Phật Giáo Hòa Hảo Trung Ương Hải Ngoại

Thiên IV: Sự-nghiệp về mặt Đạo: Tôn-giáo Phật-Giáo Hòa-Hảo

Mục Lục ĐỨC HUỲNH GIÁO-CHỦ

PHẦN II: SỰ NGHIỆP

THIÊN THỨ TƯ
SỰ NGHIỆP VỀ MẶT ĐẠO:

 TÔN PHÁI PHẬT GIÁO HÒA HẢO

Chương XIII: Học Phật [trở lại đầu trang]

Từ ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939) ngày Ðức Huỳnh Giáo Chủ ra mở đạo cứu đời, cho đến ngày 25 tháng 2 nhuần năm Đinh Hợi (1947) ngày Ngài vắng mặt, tính ra trên 7 năm, trùng hợp với thời gian Ðức Phật Thầy Tân An ra hoằng hóa. Ðức Phật Thầy ra đời vào mùa thu năm Kỷ Dậu (1849) và tịch nhằm ngày 12 tháng 8 năm Bính Thìn (1856) tính ra cũng 7 năm.

Một sự trùng hợp nữa là Ðức Phật Trùm, một chuyển kiếp của Ðức Phật Thầy ra đời cũng trong thời gian 7 năm. Ngài ra mở đạo cứu đời năm Mậu Thìn (1860) và tịch năm Ất Hợi (1875) tính ra cũng đúng 7 năm.

Trong thời gian 7 năm, một thời gian quá ngắn ngủi, Ðức Phật Thầy Tây An đã khai sáng giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương, một tông phái Phật đạo dân tộc, với pháp môn Học Phật Tu Nhân, một pháp môn khế hợp với căn cơ chúng sanh của thời Hạ nguơn mạt pháp.

Ðến như Ðức Huỳnh Giáo Chủ, trong vòng hơn 7 năm, ngoài việc khai sáng mối đạo Phật Giáo Hòa Hảo, cũng một tông phái Phật đạo dân tộc thuộc giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương, Ngài còn thực thi pháp môn Tu Nhân Học Phật.

Cho nên có thể nói, khai thị pháp môn Học Phật Tu Nhân là Ðức Phật Thầy Tây An, còn thực hiện hay áp dụng pháp môn đó vào đời là Ðức Huỳnh Giáo Chủ.

Ðức Phật Thầy chỉ khai thị chớ chưa áp dụng thiết thực được pháp môn Học Phật Tu Nhân vào đời sống là vì hoàn cảnh lúc bấy giờ chưa thuận tiện hay thiếu cơ duyên, bởi lúc Ðức Phật Thầy ra đời, nước Việt Nam chưa mất vào tay Pháp.

Ðến giai đoạn của Ðức Huỳnh Giáo Chủ, nước Việt Nam đã hoàn toàn bị Pháp đô hộ, phong trào Cần Vương kháng Pháp nổi lên khắp nơi, cho nên ngoài công việc xướng minh Phật đạo (Học Phật) đã lu mờ vì thất chơn truyền, pha màu phương thuật và sắc tướng âm thinh, Ðức Huỳnh Giáo Chủ còn tự thân đứng ra xướng xuất công việc vãn hồi đạo Nhân (Tu Nhân) để làm tròn bổn phận của một công dân đối với đất nước bị ngoại bang xâm chiếm, làm gương mẫu cho môn nhơn noi theo, tạo lập công đức hầu trở nên người hiền, hội đủ điều kiện dự Hội Long Hoa, vượt qua cơn Hạ nguơn hoại diệt mà sống còn trong đời Thượng nguơn an lạc.

Ðối với pháp môn Học Phật Tu Nhân, Ðức Huỳnh Giáo Chủ, vừa làm công việc thừa kế, vừa làm công việc thực thi và phát triển. Cho nên mặc dầu thời gian ra mở đạo rất ngắn ngủi (hơn 7 năm) Ngài đã cống hiến cho thế nhân đến ba sự nghiệp vĩ đại về Đời và về Đạo.

Về Đạo, Ngài đã xây dựng nên một sự nghiệp tôn giáo. Đó là tông phái Phật Giáo Hòa Hảo, một sự truyền thừa của giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương với pháp môn Học Phật Tu Nhân, một giáo pháp đối cơ, cứu độ chúng sanh trong thời Hạ nguơn hoại diệt.

Về Đời, Ngài đã tạo lập hai sự nghiệp: chánh trị và quân sự, rồi tự thân đứng ra dìu dắt môn nhơn cùng tham gia tranh đấu hầu gây tạo công đức trong công cuộc cứu dân giúp nước. Đây là sự nghiệp cách mạng mà Ngài đã dày công tạo lập để làm phương tiện thực thi sự nghiệp Đạo đức, một sự nghiệp cứu thế.

MỤC ÐÍCH CỦA PHẬT GIÁO HÒA HẢO. – Sứ mạng của Ðức Huỳnh Giáo Chủ hay mục đích của Phật Giáo Hòa Hảo là hoàn thành sự nghiệp: cứu độ chúng sanh cho được sống còn trong đời Thượng nguơn an lạc.

Ðức Huỳnh Giáo Chủ lâm phàm là vì sứ mạng cứu thế, như Ngài đã viết:
“Thiên Tào đã xét định, khắp chúng sanh trong thế giới trong cái buổi Hạ nguơn nầy, say mê vật dục, chìm đắm trong biển lợi danh gây nên nghiệp quả, luật Trời đà trị tội, xét kẻ thiện căn thì ít, người tội ác quá nhiều, chư Phật mới nhủ lòng từ bi, cùng chư vị chơn Tiên lâm phàm độ thế, trước ra công cứu khổ, sau chỉ rõ cơ huyền, khuyên kẻ thế hướng thiện quày đầu, cải tà qui chánh thì mới mong Thiên đình ân xá bớt tội căn để kịp đến Long Hoa chầu Phật, trước biết rõ luật Trời thưởng phạt, cùng hữu duyên nghe Phật pháp nhiệm mầu, kiến diện bậc Chơn Sư, tu hành mau đắc quả, sau làm dân Phật quốc hưởng sự thái bình…”.

Nhưng muốn được sống còn trong đời Thượng nguơn an lạc, “làm dân Phật quốc, hưởng sự thái bình” thì trước hết phải đi qua ngưỡng cửa Hội Long Hoa để được chọn lựa.

Ðiều kiện được dự Hội Long Hoa và được chọn lựa đưa qua đời Thượng nguơn phải là người Hiền, như Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã cho biết:

Lập rồi cái Hội Long Hoa,
Ðặng coi hiền Ðức được là bao nhiêu.

Hay là:

Trở chơn cho kịp Long Hoa,
Long Hoa có mặt ấy là Hiền Nhơn.

Như thế, sứ mạng của Ðức Huỳnh Giáo Chủ hay mục đích của Phật Giáo Hòa Hảo chung kết cũng chỉ qui vào công việc chọn người Hiền hay đào tạo người Hiền, như Ngài đã cho biết trong Sấm Giảng:

Khai ngọn đuốc từ bi chí thiện,
Tìm con lành dắt lại Phật đường.

Hay là:

Kiếm con hiền đức dắt về,
Về nơi cõi Phật Tây phương an nhàn.

Hoặc giả:

Chờ con đầy đủ nghĩa nhân,
Ra tay tế độ dắt lần về ngôi.

Ðể đạt mục đích cho người Hiền, hay đào luyện người Hiền, giáo pháp của Phật Giáo Hòa Hảo đặt nặng vào chương trình đào tạo nên người hiền đức, cũng như Nho Giáo có mục đích đào luyện nên hạng người quân tử.

Vậy giáo pháp ấy thế nào? Chương trình đào luyện nên người hiền đức ra sao?
Ðức Huỳnh Giáo Chủ không ngại mà chỉ rõ trong quyển “Những điều sơ lược cần biết của kẻ tu hiền” tức quyển Qui tắc hành đạo:

“Bàn xét như trên, thấy rằng toàn thể trong đạo chúng ta thuộc hạng tại gia cư sĩ, Học Phật Tu Nhân vậy”

Trong lời tuyên bố nầy có hai điểm nên để ý:

1/ Tại gia cư sĩ.
2/ Học Phật Tu Nhân.

Xem đó đủ thấy, hạng người mà Ðức Huỳnh Giáo Chủ nhắm hay tìm kiếm để đào luyện là hạng cư sĩ tại gia, nghĩa là Ngài nhắm vào đám quần chúng đông đảo trong xã hội, đúng với thệ nguyện của Ngài là độ tận chúng sanh, đương nhiên là hạng thiểu căn thiểu phước, hạng “chưa đủ những điều kiện xuất gia, vì cảm thấy mình còn nặng nợ với non sông tổ quốc, với gia đình, với đồng bào xã hội, nên chưa thể làm như các nhà sư hay Ni cô đặng”, khác hơn các tông phái khác nhắm vào hạng xuất gia “hoàn toàn ly khai với gia đình, quê hương, bè bạn, dựa thân vào cửa Thiền hoặc núi non am cốc… không còn thiết đến việc đời”.

Và phương pháp để cứu độ hạng thiểu căn thiểu phước, hạng chiếm đa số trong thời kỳ Hạ nguơn nầy là pháp môn

Học Phật Tu Nhân, một pháp môn có 3 đặc tánh ưu thắng:

Ðối cơ nghĩa là phù hạp với căn cơ thiểu bạc của chúng sanh trong thời mạt kiếp
Ðối cảnh nghĩa là thích ứng với hoàn cảnh ác liệt của buổi Hạ nguơn.
Phải pháp nghĩa là giản lược và cấp thời mới kịp cơ biến chuyển của Thiên định, chấm dứt cõi Hạ nguơn ô trược để lập đời Thượng nguơn khinh thanh an lạc.

Vì theo Ðức Huỳnh Giáo Chủ thời cơ đã cấp bách căn khí chúng sanh lại bạc nhược, nếu đem giáo pháp có tánh cách lâu dài hay cao viễn ra giáo hóa thì không thể nào kịp, không sao tránh khỏi nạn hoại diệt của cõi đời Hạ nguơn.

Chi bằng đào tạo nên hạng người hiền đức đủ điều kiện dự Hội Long Hoa, khi được làm dân Phật quốc, hưởng cảnh lạc nhàn của cõi Thượng nguơn, sẽ tiếp tục tu hành để đạt quả vị giải thoát, thành Tiên thành Phật.

Ví cũng như có người toan đóng một chiếc thuyền to để vưọt qua bể cả, nhưng phải mất ít nhứt 2 tháng mới xong, trong lúc chỉ còn 15 hôm nữa thì được biết có trận bão lụt sắp xảy ra. Nếu tiếp tục đóng chiếc thuyền đó thì không khỏi bị trận bão lụt ấy cuốn mất cả thuyền lẫn mạng sống. Chi bằng theo lời dạy của vị tiên giác, nên gấp đóng một chiếc xuồng nhỏ chỉ trong 5 hôm là xong, rồi cấp tốc dùng xuồng ấy (Học Phật Tu Nhân) ra một cái đảo yên tịnh kia (cõi Thượng nguơn) chắc chắn sẽ thoát khỏi trận bão lụt (cơ hoại diệt của Hạ nguơn). Sau đó sẽ đóng chiếc thuyền lớn mà sang biển cả (biển sanh tử luân hồi) chẳng là được an toàn tánh mạng và đi đến mục đích (đáo bỉ ngạn) hay sao?

Giáo pháp của Phật Giáo Hòa Hảo cũng như thế.

Cho nên, để độ tận chúng sanh khỏi cơn hoại diệt Ðức Huỳnh Giáo Chủ đưa ra pháp môn Học Phật Tu Nhân để đào luyện nên hạng người Hiền Ðức mà thôi.

Ngay trong bài nguyện qui y Tam bảo hay nguyện trước bàn Cửu Huyền Thất Tổ, chúng ta cũng thấy Ðức Thầy dạy tín đồ của Ngài, nguyện “tu hiền” để trở nên người hiền đức.

Đây là bài nguyện trước bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ:

Cúi kính dưng hương trước Cửu Huyền,
Cầu trên Thất Tổ chứng lòng thiềng.
Nay con tỉnh ngộ qui y Phật,
Chí dốc Tu Hiền tạo phước duyên.

Và đây bài nguyên qui y trước ngôi Tam Bảo:
“… nay con nguyện cải hối ăn năn, làm lành lánh dữ, qui y theo mấy Ngài Tu Hiền theo Phật đạo”.

Cả hai bài nguyện đều nói rõ cứu cánh của hành đạo là Tu Hiền, tu để trở thành người Hiền.

Nguyện là lời hẹn ước quyết thực hành để đạt đến cứu cánh. Nếu kiếp nầy chưa hoàn thành lời nguyện thì trong các kiếp tới vẫn tiếp tục cho đến ngày thực hiện. Nguyện ví không khác lời thề. Khi lập thệ thì suốt đời phải giữ cho đến khi thực hiện mới giải thệ.

Như Ðức Phật A Di đà khi còn là Pháp Tạng Tỳ Kheo đã lập 48 lời nguyện, trải qua vô lượng kiếp tu hành cho đến ngày thực hiện cõi Cực Lạc đúng theo 48 lời nguyện mới chịu an trụ nơi cõi Tịnh độ.

Phàm đã lập nguyện, tức là mình thề quyết tâm tu hành để thực hiện những lời thệ nguyện ấy.

Người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo mỗi đêm lễ bái đều lập lại lời nguyện Tu Hiền, tu cho được trở thành người Hiền, chớ không thể làm trái với lời nguyện. Làm trái tức là phản bội lời đã lập thệ.

Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã khuyên và cảnh giác:

Khi cầu nguyện đừng cho phạm lỗi,
Phải làm tròn các việc vẹn toàn.
Dân chớ nên làm bướng làm càn,
Trong lúc ấy nguyện cho lấy có.

Nguyện mà không hành y theo lời nguyện tức là bội ước đối với Thầy Tổ, với Cửu Huyền thì mong gì tu hành cho đắc đao.

Đã biết mục đích của Phật Giáo Hòa Hảo là Tu Hiền; vậy Ðức Huỳnh Giáo Chủ thi thiết pháp môn nào để đào tạo nên người Hiền?

Như chúng ta đã thấy, phương pháp mà Ngài đem ra giáo hóa là pháp môn Học Phật Tu Nhân.

HỌC PHẬT TU NHÂN. – Nhưng thế nào là Học Phật Tu Nhân?
Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã tóm lược giáo pháp ấy trong hai câu thơ sau đây:

Tu thân thiện tính phải chuyên cần,
Lục Tự Di đà, giữ Tứ Ân.

Hay là:

Ðặng khuyên những kẻ ngỗ ngang,
Biết câu Lục Tự, gìn đàng Tứ Ân.

Như thế pháp môn Học Phật Tu Nhân, gồm có hai môn Lục TựTứ Ân.


HỌC PHẬT

Lục Tự là niệm sáu chữ: Nam Mô A Di đà Phật. Lục Tự biểu thị cho pháp môn Tịnh độ là pháp môn chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà để cầu được vãng sanh về cõi Tây phương Cực Lạc, đúng với 48 lời nguyện của Phật A Di Đà, vì Ngài đã thệ nguyện: Nếu ai niệm đến danh hiệu của Ngài là được Ngài dùng thần lực tiếp độ kẻ ấy vãng sanh về cõi Cực Lạc, hưởng sự nhàn an, chứng quả vô sanh, bất thối.

Đây là một pháp môn phù hạp với căn cơ thiển bạc của chúng sanh thời mạt pháp vì không thể tự lực hành trì các pháp môn tối thắng tối cao để vượt ra khỏi Tam giới, thoát nạn luân trầm trong tam đồ lục đạo.

Vì không thể tự mình tu hành để tự mình cứu độ nên chi Ðức Phật Thích Ca khai thị pháp môn Tịnh độ tu cầu tha lực cứu độ chúng sanh vãng sanh về cõi Cực Lạc, được tịnh hóa về cả hai phương diện chánh báo (chúng sanh) và y báo (cảnh giới). Nhờ ở hoàn cảnh thanh tân tinh khiết, lại làm bạn với các bậc thượng thiện nên sự học mau đạt thành quả vị không như ở cõi Ta bà, bao quanh toàn những ác duyên chướng ngại, dầu muốn ngồi yên mà tu cũng khó mà tu cho được.

Pháp môn Tịnh độ chẳng những dễ tu dễ đắc mà lại phù hạp với mọi căn cơ; mọi trình độ cơ cảm nào cũng đều tu được cả, như Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã viết:

Cả vũ trụ khắp cùng vạn vật,
Dầu Tiên, phàm, ma, quỉ, súc sanh;
Cứ nhứt tâm tín, nguyện, phụng hành,
Được cứu cánh về nơi an dưỡng.
Chỉ một kiếp Tây phương hồi hướng,
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi.

Vì là pháp môn dễ tu, cõi Tịnh độ lại giải thoát con người mọi sự buồn rầu lo sợ, không còn phải bận tâm lo ăn lo mặc, được rảnh rang tu học mau đắc quả, nên chi Ðức Huỳnh Giáo Chủ không dứt khuyến tấn người đời tu theo pháp môn Tịnh độ:

Cõi Tịnh độ lắm điều thanh nhã,
Khổ buồn rầu lo sợ chẳng còn.
Chốn Ta bà tim lụn dầu mòn,
Thân tứ đại của người cũng thế.
Mau thức tỉnh tu thân kẻo trễ,
Ðến tội rồi mới hối muộn màng.
Chi cho bằng ta sớm lo toan,
Gìn giới luật nghe kinh trọng Phật.
Ðến lâm chung quả lành đâu mất,
Cõi Tây phương chư Phật đợi chờ.

Ngài còn quả quyết rằng Ngài đã rành đường ngõ, chứng tỏ Ngài đã sống qua cảnh giới ấy:

Tìm Cực Lạc, đây rành đường ngõ,
Hãy mau mau tu tỉnh mới mầu.

Nếu Ngài không từ cõi ấy giáng sanh thì Ngài đã không thổ lộ:

Tây phương Cực Lạc, Khùng ngồi tòa sen.

Hay là:

Tây phương yêu chúng chẳng ngồi lâu,
Sắc của A Di Đà Phật Tổ.

Ngày đã thọ sắc lịnh của Ðức A Di Đà xuống trần, thế nên pháp môn Tịnh độ là pháp môn mà Ngài lãnh sứ mạng phổ truyền để cứu độ chúng sanh trong thời hoại diệt:

Muốn tu tỉnh nay đà gặp cuộc,
Ðức Di Đà truyền mở đạo lành.
Bởi vì Ngài thương xót chúng sanh,
Ra sắc lịnh bảo Ta truyền dạy.

Pháp môn Tịnh độ mặc dầu dễ tu dễ hành nhưng cho được vãng sanh về cõi Cực Lạc, chẳng phải ai ai cũng có thể làm được.

Sở dĩ ít người làm được là vì ít có người thành tựu niệm Phật nhứt tâm tức niệm Phật tam muội mà Ðức Huỳnh Giáo Chủ gọi nôm là niệm rành như Ngài đã viết:

Xưa nay sáu chữ lạnh tanh,
Chẳng ai chịu khó niệm sành thử coi.

Nhưng cho được vãng sanh, người niệm Phật phải hoàn mãn về hai phương diện: nội nhân và ngoại duyên.
Về nội nhân là phải thành tựu niệm Phật nhứt tâm hay tam muội (chánh định) hay nói theo thuật ngữ của Ðức Huỳnh Giáo Chủ là niệm Phật cho sành.

Nhưng ngoài nội nhân, còn phải được ngoại duyên trợ trưởng thì hột giống (nội nhân) vãnh sanh mới phát triển. Về ngoại duyên, theo Ðức Huỳnh Giáo Chủ, phải có 2 yếu tố khá quan trọng, rất khó thành đạt. Đó là 2 điều kiện mà người niệm Phật phải có là: được “trọn lành” và “trọn sáng” như Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã nêu ra trong điều thứ tám trong Tám điều Răn Cấm:

“Nếu ai giữ đặng trọn lành trọn sáng về nơi cõi Tây phương an dưỡng mà học đạo cho hoàn toàn đặng trở lại cứu vớt chúng sanh”.

Cho được trọn lành, hành giả phải hoàn tất giai đoạn “chư ác mạc tác” và “chúng thiện phụng hành” (điều ác đừng làm; điều lành gồm làm) của Ðức Phật đã dạy, tức là hoàn thành đạo làm người, như Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã nói:

Tu đền nợ thế cho rồi,
Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen.

Và cho được trọn sáng, hành giả phải hoàn tất giai đoạn “tự tịnh kỳ ý” trong bài Tứ cú kệ “chư ác mạc tác” của Ðức Phật, nghĩa là đã đạt được sự tỏ ngộ tự tâm, tức là huệ tâm khai phát, như Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã nhận:

Nếu ai mà biết chữ tu trì,
Tâm bình tịnh được thì phát huệ.

Nhưng làm thế nào cho tâm được bình tịnh?
Thành thử điều kiện để được vãng sanh về cõi Cực Lạc, ngồi trên tòa sen tuy nói thì dễ mà thực hành thật là khó. Thử hỏi mấy ai dám nhận mình đã trọn lành (toàn thiện) và trọn sáng (toàn minh)?

Vì vậy mà trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn gấp rút của buổi Hạ nguơn sắp đến ngày chấm dứt, Ðức Huỳnh Giáo Chủ, chủ trương niệm Phật chẳng qua là để dự Hội Long Hoa, như Ngài đã nói rõ trong bài thơ đọc khi ngồi niệm Phật, như sau:

Mắt nhìn trần đỏ niệm Di đà,
Nguyện vái thân này khỏi đọa sa.
Muôn đạo hồng quang oai Ðức Phật,
Soi đường minh thiện đến Long Hoa.

Khi đã dự Hội Long Hoa là được sống còn trong đời Thượng nguơn. Và theo Ðức Huỳnh Giáo Chủ, mà được sống còn là nhờ tu pháp môn Tịnh độ hay niệm Phật rành như Ngài đã khuyên nhủ:

Niệm Di đà rán niệm cho rành,
Thì mới được sống coi Tiên Thánh.

Ðược coi Tiên Thánh tức là được sống đời Thượng nguơn là cuộc đời phàm Thánh đồng cư, nghĩa là người phàm sẽ sống lẫn lộn với Tiên Thánh trong cõi Thượng nguơn an lạc.

Pháp môn Tịnh độ là pháp môn tu cầu tha lực, nghĩa là nhờ vào nguyện lực của Phật A Di Đà tiếp dẫn về nơi Tây phương Cực Lạc.

Nhưng ngoài môn tu cầu tha lực, Ðức Huỳnh Giáo Chủ còn chỉ phép tu Tự lực để trợ trưởng và bồi đắp cho phép tu Tha lực thêm sâu dày vững chắc.

Căn cứ theo những điều chỉ dạy của Ðức Huỳnh Giáo Chủ trong Sấm Giảng thì các pháp tu Tự lực có thể phân ra làm ba loại môn:

I. Loại môn thứ nhứt: – Ác Pháp là các pháp làm trở ngại sự phát triển các thiện pháp, thường làm ô nhiễm thân tâm, gây nên lắm điều tội lỗi khiến con người mãi vướng mắc trong vòng luân hồi đau khổ.

Thuộc về các ác pháp có thể kể:
Tam nghiệp hay Thập ác là những nghiệp do Thân Khẩu Ý tạo nên, như: Sát sanh, Đạo tặc, Tà dâm thuộc về Thân; Lưỡng thiệt, Ỷ ngôn, Ác khẩu, Vọng ngữ thuộc về ác của Khẩu; Tham lam, Sân nộ, Mê si thuộc về ác của Ý.

Thất tình là bảy thứ tình cảm như: Mừng, giận, buồn, yêu, ghét, muốn, sợ.

Lục dục là Danh vị, Tài lợi, Sắc đẹp, Tư vị, Hư vọng, Tật đố.

Cộng lại là 13 con ma thường làm não loạn thân tâm con người, khiến cho thân loạn động, tâm nhiễm ô.

Lục căn, Lục trần là sáu cội rễ (căn) trong thân người như: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, làm chỗ cho sáu cảnh (trần) như: Sắc (màu sắc), Thinh (tiếng nói), Hương (mùi), Vị (vị), Xúc (chạm), Pháp (vạn vật) xâm nhập vào nội tâm gây thành Lục thức (sáu cái biết) làm cho điên đảo thân tâm. Do sáu căn mà sáu trần (bụi nhơ) bên ngoài thâm nhập (nhiễm) vào tâm thức làm cho ô nhiễm, đảo điên, ngày đêm tiết rỉ ra ngoài (lậu) các thứ phiền não bất tịnh, phá hoại công đức của con người cứ mãi lăn lộn trong tam đồ lục đạo.

Ngũ uẩn. Theo Ðức Huỳnh Giáo Chủ là 5 thứ hoặc làm cho con người trở nên đần độn, trụ mãi chỗ tối tăm, không tiến đến chỗ siêu thoát. Năm thứ hoặc ấy là: Tham, Sân, Si, Nhân, Ngã.

Về Ngũ uẩn, Ðức Thầy có giải:

Lời Ta dạy hãy nên suy nghiệm,
Phải phá tan Ngũ uẩn trong mình.
Chữ Tham trong ý muốn mặc tình,
Rán định tánh trừ cho nó tuyệt.
Chữ gây gỗ là Sân hãy diệt,
Cho nó đừng thấp thoáng trong lòng.
Thêm chữ Si thiệt quá lòng dòng,
Nên tỉnh trí tìm nơi dụt tắt.
Chữ Nhân Ngã cũng là quá gắt,
Dẹp năm tên được mới mừng cười.
Vô pháp tướng mới là thiệt tướng,

Tứ đổ tường là bốn bức tường làm cho con người sa ngã, bị nhốt chặt vào chỗ mê lầm tăm tối, không cho vượt ra ngoài ánh sáng của đạo mầu để tiến lên con đường siêu thoát, khỏi chốn luân hồi sanh tử.

Về Tứ đổ tường, Ðức Huỳnh Giáo Chủ có giải:

Người tu hành phải trừ nghiệp chướng,
Với bốn ma mới đặng an nhàn.
Tửu nhiễm vào thân thể bất an,
Sắc mến nó ngày kia lao khổ.
Ta nghiệm xét từ đời Bàn Cổ,
Có ai dùng mà đặng thành Tiên.
Mà đời nay theo nó liên miên,
Chữ Tài của khổ riêng một kiếp.
Bị tội cướp nào ai có tiếp,
Mà đời nay nó cứ mãi làm.
Chữ Khí hùng khuyên chớ có ham,
Mà lao lý tấm thân trần thế.

Trên đây là những ác pháp cần phải trừ diệt, nều ta muốn tu chỉnh thân tâm cho được chánh chơn thuần mỹ hầu có trang nghiêm các hạnh lành cho con đường tiến tu giải thoát.

II) Loại môn thứ hai. – Chơn pháp là các pháp làm hiển lý chân thật, phá tan mọi vọng kiến, soi đường cho chân lý hiển thị, giúp người nhận rõ nguyên lý của sự vật.
Thuộc về Chơn pháp hay Hiển pháp, Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã luận giải:

Tứ diệu đề là bốn chân lý biện giải về sự khổ (Khổ đề), nguồn gốc của sự khổ (Tập đề), phương pháp diệt trừ sự khổ (Diệt đề) để đi đến con đường giải thoát (Đạo đề).
Đó là diễn trình Tứ diệu đề theo Ðức Phật. đến Ðức Huỳnh Giáo Chủ để cho phù hợp với căn cơ chúng sanh thời mạt pháp, Ngài đã sắp xếp cái diễn trình Tứ diệu đề lại như sau:

Tập đề là khi mới bước vào tu tập,
Diệt đề là phải diệt trừ các ác pháp.
Khổ đề là nhẫn chịu khổ trong lúc tu học,
Ðạo đề là đạt đến chỗ thành đạo.

Thập nhị nhân duyên là 12 nhân duyên chằng chịt nhau tạo ra những chuỗi dây chuyền nhân quả của con đường luân hồi mà con người phải vướng mắc không thoát ra được.
Về Thập nhị nhân duyên, Ðức Huỳnh Giáo Chủ có giải như vầy:

“Ðó là 12 duyên sanh, nó dắt đi từ kiếp nầy đến kiếp kia không có dứt; cái vô minh nghĩa là tối tăm mê dốt, từ hồi vô thỉ. Có mê dốt ta mới hành động, rồi hành động ấy sanh ra muôn pháp, nên mới có cái thức (biết), ví như loài cây cỏ, sắt đá (vô tình) không biết chi cả, đâu có danh sắc, còn ta là loài hữu tình có cái biết ấy nên có xác thịt và linh hồn, danh sắc. Xác thịt và linh hồn có thì phải có 6 căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, nhiễm với 6 trần là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp nên gọi là lục nhập. Có lục nhập mới có tiếp xúc với mọi người và vạn vật, nên gọi là xúc động, rồi từ chỗ tiếp xúc mới thọ hưởng của tiền trần nên gọi là thọ cảm. Có thọ cảm, thọ hưởng của tiền trần rồi mới có cái ưa thích, quyến luyến thâm tình nên gọi là ái,

“Muôn việc chi ở đời, nếu ta yêu thích cái điều đó thì ta phải gắng công gìn giữ chặt chịa nên gọi là bảo thủ; mà gìn giữ chặt chịa thì mới có sống, nếu không, làm sao mà ta sống, nên gọi là hữu. Rồi cái sống ấy, mến tiếc ấy mới đầu thai trở lại cõi trần đặng hưởng dụng nên gọi là sanh. Muôn loài vạn vật hễ sinh ra thì lớn, hễ lớn thì sẽ già bị trong tứ đại (đất, nước, gió, lửa) làm nên nào tứ thời, cảm mạo bất hòa, hễ già thì yếu đau, nếu đau tất phải chết nên gọi là lão, tử. Ấy vậy cái nghiệp nhơn của già chết ấy là tại cái vô minh mà ra tất cả”.

Ngũ trược là 5 thứ nhơ bẩn của cõi Ta bà làm ô nhiễm thân tâm con người mãi đắm say trong cõi trần ai tục lụy. Năm sự dơ bẩn ấy là:

Kiếp trược là kiếp sống con người vì đắm say ô nhiễm mà lần lần giảm thọ. Do kiếp trược mà con người sanh ra 4 thứ trược tiếp theo sau:
Kiến trược là kiến thức ô trược, điên đảo.
Phiền não trược là mối mê lầm nhơ bẩn.
Chúng sanh trược là các loại hữu tình đều ô trược.
Mạng trược là mạng sống ô trược.

Nếu con người hiểu được nguồn gốc của sự khổ, nguyên nhân của luân hồi và nhận thấy cõi trần cũng như đời sống con người ô trược thì hết say đắm mà tìm phương tu hành để giải khổ, thoát kiếp luân hồi, siêu xuất cõi đời ô trược.

Muốn được như thế, thay vì hành ác pháp, nên nhận rõ nguyên lý chơn thật của sự vật rồi hành các thiện pháp để trang nghiêm đời sống cho được thanh tịnh mà siêu xuất khỏi bể hồng trần đầy đau khổ.

III. Loại môn thứ ba. – Thiện pháp là các pháp lành mà con người cần tu tập để gây lấy thiện duyên, sửa trị thân tâm cho được thanh cao tốt đẹp hầu đắc quả Thánh Phật, dứt cuộc luân trầm, hoàn toàn giải thoát.

Thuộc về thiện pháp, trong Sấm Giảng của Ðức Huỳnh Giáo Chủ có chỉ dạy mấy pháp sau đây:

Bát Chánh là tám con đường chánh, nếu con người hành theo sẽ tu chỉnh được thân, khẩu, ý được chánh chơn thiện mỹ. Ðể tu chỉnh bản thân thì hành môn:

Chánh kiến là thấy đúng theo sự thật.
Chánh nghiệp là làm nghề nghiệp chơn chánh.
Chánh mạng là giữ thân mạng chơn chánh trong sạch.
Để tu chỉnh miệng lưỡi thì hành môn:
Chánh ngữ là giữ gìn lời nói chơn chánh.
Để tu chỉnh bản tâm thì hành môn:
Chánh tư duy là giữ tư tưởng luôn luôn nghĩa điều chơn chánh.
Chánh tinh tấn là giữ Ðức tin vững vàng và cương quyết tiến tới.
Chánh niệm là giữ tâm không xen tạp những tà niệm.
Chánh định là giữ lòng vắng lặng.

Muốn cho sự tu hành được bền vững, không chán nản vì cảnh gian lao hay thử thách, Ðức Huỳnh Giáo Chủ còn chỉ dạy thêm mục Bát nhẫn.

Bát nhẫn là 8 điều nhịn nhục mà người tu hành cần rèn luyện để xử thế tiếp vật, điều phục thân tâm hầu có đủ sức chịu đựng; lướt qua mọi gian nguy, đem lại hòa ái trong gia đình, trong xã hội mong sớm đạt thành đạo quả.
Tám điều nhẫn ấy là:

Nhẫn năng xử thế là đức nhẫn để đối xử với đời và nhẫn đợi thời cơ. Hành được sẽ trở thành người hiền.
Nhẫn hương lân là đức nhẫn giữ hòa khí đối với chòm xóm.
Nhẫn phụ mẫu là đức nhẫn hiếu kính đối với cha mẹ.
Nhẫn tâm là đức nhẫn giữ lòng an định.
Nhẫn tánh là đức nhẫn giữ tánh điềm đạm.
Nhẫn đức là đức nhẫn giữ đức độ hiền hòa.
Nhẫn thành là đức nhẫn của thành tâm, tín tâm.

Trên đây là các pháp tu tự lực, sở dĩ Ðức Huỳnh Giáo Chủ chỉ dạy là để trợ trưởng cho pháp tu tha lực của pháp môn Tịnh độ.

Ví như kẻ rớt xuống nước mong được người trên thuyền cứu vớt, trong lúc người trên thuyền thòng tay xuống vớt (tha lực) mà người dưới nước không cố sức vọt lên (tự lực) thì người trên thuyền dầu muốn cứu cũng không làm sao được.

Vì vậy mà đồng thời với phép tu cầu tha lực, Ðức Huỳnh Giáo Chủ còn chỉ dạy thêm pháp tu tự lực. Cũng như chiếc thuyền vừa chèo (tự lực) lại còn được sức gió (tha lực) đẩy thêm thì thuyền sẽ mau tới bến.

Cứu cánh của pháp môn Tịnh độ là vãng sanh về cõi Cực Lạc, nhưng vào thời pháp nhược ma cường của buổi Hạ nguơn mạt pháp nầy, gặp đầy ác duyên trở ngại thì khó mà hành cho được phép niệm Phật nhứt tâm hay tam muội. Niệm Phật mà không nhứt tâm thì khó mà được tha lực tiếp độ. Vả lại, theo Ðức Huỳnh Giáo Chủ, cho được vãng sanh, người tu còn phải được trọn lành trọn sáng.

Thảng như không được vãng sanh thì người tu nhờ có niệm Phật và tâm lành lánh dữ cũng trở thành người hiền có đủ điều kiện dự Hội Long Hoa và sống đời Thượng Ðức.
Hiệu năng của Học Phật là tạo nên Ðức, thế nên còn cần phải Tu Nhân để tạo nên Công, hầu có đủ Công Ðức như cổ xe có 2 bánh, mới mong lần chạy nhanh được.

Vì vậy mà ngoài việc Học Phật, hành giả hay tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo còn phải Tu Nhân mới trở nên người Hiền đúng với pháp môn Học Phật Tu Nhân mà Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã khai thị.

Chương XIII: Tu Nhân [trở lại đầu trang]

Tu Nhân tức là tu Tứ Ân để làm tròn Hiếu nghĩa là nền tảng của đạo Nhân tức là đạo làm người vậy. Không ai bỏ điều kiện hiếu nghĩa mà tu thành Tiên thành Phật bao giờ, vì Hiếu nghĩa là nền móng của đạo Nhân, cũng như muốn cất nhà phải xây nền đắp móng. Không xây nền, đắp móng thì làm sao dựng lên nhà cửa. Dầu có dựng sớm muộn gì cũng phải sụp đổ.

Tế Ðiên Hòa Thượng có nói: Dục tu Tiên đạo, tiên tu Nhân đạo. Nhân đạo bất tu, Tiên đạo viễn hỹ. Muốn tu thành Tiên thành Phật, trước phải tu đạo làm người, đạo làm người mà không tu thì đạo tu Tiên Phật còn xa vời vậy.

Nhưng muốn tu nhơn đạo, điều trước tiên là phải làm tròn điều Hiếu Nghĩa, như thánh nhơn đã nói: Thiên kinh vạn điển, hiếu nghĩa vi tiên. Muôn vạn quyền kinh Phật Thánh Tiên đều dạy sự hiếu nghĩa làm đầu.

Và theo Ðức Phât Thầy Tây An, “muốn làm xong hiếu nghĩa có bốn điều ân ta cần phải hy sinh gắng gổ mới mong làm trọn”.

Về bốn điều ân, Ðức Huỳnh Giáo Chủ có giải như vầy:

Ân Tổ Tiên Cha Mẹ: Ta sanh ra cõi đời được có hình hài để hoạt động từ thuở bé cho đến lúc trưởng thành đủ trí khôn ngoan, trong khoảng bao nhiêu năm trường ấy, cha mẹ ta chịu biết bao khổ nhọc; nhưng sanh ra cha mẹ là nhờ có tổ tiên nên khi biết ơn cha mẹ, cũng có bổn phận phải biết ơn tổ tiên nữa.

Muốn đền ơn cha mẹ, lúc cha mẹ còn đang sanh tiền, có dạy ta những điều hay lẽ phải ta rán chăm chỉ nghe lời, chớ nên xao lảng, làm phiền lòng cha mẹ. Nếu cha mẹ có làm điều gì lầm lỗi, trái với nhân đạo, ta rán hết sức tìm cách khuyên lơn ngăn cản. Chẳng thế ta cần phải lo nuôi dưỡng báo đền, lo cha mẹ khỏi đói rách, khỏi bịnh hoạn ốm đau, gây sự hòa hảo trong huynh đệ, tạo hạnh phúc cho gia đình, cho cha mẹ vui lòng thỏa mãn. Rán cầu cho cha mẹ được hưởng điều phước thọ. Lúc cha mẹ quá vãng, hãy tu cầu cho linh hồn được siêu thăng nơi miền Phật cảnh, thoát đọa trầm luân.

Còn đền ơn Tổ Tiên, là đừng làm điều gì tồi tệ điếm nhục tông môn, nếu tổ tiên có làm điều gì sai lầm gieo họa đau thương lại cho con cháu, ta phải quyết chí tu cầu và hy sinh đời ta làm điều đạo nghĩa, rửa nhục tổ đường.

Ân đất nước: Sanh ra, ta phải nhờ Tổ Tiên, cha mẹ, sống ta cũng nhờ đất nước, quê hương. Hưởng những tấc đất, ăn những ngọn rau, muốn cho sự sống được dễ dàng, giống nòi được truyền thụ, ta cảm thấy có bổn phận phải bảo vệ đất nước khi bị kẻ xâm lăng giày đạp. Rán nâng đỡ xứ sở quê hương lúc nghiêng nghèo, và làm cho được trở nên cường thạnh. Rán cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị. Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm.

Hãy tùy tài tùy sức, nỗ lực hy sinh cho xứ sở. Thảng như không đủ tài lực đảm đương việc lớn, chưa gặp thời cơ giúp đỡ quê hương, ta phải rán tránh đừng làm việc gì sơ suất đến đỗi làm cho nước nhà đau khổ, và đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch gây sự tổn hại đến đất nước.

Đó là ta đền ơn cho đất nước vậy.

Ân Tam Bảo: Tam Bảo là gì? Tức Phật, Pháp, Tăng. Con người nhờ tổ tiên cha mẹ sanh ra nuôi dưỡng, nhờ đất nước tạo kiếp sống cho mình. Ấy về phương diện vật chất.

Về phương diện tinh thần, con người cần nhờ đến sự giúp đỡ của Phật Pháp Tăng khai mở trí óc cho sáng suốt. Phật là đấng toàn thiện, toàn mỹ, bác ái vô cùng, quyết cứu vớt sanh linh ra khỏi vòng trầm luân khổ hải. Thế nên Ngài mới truyền lại giáo pháp, tức là những lời chỉ dạy cho các chư tăng đặng đem nền đạo cả của Ngài ban bố khắp trần thế. Các chư tăng chẳng ai lạ hơn những đại đệ tử của Ðức Phật vậy. Bởi vì Ðức Phật luôn luôn chỉ dẫn và cứu vớt quần sanh thoát miền mê khổ, nên ta hãy kính trọng Phật, hãy tin tưởng và tín nhiệm điều chỉ dạy do các chư Tăng cho biết. Tổ tiên ta đã hiểu rõ sự nhiệm mầu, lòng quảng ái của Phật đối với chúng sanh, đã kính trọng sùng bái Ngài, đã hành động đúng theo khuôn khổ Ngài đã dạy và đã vun trồng bồi đắp cho nền đạo được phát triển thêm ra, xây một tòa lâu đài đạo hạnh vô thượng vô song, rồi truyền mãi mãi với hậu thế.

Nên bổn phận chúng ta phải noi theo chí đức của tiền nhân hầu làm cho trí tuệ minh mẫn đặng đi đến con đường giải thoát, dẫn dắt giùm kẻ sơ cơ và nhứt là tiếp tục khai thông nền Đạo đức đặng cái tinh thần từ bi bác ái được gieo rắc khắp nơi nơi trong bá tánh. Như thế mới chẳng phụ công trình vĩ đại của Ðức Phật và của tiền nhân để lại và không đắc tội với kẻ đời sau vậy.

Ân đồng bào và Nhân loại: Con người vừa mở mắt chào đời đã thấy mình phải nhờ đến sự giúp đỡ của những kẻ ở xung quanh và cái niên kỷ càng lớn thêm bao nhiêu, sự nhờ nhõi càng tuần tự thêm nhiều chừng nấy.

Ta nhờ hột cơm của họ mới sống, nhờ miếng vải của họ mới ấm thân, nhờ cửa nhà của họ mới tránh cơn phong vũ. Vui sướng ta đồng hưởng với họ. Hoạn nạn họ cùng chia với ta.

Họ và ta cũng một màu da, cùng nói một thứ tiếng. Ta và họ hợp nhau thì thành lại một: ấy Quốc gia đó. Họ là ai? Tức những người ta thường gọi bằng đồng bào vậy.

Đồng bào ta và ta cùng chung một chủng tộc, cùng một nòi giống roi truyền, cùng có những trang lịch sử vẽ vang oanh liệt, cùng tương trợ lẫn nhau trong cơn nguy biến, cùng chung phận sự đào tạo một tương lai rực rỡ trong bước tiền đồ của giang san đất nước. Đồng bào ta và ta có một liên quan mật thiết, không thể rời nhau, chẳng thể chia nhau, và chẳng khi nào có ta mà không có đồng bào, hay có đồng bào mà không có ta. Thế nên, ta phải rán giúp đỡ họ hầu đáp đền cái ơn mà ta đã thọ trong muôn một.

Chẳng những thế thôi, ngoài đồng bào, ta còn có thế giới người đang cậm cụi cần lao cung cấp những điều nhu cầu cần thiết. Họ là nhân loại, là những người đang sanh sống với chúng ta trên quả địa cầu. Nếu không có nhân loại, thử hỏi dân tộc ta ra như thế nào? Ta có đủ vật liệu để dùng chăng? Ta có thể tự túc một cách đầy đủ chăng? Nói tóm lại, ta có thể lẻ loi đương đầu với những khi phong vũ nhiệt hàn, với những lúc ốm đau, nguy hiểm, giữ vững cuộc sống còn nầy chăng? Hẳn không vậy. Thế nên dân tộc ta phải nhờ đến nhân loại, nghĩa là nhờ đến dân tộc khác và phải biết ơn họ. Hãy nghĩ đến họ cũng như mình nghĩ đến mình và đồng chủng mình.

Vả lại cái tình từ bi bác ái của Ðức Phật mà ta đã nhận thức, rất thâm huyền quảng huợt. Cái tình ấy, nó không bến không bờ, không phân biệt màu da, không phân biệt chủng tộc; nó cũng không luận sang hèn và xóa bỏ hết các từng lớp đẳng cấp xã hội, mà chỉ đặt vào một: Nhân loại chúng sanh.

Thế, ta không có lý do gì chánh đáng để vì mình hay vì đồng bào mình, gây ra tai hại cho các dân tộc khác. Trái lại, hãy đặt vào họ một tin tưởng nhân hòa, một tinh thần hỉ xả và hãy tự xem mình có bổn phận giúp đỡ họ trong cơn hoạn nạn”.

Nói tóm lại, nếu ta đền đáp xong Tứ Ân tức là ta đã làm tròn điều Hiếu Nghĩa là nền tảng của đạo Nhân.

Vì vậy tu Tứ Ân có nghĩa là Tu Nhân hay đạo làm người.

Kết quả của Tu Nhân là tạo nên phước, như câu nguyện “chí dốc tu hiền tạo phước duyên”. Nó là nấc thang để bước lên địa vị Tiên Phật. Không hoàn tất việc Tu Nhân hay đạo Nhân thì không thể vượt lên hàng Phật Thánh.

“Cho nên điều kiện trước tiên của sự tu để thành Tiên thành Phật là phải hoàn mãn đạo làm người, cũng như muốn cất nhà phải xây nền đắp móng.” Vì vậy ông Thanh Sĩ có viết:

Muốn cho làm Phật làm Trời,
Trước nên làm trọn đạo người hiếu trung.
(Đám mưa dông)

“Ðức Huỳnh Giáo Chủ cũng cho biết, phải trả xong nợ thế tức nợ Tứ Ân hay đạo Nhân thì ngày kia mới đến được cõi Thượng nguơn (chỉ đến Thượng nguơn chớ chưa siêu thoát):

Trả nợ thế nghĩa ân trọn vẹn,
Cảnh non Bồng kỳ hẹn ngày mai.

Hay là:

Trả cho rồi nợ tiền khiên,
Ðến ngày hiệp mặt Kiểng Tiên vui vầy.

Do đó, Ngài luôn luôn khuyên người đời rán tu Nhơn đạo:

Hồng trần biển khổ thấy rồi,
Rán tu nhơn đạo cho tròn mới hay.

“Tu nhân đạo tức thị là tu Tứ Ân mà phàm ai làm người cũng có bổn phận lo đền đáp. Có đền đáp mới hoàn thành đạo Hiếu đối với Tổ Tiên cha mẹ và Tam Bảo, mới vẹn toàn nghĩa vụ đối với đất nước và đồng bào nhơn loại.

“Trong giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, Ðức Huỳnh Giáo Chủ đặt nặng về tu Tứ Ân hay có thể nói Tứ Ân là yếu lý của Phật Giáo Hòa Hảo. Nó thuộc về phần Tu Phước trong Tu Nhân, cũng như pháp môn Tịnh độ thuộc về Tu Huệ trong Học Phật.

“Có Học Phật mà không Tu Nhân tức là có Tu Huệ mà không Tu Phước. Như thế chỉ có Ðức mà thiếu Công.

“Pháp tu hoàn bị nhứt là pháp tu kiêm Tu Phước lẫn Tu Huệ, hay vừa Tu Nhân vừa Học Phật thì mới trọn nghĩa Lập Công Bồi Ðức.

“Phương chi theo Ðức Huỳnh Giáo Chủ, Tu Nhân hay Tu Tứ Ân là phần căn bản của pháp môn Tu Nhân Học Phật là một pháp môn cốt đào luyện nên hạng người Hiền, hầu có hội đủ điều kiện dự Hội Long Hoa và sống đời Thượng nguơn Thánh Ðức.

“Mục đích của Phật Giáo Hòa Hảo là đào luyện người Hiền, thế nên muốn trở nên Hiền trước phải hoàn thành đạo Nhân hay tu Tứ Ân, thiếu nó thì việc Học Phật trở thành vô hiệu trong chương trình đào luyện người Hiền.

Thế nên, nếu không tu Tứ Ân thì đừng mong đạt thành quả vị trong việc Học Phật. Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã quả quyết như vậy. Ngài khẳng định nếu không tu Tứ Ân thì khó mà còn được xác thân. Thân xác mà không còn thì lấy đâu để tu cho thành công đắc quả, như câu:

Nào là luân lý Tứ Ân,
Phải lo đền đáp xác thân mới còn.

“Chẳng những mất xác thân mà theo Ðức Huỳnh Giáo Chủ, còn phải đọa linh hồn nữa. Vì vậy nên Ngài không dứt khuyên tu Tứ Ân, nếu không, chừng bị đọa đừng có than trách:

Câu quân lý Tứ Ân chạm dạ,
Nếu chẳng gìn phải đọa đừng than.

“Ðó là hậu quả của sự thiếu tu Tứ Ân, đã mất xác thân mà còn đọa cả linh hồn. Cứ theo lời khuyên dạy của Ðức Huỳnh Giáo Chủ nếu ai mà hoàn thành được phép tu Tứ Ân, chẳng những được sống còn trong ngày hoại diệt mà còn dứt được tội căn:

Ðến ngày biển cạn non mòn,
Tứ Ân đã trả chẳng còn tội căn.

“Ngoài ra, nếu không siêu thoát thì cũng chứng quả Thần, như Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã viết:

Một câu quan lý Tứ Ân,
Ta đừng phai lạt Phong Thần bảng ghi.

“Nhưng điều vinh hạnh hay có thể nói: kết quả pháp tu Tứ Ân là được trở nên người hiền, đúng như mục tiêu của pháp môn Học Phật Tu Nhân đã dự liệu:

Nhơn sanh hiếu nghĩa dĩ vi tiên,
Hành thiện tri kinh thị Sĩ Hiền.

“Hiếu nghĩa thuộc về tu Tứ Ân hay Tu Nhân, còn hành thiện (làm lành) và tri kinh (học kinh điển) thuộc về Học Phật. Như thế muốn trở nên Hiền nhơn, phải kiêm Tu Nhân và Học Phật, nhưng trọng yếu là phần Tu Nhân, vì có Tu Nhân hay Tứ Ân mới lập được thân danh và công trạng với đời, như nhận xét sau đây của Ðức Huỳnh Giáo Chủ:

Lập thân cứu thế nên công quả,
Muôn kiếp danh Hiền sách vẫn biên.

“Phải lập thân danh và công cứu thế thì mới có công: đó là điều kiện phải có để làm nên người Hiền:

Chữ thứ nhứt nhẫn năng xử thế,
Là người Hiền khó kiếm trong đời.
Lập thân danh từng trải nơi nơi,
Chờ thời đại mới là khôn khéo.

“Thì cũng nhận phải lập thân danh mới có công trong xã hội. Nhưng lập thân danh bằng cách nào? Nếu không phải bằng con đường tu Tứ Ân hay Tu Nhân đạo.

“Cho nên có thể kết luận, chỉ có con đường tu Tứ Ân mới lập được thân danh mà trở nên người Hiền, như pháp môn Học Phật Tu Nhân đã trù liệu.

“Và chỉ có người Hiền mới đủ điều kiện dự Hội Long Hoa và sống đời Thượng nguơn. Như vậy là mục đích đào luyện người Hiền của pháp môn Học Phật Tu Nhân đã đạt, nghĩa là gồm Tu Phước và Tu Huệ hay Tu Nhân và Học Phật.

Nợ thế âu toan đền nợ thế (Tu Nhân)
Đường tu sớm liệu vẹn đường tu. (Học Phật)

“Ðó là yếu lý của pháp môn Học Phật Tu Nhân, một pháp môn đáp ứng với căn cơ của chúng sanh và hoàn cảnh cấp bách của thời kỳ Hạ nguơn sắp chấm dứt, Hội Long Hoa sắp khai, và đời Thượng nguơn sắp lập”. (1)

Đó là sự nghiệp tôn giáo mà Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã kiến lập với pháp môn Học Phật Tu Nhân để cứu độ chúng sanh trong thời kỳ hoại diệt của buổi Hạ nguơn.

Ngoài sự nghiệp về mặt đạo Ngài còn tạo dựng nên sự nghiệp về mặt đời với hai thành quả về Quân sự và Chánh trị để phương tiện hướng dẫn tín đồ cùng tham gia vào công cuộc cứu đời hầu có lập Công, cũng như hành đạo để lập Ðức.
_________________________________________
(1) Vương Kim: Tại sao ta phải tu. Tr. 225-230.