ hành giả đạt thông Tam Tàng Kinh pháp nơi tự tánh.
Tóm lại, tâm ví như ông Vua, trí như vị Tể Tướng và cũng như ông chủ nhà và người quản gia. Tâm đức và trí huệ gồm tu thì hành giả có đủ: Bi, Trí, Dũng, cũng gọi là Đại hùng, Đại lực, Đại Từ bi, tức quả vị chánh giác sẽ thành công. Đức Thầy hằng tỉnh thức:
“Phải chổi dậy nương dây hùng tráng,
Chữ đại hùng, đại lực từ bi”.
Bởi có tâm đức mới làm chủ được sáu căn, có hùng lực của trí huệ mới thắng được tam bành lục tặc, trừ sạch thập tam ma (thất tình lục dục)(Xem chú thích tại Q.Th. Tập 3/3, tr. 20 &297). Và soi tan ngũ uẩn, vượt sông mê, sang bờ giác. Do đó Đức Thầy mới dạy chúng ta: “Nên trí và tâm người học Đạo cần tìm cách làm cho nó được phát triển cả hai”.
4- CHỌN THẦY QUI Y:
Đến đây Đức Thầy nhắc lại giai đoạn đầu của người mới phát tâm quay về nẻo thiện, cần phải chọn nơi nào chân chánh để nương theo;
“Đừng bạ đâu tin bướng nghe càn,
Làm ngu muội đọa thân uổng kiếp”.
Mà phải:
“Chọn nơi nào Đạo chánh phượng thờ,
Thì mới được thân sau cao quí”.
Để tỏ rõ vấn đề, nhà tu cần hiểu thế nào là mê tín và thế nào là chánh tín ?
a)-Qui y mê tín : Có hai cách :
1/-Mê tín qui y theo chánh Đạo: là “Thấy ai theo mối Đạo nào đông đảo rồi ta cũng vội vàng theo Đạo ấy mà lúc đó ta chưa hiểu giáo lý ấy như thế nào…” Hoặc: “…Thấy người ta thờ Phật rồi vội vã lập bàn thờ Phật, mà chưa hiểu ông Phật thế nào; và tại sao phải thờ kính Đức Phật”. Qui y như thế gọi là mê tín qui y theo chánh Đạo, mặc dù chúng ta đang thờ học Đạo với ông Thầy ấy rất chánh đáng. Đức Phật xưa hằng cảnh giác thiện tín: “Nếu ai chưa rõ Ta mà bảo là tin Ta thì tội ấy còn hơn hủy báng Ta”.
2/-Mê tín qui y theo tà Đạo: Là hạng người chưa theo Đạo nào hoặc có theo đạo, nhưng thấy đạo khác nổi lên, ông thầy ấy chủ xướng thinh âm sắc tướng, đức hạnh chẳng ra gì, lời dạy mập mờ, đường lối không rõ rệt mà lại đắc nhân tâm là nhờ dùng những bùa mê ảo thuật, lòe mắt thiên hạ. Hoặc nói tướng ứng, bịa đặt điều linh thính rồi ta vội vàng qui y. Đó gọi là mê tín qui y theo tà Đạo.
b)-Qui y chánh tín:
Là trước khi thọ giáo với Đạo nào hay ông Thầy nào, ta hãy lấy trí huệ mà suy xét, tìm hiểu mối Đạo ta định theo, phải có nền giáo lý chơn chánh, ông Thầy ta muốn học phải có nhân phẩm cao thượng. Nhứt là những lời chỉ giáo đúng chơn lý, có tôn chỉ mục đích rõ rệt, giúp chúng ta tu học đến chỗ giải thoát.
Vậy trước khi thờ học Đạo nào ta hãy lấy trí huệ nhận xét một cách tinh tường và khi đã qui y thì phải hành y theo lời chỉ giáo của Tổ Thầy:
“Qui y thì khá làm y,
Giữ lòng thanh tịnh từ bi giúp đời”.
Nói tóm lại qui y chánh tín là bằng cách có suy xét kỹ càng, chừng hiểu biết rõ ràng mới qui y và hành theo. Còn qui y mê tín là không nhận xét cân nhắc kỹ lưỡng, cứ “tin bướng nghe càn”.
IV-CHUYỂN HÓA TƯ TƯỞNG
Theo Đức Thầy dạy: “Sự đầu tiên của người hành đạo là cốt sửa những tư tưởng, tìm cách đánh đổ tư tưởng xấu xa, đem thay vào những tư tưởng ôn hòa, Đạo đức”.
Để thi hành lý pháp nầy, trước nhứt hành giả phải biết mặt mày của các tư tưởng xấu xa ra sao. Người chưa giác ngộ lẽ Đạo thì lúc nào tâm tư cũng nghĩ tưởng mơ mộng những vật chất tiền tài, quyền cao chức trọng, vợ đẹp hầu xinh…Bất cứ cái gì làm cho ta được cao sang sung sướng và thỏa mãn lòng khát ái thì tha hồ mà mơ ước, nghĩ tưởng. Không xét rằng các tư tưởng đó phần nhiều là lợi kỷ tổn nhân, chính nó làm cho tâm hồn ta đắm chìm trong vô minh dục vọng và sanh tử luân hồi.
Khi hiểu được tướng trạng và tác hại của các tư tưởng xấu ác, hành giả hãy gấp rút thay đổi. Căn cứ trong giáo lý của Đức Thầy chỉ dạy, chúng ta có thể rút ra một ít phương cách để áp dụng:
1/-HÀNH CHÁNH TƯ DUY:
Đức Thầy dạy;
“Chánh Tư duy mục ấy thanh cao,
Hãy tưởng nhớ những điều đáng nhớ”.
Và: “Tâm cần phải bình, tánh cần phải tịnh. Giữ tư tưởng cho thanh cao, trí rán tìm chân lý…” Vậy thì hành giả lúc nào cũng nghĩ tưởng kỹ thuật đức tánh cao cả, như: “Từ bi, Bác ái, dĩ đức háo sanh, khoan hồng đại độ” hoặc luôn tư tưởng đến việc “Tìm phương cứu giúp sanh linh trong vòng trầm luân oan nghiệt”. Đồng thời lo suy tìm “…con đường giải thoát cho mình, bằng cách lạc Đạo an bần, xả thân tu tỉnh”.
2/-HÀNH CHÁNH NIỆM:
Đề chấm dứt những mơ ước niệm tưởng xấu xa, hành giả phải luôn ghi nhớ những việc chân chánh, như: nhớ tưởng các phương pháp tu hành, nhớ Đức Phật, Đức Thầy đã đầy lòng từ bi bác ái, và đã dày công khai hóa chúng ta. Giờ phút nào cũng chạm khắc vào lòng các lời dạy bảo để thực hành cho kỳ được. Hoặc dùng chánh niệm quán xét:
“Tâm chánh niệm thường thường suy nghĩ,
Vật ở trần như bọt nước làn mây.
Thân ta còn rày đó mai đây,
Của ấy cũng khi tan khi hiệp”.( ĐT)
Nếu tâm trí chúng ta luôn suy xét, tưởng nhớ các phương cách nói trên thì những tư tưởng xấu xa, quấy ác đâu có kẽ hở chen vào; ấy gọi là đánh đổ nó ra ngoài.
3/-NIỆM PHẬT TAM MUỘI.
Cách niệm Phật nầy gọi là niệm Phật chánh định, tức là tâm hành giả luôn nhớ tưởng 6 chữ Nam Mô A Di Đà Phật cho đến khi “nhất tâm bất loạn”, không để một tư tưởng sai lầm, xấu ác nào chen vào. Hoặc niệm vào một tiếng niệm Phật thay một niệm chúng sanh ra, cứ thay hoài, thay mãi cho đến khi không còn một niệm chúng sanh nào mống khởi. Lúc nào ta cũng nhìn thấy và nghe rõ cái tâm ta, đang tưởng Phật liên tục như vậy trong tứ tướng oai nghi (đi, đứng, ngồi, nằm), uống ăn, ngủ thức, …sẽ được kết quả như ý. Đức Thầy thường nhắc nhở:
“Muốn niệm Phật chẳng cần sớm tối,
Ghi vào lòng sáu chữ Di Đà.
Thì hiền lương quên mất điều tà,
Đặng hạnh phúc nhờ lòng cố gắng”.
Nếu hành giả tưởng nhớ Phật được liên tục như vậy thì các tư tưởng xấu ác sẽ tiêu vong.
Tóm lại, trong các phương tiện của Tổ Thầy chỉ dạy cải đổi tư tưởng tà xấu ra chánh chơn thiện mỹ. Ở trên chỉ rút ra 3 phương thức vừa giản tiện vừa xác thực. Nếu ai chịu cố gắng thực hành, tất loại trừ được các tư tưởng xấu ác và trí huệ phát khai mà thành Đạo giải thoát tại thế gian.
TỔNG KẾT:
Tóm tắt bài: “Trong Việc Tu Thân Xử Kỷ” trước nhất Đức Thầy đưa ra lời dạy quan trọng là mỗi tín đồ phải biết rõ trong các phương cách tu hành. Cái nào là phụ thuộc, cái nào là chánh yếu, đâu là sự tướng, đâu là nội tâm và chân lý để đi vào chánh pháp vô vi, đúng theo chân truyền tâm ấn của Đức Phật khi xưa.
– Phần chính yếu theo Tôn chỉ Đức Thầy đã đề vạch, là vừa thu hành phận sự thực tế của một con người đứng giữa thế gian, và vừa trực nhận được chân tánh giác ngộ trong tâm thể của mỗi hành giả.
– Về pháp tu, tuần tự Ngài dạy môn đồ cần làm cho đức tin và lòng lành được phát triển quân bình cả hai. Kế đó là tu rèn trí huệ để chiếu phá vô minh dục vọng mà tâm và trí phải song hành mới mong kết quả. Ngài cũng ý thức những người mới phát tâm, hãy cẩn thận xét suy, chọn lựa ông Thầy cũng như nền Đạo chân chánh mới qui y và phải tu chánh tín chờ đừng tu mê tín.
– Sau chót là Ngài dạy cách tu giản tiện và tốt nhứt, là chuyển hóa tư tưởng xấu xa, quấy ác, ô nhiễm trở nên tốt lành cao khiết. Ấy là thành Đạo giải thoát.
Tổng kết bài Pháp luận trên đây là một đề tài tổng quát, tuy thấy Đức Thầy dạy nhiều vấn đề và hình như rời rạc, nhưng sau khi suy nghiệm kỹ, thấy Ngài có một dụng ý sâu sắc. Ngài giảng huấn rõ về đường lối “HỌC PHẬT TU NHÂN”. Nghĩa là hãy lấy tâm Phật mà hành xử Đạo Nhân, tức dùng tư tưởng nhân hòa, tinh thần hỷ xả, bình đẳng từ bi mà tiếp xử hầu hết nhân loại chúng sanh. Ngài dung thông cả sự lẫn lý, cả đốn pháp lẫn tiệm pháp để rộng độ các giới tín đồ và mọi tầng lớp dân sinh. Tuỳ theo cơ duyên thích hợp của mỗi hành giả, ai cũng có thể tu học được và đưa đến kết quả viên mãn như nhau.
CHÚ THÍCH :
Các từ ngữ trong bài phần nhiều đã có giải trong phần lược ý, cũng có một số đã được chú thích rồi, nên ở đây chỉ chú thích thêm một ít thôi.
ÁI HÀ: Lòng thương yêu luyến ái tình dục tràn ngập như sông biển, kinh xưa có câu: “Ái hà thiên xích lăng, khổ hải vạn trùng ba” Đức Thầy nay cũng nói: “Bể ái hà gươm linh sớm dứt”.
ĐÈN ĐẠO TÂM: Tâm trí sáng suốt. Chỉ cho ánh sáng của trí huệ và chơn lý (Đạo). Đức Thầy có câu: “Ngọn đèn chơn lý hết lu”.
NGŨ HƯƠNG: Năm phần chơn hương nơi tâm của mỗi người, gồm có:
1- Giới Hương: Tâm không còn tham, sân, si hay các ý nghĩ tà quấy, sát sanh, đạo tặc…
2- Định Hương: Đối với các trần cảnh như: lục trần hoặc các hiện tượng tốt xấu, lành dữ, tâm mình vẫn an nhiên không dính mắc loạn động.
3- Huệ Hương: Tâm trí mình không bị ngoại cảnh ngăn che, hay lôi cuốn. Hằng lấy trí huệ xem soi tự tánh, chẳng tạo các điều ác, tuy tu các hạnh lành mà lòng không chấp trước. Kính người trên, nghĩ kẻ dưới hay thương xót và giúp đỡ người nghèo đói, bệnh tật.
4- Giải Thoát Hương: Tự tâm mình đã không dính mắc vào các việc dữ hay lành, cũng chẳng chấp có không, động tịnh, lòng luôn tự tại, không gì ngăn ngại được.
5- Giải Thoát Trí Kiến Hương: Tự tâm mình đã không còn thiên chấp, dính mắc những cái có không động tịnh; nhưng cũng cần học rộng nghe nhiều, thấu suốt bổn tâm, thông đạt lý Phật, hòa sáng tiếp người, không hề phân biệt nhân ngã. Tâm trí lúc nào cũng an nhiên sừng sững tiến thẳng đến ngôi chánh giác.
MA VƯƠNG: Vua các loài ma quỉ, tên là Ba Tuần ở từng Trời thứ sáu, hay xuống thế gian phá hại Đạo Phật. Chữ Ma Vương ở đây chỉ cho tà kiến tam độc (tham, sân, si). Đức Lục Tổ bảo: “Tà kiến Tam độc thật Ma Vương”.
GIÁM THỊ: Người trông coi trật tự trong trường sở, chỉ huy điều khiển các học sinh. Giám thị ở đây chỉ cho cái tâm làm chủ sáu căn (lục tặc).
NGŨ UẨN: Cũng gọi là Ngũ ấm, là năm cái che đậy chân tánh của mình. Kinh Phật giải là: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Đức Thầy giải là Tham, Sân, Si, Nhân, Ngã. (Xem thêm phần Chú giải trong Giác Mê Tâm kệ, Q. Th. Tập 3/3, tr. 47).
TẢO TRỪ: Quét dọn. Nghĩa của chữ “Tảo Chủ”, là chổi quét, tức là quét sạch hết vọng tâm phiền não, như chuyện ông Bàn Đặt Ca Tôn Giả chỉ tu hai chữ “chổi quét” có mấy ngày mà chứng quả A La Hán.
GIÁC TÁNH CHƠN NHƯ: Cũng gọi là chơn như thật tướng. Chỉ cho tánh Phật hay tạng tánh Như Lai.
KIM THÂN: Thân Kim cang của Phật, tượng trưng cho lòng cứng chắc. Có ba đặc tánh siêu thắng cao khiết:
1-Không hư hoại.
2-Hơn hết các món báu.
3-Hơn hết các chiến cụ.
*
* *
LỜI CUỐI QUYỂN TRUNG
Có nghiên cứu kỹ qua loạt bài trong Quyển Sáu và các bài Pháp ngữ do Đức Thầy sáng tác vào năm 1942 và 1945, chắc các bạn đều thấy đây là phần căn bản, là Tôn chỉ và Yếu Pháp trong Giáo lý PGHH và cũng thấu rõ Ngài dạy gồm đủ các pháp tu từ Nhân thừa tới Tối thượng Nhứt thừa, không thiếu sót một phương tiện nào.
Thế mà thời gian qua có nhiều bạn bên ngoài, cũng như trong nội tình của Đạo nhận thức chẳng giống nhau. Ấy là bởi căn duyên và trình độ của mỗi hành giả không đồng nhau.
– Có người cho rằng nếu còn tu tại gia và lo hành xử Đạo Nhân thì làm sao giải thoát được.
– Số khác thì bảo giữa thời Hạ ngươn mạt pháp, chỉ lo tu Nhân cho rồi, chớ tu Phật không kịp đâu !
Theo ý kiến của soạn giả là trước khi khai vạch con đường để đi đến mục đích, Đức Giáo Chủ PGHH đã từng bước qua và cũng đã thực nghiệm một cách chính xác, rõ ràng mới đem giáo hóa nhân sanh:
“Kinh nghiệm rồi ta mới diễn ca”.
Các bạn thử đọc lại một đoạn văn của Ngài: “…Đức Phật chẳng bao giờ ngỏ ý rằng “Các người hãy lạy thờ ta cho nhiều rồi ta sẽ độ giúp các người” mà trái lại, Ngài dạy rằng: “Các người nên hiểu biết phận sự con người phải làm gì trong kiếp sống và tìm kiếm chân tánh của mình”. Thiệt hành theo giáo lý của Ngài thì Ngài sẽ hướng dẫn và ủng hộ vậy”.
Căn cứ theo đây, mỗi hành giả vừa xây đấp cho mình có một nền tảng chắc chắn (phận sự con người) ấy là tu Nhân. Và vừa lo kiến tạo tòa lâu đài Phật Đạo (tìm kiếm chân tánh) đó là tu Phật. Vậy ta phải tìm kiếm chân tánh ở đâu ?
Đức Thầy có chỉ rõ vị trí:
“Thấy Đạo lý chớ nào thấy tánh,
Còn ẩn nơi tim óc xác phàm”.
Cho nên: “Hãy bền lòng tầm Phật trong tâm” và lo tu sửa chuyển hóa: “Tu cầu Phật hóa tánh tình, Lưới mê chẳng buộc nhẹ mình tiêu dao”.
– Đây quả là Ngài dạy đúng theo tâm ấn: ‘Chánh pháp nhãn tàng Niết Bàn Diệu Tâm…” của Đức Phật đã truyền qua 33 vị Tổ, như Tổ Đạt Ma đã nói:
“Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền.
Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật”.
Đức Thầy nay luôn kêu gọi: “Vô vi chánh Đạo hỡi người ôi !” Và:
“Tìm tõi Đạo mầu trong Phật pháp,
Cho đời hiểu rõ lý chơn không”.
Về chương trình cải tiến nhân sinh Ngài chủ trương: “Đời Đạo liên quan rạng chói ngời”. Hành giả đem Đạo hòa đời để cứu đời và thi hành công hạnh Đại thừa Bồ-Tát Đạo. Điều tất yếu là lúc nào cũng an nhiên: “Cư trần bất nhiễm, lẫn tục đừng mê” Và:
“Nhân ngã, ngã nhân đừng cách biệt,
Sắc không không sắc chớ lìa xa”. Hoặc là:
“Vô pháp tướng mới là thiệt tướng”.
Hơn một lần Ngài đã dạy:
“Với sự hành đạo của tôi, cảnh sống nào tôi cũng có thể sống được.Cái hành đạo đúng theo ý tưởng xác thực của nó là làm thế nào phát hiện được những đức tánh cao cả và thực hành trên thiệt tế bằng mọi biện pháp để đem lại cái phước lợi cho toàn thể chúng sanh thì đó là sự thỏa mãn trong đời hành Đạo của mình, chớ những sự tùy tiện về vật chất đối với tôi, không có nghĩa lý gì hết”.
Vả lại, một đấng từ bi cứu thế lúc nào cũng muốn rộng độ các tầng lớp chúng sanh vượt khỏi vòng khổ đau sanh tử. Nhưng vì cơ duyên, trình độ của mỗi hành giả chẳng đồng nhau, nên sự nhận định giáo lý và phát tâm hành Đạo có khác nhau. Song dù cơ duyên, tâm nguyện cỡ nào, hay muốn áp dụng phương tiện gì, tất cả đều phải tiến theo một lộ trình “Học Phật Tu Nhân” đó, và quyết định không để bước ngoài 2 bờ lề “Tám Điều Răn Cấm”, tất ai ai cũng đều có kết quả. Nghĩa là có tu có hưởng, tu tới đoạn nào hưởng đoạn đó, tu tột đỉnh thì kết quả tột đỉnh. Có điều cần chú ý là đã quyết tâm tu tiến, cần thường xem coi kệ giảng và phải:
“Chuyên chú nghĩ suy từ nét dấu”. Hoặc là:
“Nghe cạn lời chớ có mơ hồ,
Tìm hiểu nghĩa làm theo đắc Đạo”.
Thêm nữa, nếu người đứng xa nhìn bên ngoài cái Đạo thì thấy lối tu của PGHH quá thông thường: chỉ mang hình thức tại gia, vừa sanh nhai vừa tu. Cách thờ phượng giản dị, sống hòa hợp với đại chúng, không có sắc thái riêng biệt; tất cả môn đồ đều đối xử bình đẳng như nhau. Lời giáo lý thì bình dân vắn tắt, chỉ vỏn vẹn một quyển Thi Văn Giáo Lý, dầy khoảng 500 trang.
Song nếu ai chịu khó nghiên cứu sâu vào bên trong của Đạo và thử thực nghiệm một ít điều, sẽ thấy Đức Giáo Chủ áp dụng một phương thức rất hòa hợp với căn cơ đại chúng; và giúp cho các giới tu hành một sự kết quả mầu diệu vô giá !
Tóm lại, PGHH với Tôn chỉ “Học Phật Tu Nhân”, Đức Thầy dạy tín đồ hãy lấy tâm Phật mà hành xử Đạo Nhân. Ban rộng tình thương yêu bình đẳng đến vạn loại chúng sanh, như Ngài đã nói rõ:
“Đem nguồn sống mới cho nhơn loại,
Để tiến, tiến lên cõi Đại đồng”.
Và:
“Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,
Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh”.
(SOẠN GIẢ)
HẾT QUYỂN TRUNG.
|